Trà Vinh Tìm Giải Pháp Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Người Nuôi Tôm

Ngày 22/4/2014, tại huyện Duyên Hải, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chủ trì hội nghị với 04 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về tình trạng thiếu điện và thiếu vốn phục vụ cho vụ nuôi tôm 2014.
Theo báo cáo của lãnh đạo 04 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành thì khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang phải đối mặt là nhu cầu vốn, nguồn điện phục vụ cho vụ nuôi tôm 2014, nhất là nguồn điện phục vụ cho nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh nhìn nhận: Tại tất cả các vùng nuôi tôm tập trung của tỉnh đều đang thiếu hụt nguồn điện. Trong đó, tại các vùng mới phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng thì tình trạng thiếu điện càng trầm trọng hơn.
Ông Truyền khuyến cáo người dân ở những vùng không đủ điều kiện nguồn điện thì nên quay lại nuôi tôm sú. Để nghề nuôi tôm phát triển ổn định và bền vững, thì cũng cần có quy hoạch cụ thể hệ thống lưới điện phục vụ cho nuôi thủy sản.
Ông Dương Văn Kẻn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh ghi nhận: Nhu cầu điện phục vụ cho nghề nuôi thủy sản của người dân là chính đáng. Tuy nhiên, do phát triển diện tích nuôi tôm không tuân thủ quy hoạch, không nằm trong quy hoạch phát triển điện, nên không có đủ nguồn điện phục vụ cho sản xuất. Do đó, cần có kế hoạch khuyến cáo người dân biết cụ thể những vùng nào có thể cung cấp được nguồn điện để người dân chủ động trong sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành Điện trong việc điều tiết, cung ứng điện cho sản xuất. Ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp kịp thời, nhất là trong lĩnh vực thủy sản, trong điều kiện thời tiết, diễn biến môi trường không thuận lợi nhưng tỷ lệ thiệt hại tôm nuôi chỉ ở mức hơn 10% là thành tích đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Văn Phong lưu ý các ngành, các địa phương ven biển thời gian tới cần theo dõi, giám sát, chuyển giao và phòng ngừa tốt dịch bệnh thủy sản; Tổ chức tọa đàm, hội thảo để giúp người dân thông hiểu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản. Trong năm 2014, ngành Thủy sản cần phải tập trung vào lĩnh vực sản xuất và cung ứng giống thủy sản tại địa phương cho người nuôi lên 70 đến 80%. Đối với Ngân hàng, cần tranh thủ nguồn vốn 10.000 tỷ đồng của gói tín dụng dành cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Các địa phương có kế hoạch nhu cầu vốn để ngân hàng thu xếp bố trí vốn kịp thời. Đối với ngành Điện, bằng nhiều giải pháp năm 2014 – 2015 phải đảm bảo cơ bản nguồn điện phục vụ nuôi thủy sản; trước mắt tập trung cho huyện Duyên Hải và Cầu Ngang.
Related news

Tháng 7.2012, Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trường Ðại học Nông Lâm (ÐHNL) Huế xây dựng mô hình “Phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng phương pháp sinh học sử dụng bọ đuôi kiềm”. Mô hình đã đạt kết quả khả quan.

Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở huyện Tháp Mười phát triển mạnh, trong đó có xã Tân Kiều (Đồng Tháp). Hiện tại toàn xã có gần 100 hộ nuôi ếch, tập trung nhiều ở ấp 4. Đây được xem là nghề thoát nghèo của nhiều gia đình.

Thực hành quy trình “Ứng dụng men vi sinh trong sản xuất phân hữu cơ sinh học từ nguồn vỏ cà phê” của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng, nông dân Lâm Đồng đã và đang tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư các nguồn dinh dưỡng để chăm sóc cho cây trồng.

Chưa đầy 2 tháng xuống giống ở Hà Tĩnh, dịch bệnh đốm trắng đã xuất hiện tại các vùng nuôi tôm Kỳ Anh, Lộc Hà, gây thiệt hại cho người nuôi. Mặc dù ngành chuyên môn tích cực triển khai dập dịch nhưng nguy cơ dịch bùng phát khó tránh khỏi.

Thực hiện Đề án chuỗi giá trị sản xuất tôm càng xanh tỉnh An Giang giai đoạn 2013-2015 (do Sở Công thương chủ trì), Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã khảo sát và thống kê các hộ đăng ký tham gia chuỗi giá trị, với tổng diện tích 41,7 héc-ta, năng lực cung cấp 50,04 tấn/năm.