Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Quế Ở Yên Lập Lên Ngôi

Cây Quế Ở Yên Lập Lên Ngôi
Publish date: Monday. November 10th, 2014

Yên lập có diện tích 43.783 ha; dân số trên 83 nghìn người; 17 đơn vị hành chính  (trong đó có một thị trấn); 17 dân tộc anh em sinh sống. Từ bao đời nay người dân Yên Lập luôn đoàn kết, cần cù, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, anh hùng dũng cảm trong chiến đấu.

Với thế mạnh của huyện miền núi, Yên Lập có 29.641 ha đất lâm nghiệp trong đó cây quế hiện có khoảng 5.000 ha tập trung trồng ở các xã Trung Sơn, Thượng Long. Điều kiện đất đai thổ nhưỡng phù hợp, khí hậu vùng núi cao tạo điều kiện tốt cho cây quế phát triển.

Quế trồng vào mùa xuân cùng với trồng rừng, trên diện tích đồi, nương và xung quanh nhà, ngoài vườn đều được bà con tận dụng. Quế như của để dành, trồng quế như trồng niềm vui sinh sôi lúc mùa xuân về, khi gia đình, dòng họ có công to việc lớn, dựng vợ gả chồng, cặp gia đình trẻ được bố mẹ cho ở riêng, khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời.

Quế phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giữ đất chống rửa trôi, xói mòn, quế bảo vệ môi trường sinh thái, quế giữ nguồn sinh thuỷ, điều tiết khí hậu bảo vệ mùa màng. Quế trồng càng lâu càng có giá trị kinh tế lớn.

Lớp vỏ chắt lọc tinh dầu từ đất mang lại hương vị đậm đà quế Trung Sơn - Yên Lập có giá trị cao trên thương trường, sử dụng nhiều trong sinh hoạt, đời sống, y - dược học, ẩm thực. Gỗ quế được sử dụng trong xây dựng nhà, cửa, đóng đồ dùng bàn, ghế, giường, tủ không thua kém gì các loại gỗ quý với thớ mịn, bền, vân đẹp, rất được ưa chuộng. Gần đây cây quế được sản xuất thành phẩm gỗ bóc, gỗ công nghiệp, bột gỗ, than củi. Thủa bao cấp quế được bán cho ngành thương nghiệp, cơ sở thu mua lâm sản.

Từ khi cơ chế thị trường, tư nhân thu mua, được giá bà con bán, không được giá bà con để dành như cây vàng, cây bạc trong nhà, chỉ bán khi giá cao hoặc tậu trâu, làm nhà, cưới vợ, gả chồng cho con cái. Cây quế gắn bó với người dân Yên Lập nói riêng, người dân miền núi nói chung thật là khăng khít từ lúc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay về cõi vĩnh hằng.

Trước đây quế dùng chủ yếu là vỏ, gỗ, còn cành, lá thường được dùng làm củi và phân bón gốc khi hoai mục. Từ khi một số người dân mở lò chưng cất tinh dầu quế từ cành nhỏ và lá quế các sản phẩm bỏ đi sau khi thu hoạch thì cây quế như được thổi vào một luồng sinh khí mới, cây quế lên ngôi.

Đầu đông tôi về xã Thượng Long, xã miền núi cao của huyện Yên Lập. Trong cái nắng vàng như mật ong của tiết trời cuối thu, hồ Ly biếc xanh như một khoảng trời thu gom tất cả sắc núi, hương rừng, mây trời vào trong vắt. Tiếng suối xa róc rách thầm thì như lời ru của rừng xanh vỗ về núi biếc.

Những con suối trở lại hiền hòa sau lũ ống, lũ quét của hoàn lưu bão số 3. Đường liên huyện, liên xã được kết nối bằng nhựa, bằng bê tông, chạy qua những vạt ngô, bí đang lên vồng xanh ngắt. Cơ sở sản xuất tinh dầu của gia đình anh Triệu Như Lợi, nhà 2 tầng xây kiên cố ngay đầu thôn Gò Thiều, dưới chân hồ Ly  hiện lên trong nắng thu như bức tranh thủy mặc.

