Trái cây ngoại vào Việt Nam theo đường xách tay
Người bán cho rằng đây là những loại trái cây hiếm, lạ, với số lượng không nhiều nên chỉ đưa về theo dạng hàng xách tay và cũng vì vậy không thể có được các chứng nhận đã qua kiểm dịch khi bán ra thị trường.
Gia đình chị Bùi Hà ở quận 1, TP HCM lâu nay vẫn thích mua trái cây nhập khẩu về ăn hoặc để biếu tặng.
Gần đây có vài loại trái cây được chị chọn mua trên một số trang Facebook cá nhân.
Theo chị Hà, sở dĩ chị mua trên Facebook thay vì ra các cửa bán trái cây nhập khẩu là bởi các loại trái cây này khá lạ, độc đáo và số lượng không nhiều do hàng được đưa về theo đường xách tay.
Nho Shine Muscat của Nhật, hay còn gọi là nho mẫu đơn xanh, được giới thiệu trên một số trang Facebook cá nhân.
“Ban đầu là nho móng tay của Mỹ, rồi mới đây là nho Shine Muscat của Nhật và thỉnh thoảng là trái lựu nhập từ Mỹ.
Cũng bởi lạ nên giá bán khá đắt, ví dụ nho móng tay Mỹ giá gần 500.000 đồng/kg, nho Nhật hơn 1,2 triệu đồng/kg…” - chị Hà nói.
Chị Minh ở quận Gò Vấp, TP HCM, cũng cho biết công việc của chị cần ngoại giao nhiều nên chị thường tìm mua các loại quà biếu độc đáo, trong đó có các loại trái cây lạ nhập về bằng đường xách tay nói trên.
Chị thường vào các trang Facebook cá nhân, các trang web bán trái cây nhập khẩu để tìm các loại trái cây này vì theo chị nó ngon, lạ, thích hợp để biếu tặng.
“Tôi nghĩ, một hai ký trái cây lạ, đắt tiền kèm trong một giỏ trái cây tươi ngon sẽ thích hợp làm quà biếu, tặng trong thời buổi ai cũng tăng cường ăn rau xanh, trái cây như bây giờ” - chị Minh nói.
Ông L., đại diện một đơn vị chuyên nhập khẩu, phân phối sỉ và lẻ trái cây tại thị trường TP HCM, cho biết bên cạnh việc nhập khẩu chính ngạch, hiện tại đơn vị ông cũng nhập một số loại trái cây theo đường xách tay.
Số lượng này thường không nhiều nhưng đơn vị ông bán thử để thăm dò thị trường.
“Đợt vừa rồi loại nho Shine Muscat của Nhật, hay còn gọi là nho mẫu đơn xanh, khá hút khách, vì vậy tôi nhờ người quen liên tục mua xách tay về.
Giá loại này có nơi bán tới 1,25 triệu đồng/kg và thường chia ra bán theo hộp nhỏ.
Bên tôi bán giá 880.000 đồng/kg nên có khi không đủ hàng để bán” - ông L. nói.
Khi được hỏi về việc sản phẩm có được kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi ra thị trường không, ông L.
cho rằng vì đây là hàng xách tay, số lượng không nhiều nên thông thường sẽ không có đơn vị nào kiểm tra.
Tuy nhiên, theo ông L., đối với các sản phẩm ngoại nhập, người tiêu dùng có thể yên tâm vì đã được kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm kỹ lưỡng từ phía đơn vị cung cấp.
Anh K., chủ một cửa hàng bán trái cây ngoại trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM khẳng định những loại trái cây nhập theo đường xách tay hiện đang bán ở cửa hàng anh là hoàn toàn an toàn.
Tuy nhiên, anh cũng nhìn nhận là hàng xách tay thì không thể có các giấy tờ chứng nhận đã qua kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm khi nhập hàng vào Việt Nam.
Ông Đặng Văn Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II, cho biết trái cây không phải là mặt hàng cấm nên nếu người mua hàng ở nước ngoài rồi xách tay về mà không khai báo thì cũng không đủ lực lượng để có thể kiểm tra, kiểm soát hết được.
Nhưng ông cũng cho rằng, nếu không được kiểm dịch, các sản phẩm trái cây dễ có nguy cơ mang dịch, khả năng sâu bệnh vào Việt Nam.
“Người tiêu dùng khi mua các sản phẩm nhập khẩu qua đường xách tay cần lưu ý mua ở những địa chỉ uy tín, có giấy tờ vì không ngoại trừ khả năng sản phẩm đó được gắn mác hàng cao cấp, hàng xách tay để bán với giá cao” - ông Hoàng nói thêm.
Một cán bộ hải quan không muốn nêu tên cũng cho biết đối với một số đồ cá nhân, không phải hàng cấm, nếu hành khách khai báo thì cơ quan hải quan mới làm thủ tục hải quan, thực hiện việc kiểm tra hay phối hợp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch.
Nếu không thì cũng không có sự kiểm tra.
Nói riêng về loại nho Nhật được bán trên trang Facebook cá nhân thời gian gần đây, TS. Nguyễn Hữu Đạt, Giám Đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, cho biết loại nho này chưa được phép nhập vào Việt Nam.
Related news
Tập quán sử dụng các loại phân bón hóa học ở Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng mới có từ khi thành lập các HTX NN lại nay.
Thời tiết thuận lợi, năng suất cao nhưng vụ Hè Thu năm nay người dân lại tiếp tục đối mặt với thua lỗ. Hiện giá lúa gạo ở ĐBSCL tiếp tục sụt giảm, sức tiêu thụ cũng yếu.
Ngày 16-6, tại TP.HCM, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND TP.HCM, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương tổ chức “Hội nghị đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều năm 2014 vùng Đông – Tây Nam Bộ” nhằm hỗ trợ tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, đến nay, có hơn 160 hộ nuôi trồng thủy sản tham gia bảo hiểm cho con tôm với tổng diện tích tham gia trên 180ha (gồm 256 hợp đồng). Tổng chi chí bảo hiểm cho con tôm hơn 9,44 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 5,7 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện Cái Nước (Cà Mau) có hơn 30.200 ha đất nuôi tôm; trong đó, có gần 1.500 ha nuôi công nghiệp, trên 8.000 ha tôm quảng canh cải tiến. Diện tích trên đòi hỏi lượng tôm giống rất lớn, nhưng toàn huyện chỉ có 17 trại sản xuất tôm sú giống, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu của nông dân.