Tựa lưng vào núi nhìn ra cánh đồng trước mặt, đập tràn từ hồ Ly chảy qua con suối bên nhà càng làm cho phong cảnh hữu tình. Ngay từ cổng vào, mùi tinh dầu quế đã bay xa, ấm cả không gian. Lối đi trong sân, vườn, ngồn ngộn lá quế, bó to, bó nhỏ xếp kín hai bên lối đi đang được nắng vàng hong khô, phần chưa dùng đến được đưa vào kho, phần đưa trực tiếp vào lò chưng cất.

Trong vườn dưới những mái nhà kho là chất ngất lá quế khô được xếp chặt, chồng lên tận nóc, nhiều đống lớn không có mái che phải phủ bạt kín cả khu vườn. Giữa vườn là xưởng chưng cất tinh dầu quế. Dây chuyền gồm một lò hơi đốt bằng lá quế thải ra sau khi chưng cất.

Hơi nước từ lò hơi đi qua hệ thống các nồi chưng cất, tinh dầu quế được tách ra, bốc hơi, đẩy lên bồn ngưng tụ trên cao, gặp hơi lạnh khiến cho những giọt tinh dầu quế thơm nức đọng lại, chảy thành dòng ra vòi thu đựng trong các chum, vại, can to, nhỏ. Cả một dây chuyền hoạt động liên hoàn được vận hành bởi các công nhân luôn tay thoăn thoắt người nào việc ấy.

Bộ phận đầu vào sau khi nguyên liệu được máy phay băm chặt vụn cành nhỏ, lá khô, được đẩy vào nồi chưng cất, bộ phận lò hơi cung cấp nhiệt xả hơi nóng vào nồi chứa nhiên liệu, hơi nóng tách tinh dầu khỏi lá. Lá sau khi chưng cất xong trở thành nhiên liệu cung cấp cho lò hơi theo quy trình khép kín.

Cả một không gian nhộn nhịp, tưng bừng, khẩn trương sôi nổi. Tiếp chuyện với nhóm công nhân vừa ăn cơm trưa xong đang tăm răng, trà nước chuẩn bị thay ca, anh Chung chia sẻ: “Công ăn việc làm ở đây khó khăn lắm, ruộng ít, thu nhập thấp, thanh niên nam nữ đi làm ăn xa, thậm chí xuất cảnh lao động trái phép, nhiều người tiền mất tật mang mắc tệ nạn xã hội.

Từ khi  chú Lợi mở lò này chúng tôi cũng như nhiều người làm tại quê không phải đi xa. Ngày công 150 nghìn đồng lại có bữa ăn trưa tại xưởng, thu nhập ổn định, gia đình, bản thân anh em làm ở đây rất yên tâm".

Với vóc chắc khỏe, nhanh nhẹn, hoạt bát, chủ xưởng Triệu Như Lợi  hồ hởi: “Em đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, cuối cùng em học nghề này từ một chủ xưởng tại tỉnh Yên Bái. Lò của em thuộc loại hiện đại gồm một nồi hơi, bốn nồi chưng cất. Công suất 4 tấn nguyên liệu trên một ngày, tổng lắp đặt dây chuyền hết 700 triệu đồng, nếu tính cả nhà xưởng, máy phay là 1,2 tỷ đồng. Nguyên liệu đủ, vận hành thông suốt một ngày cho ra lò trên 20 lít tinh dầu quế.

Giá hiện tại là 500 nghìn đồng một kg. Trừ chi phí đầu vào, giá mua nguyên liệu tại chỗ hiện nay là 1.200 đồng/1 kg lá quế, chi phí lương công nhân còn lại cũng cho thu nhập ổn định”.

Được biết trong xã có 8 lò chưng cất hầu hết là thủ công, lò của Triệu Như Lợi là lò hiện đại nhất. Ngoài vốn tự có của gia đình, vay của anh em bè bạn, còn lại cũng trông vào ngân hàng nhà nước. Anh cho biết: “Do phải cạnh tranh với các lò tư nhân trong thôn, vốn có hạn, nên cũng chưa có điều kiện để mở rộng đầu tư, mua nguyên liệu dự trữ, hoạt động vẫn ở mức cầm chừng".

Đồng chí Bùi Tiến Vỹ - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Với trên 5.000 ha quế tập trung ở hai xã Trung Sơn và Thượng Long, trước đây thu nhập từ bán vỏ quế và gỗ quế, hiệu quả chưa cao, nhưng nay đưa dây chuyền công nghệ mới chưng cất tinh dầu quế, họ thu mua cả lá lẫn cành hầu như cây quế được tận thu không bỏ thứ gì nên nhân dân đang đầu tư mở rộng diện tích.

Huyện chủ trương cải tạo hệ thống vườn tạp trong dân thay thế các đồi keo, bạch đàn hiệu quả thấp ở các xã có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp  sang trồng quế. Kết hợp nhà nước và nhân dân cùng làm đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là thay giống quế lá to bằng giống quế lá nhỏ, thời gian sinh trưởng ngắn, tỉ lệ tinh dầu cao.

Huyện chủ trương để ngân hàng tạo điều kiện cho các hộ vay vốn đầu tư mở rộng diện tích trồng quế, mở xưởng chế biến nguyên liệu từ quế. Tiếp tục liên kết với các nhà doanh nghiệp, khoa học, trang bị kiến thức  khoa học kĩ thuật, phân bón, kí kết bao tiêu sản phẩm đầu ra vỏ, gỗ, đặc biệt tinh dầu quế để có thị trường ổn định đảm bảo phát triển  bền vững”.

Cây quế trồng thâm canh, mật độ dầy, sau 3 năm chặt cành, tỉa lá, cây cong,  bán nguyên liệu cho cơ sở chưng cất bắt đầu cho thu nhập. Bên dưới gốc quế có thể trồng xen một số cây ngắn ngày như sắn, hương liệu, dược liệu lấy ngắn nuôi dài, sẽ cho hiệu quả kinh tế lớn.

Cây quế - cây vàng cây bạc ở mỗi gia đình tại Yên Lập, cây xóa đói giảm nghèo giải quyết việc làm tại chỗ, cây giữ nguồn sinh thủy, bảo vệ môi trường, bổ sung nét đẹp văn hóa giữ gìn thuần phong mỹ tục đã và đang cháy hết mình tới đây không chỉ làm cho vùng quê Yên Lập mà các huyện miền núi trong tỉnh ngày càng giàu có văn minh.


Related news

Phân bón Phú Mỹ giúp lúa HT năng suất vượt trội Phân bón Phú Mỹ giúp lúa HT năng suất vượt trội

Theo Trạm Khảo kiểm nghiệm sản phẩm giống cây trồng Văn Lâm, mô hình sử dụng phân bón Phú Mỹ đã giúp lúa có sức chống chịu tốt hơn, thân cứng, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và đặc biệt là năng suất vượt trội...

Friday. September 25th, 2015
Hơn 21.000 ha lúa bị sâu đục thân Hơn 21.000 ha lúa bị sâu đục thân

Chi cục BVTV Hải Phòng cho biết, hiện nay trên đồng ruộng toàn thành phố, sâu đục thân hai chấm phát triển mạnh và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa vụ mùa.

Friday. September 25th, 2015
Bệnh đục cơ, cong thân trên tôm thẻ Bệnh đục cơ, cong thân trên tôm thẻ

Trong môi trường nuôi tôm công nghiệp, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng, bệnh đục cơ, cong thân là bệnh khá phổ biến xảy ra.

Friday. September 25th, 2015
Mô hình tôm lúa Mục tiêu 1 tỷ USD Mô hình tôm lúa Mục tiêu 1 tỷ USD

Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất tôm - lúa tại ĐBSCL, được tổ chức sáng qua 23/9, tại TP Rạch Giá, Kiên Giang.

Friday. September 25th, 2015
Lúa lai KC06-1, KC06-2 trên cao nguyên Lúa lai KC06-1, KC06-2 trên cao nguyên

Hai giống lúa lai thơm KC06-1, KC06-2 chống chịu rầy nâu, kháng bệnh đạo ôn, nổi bật với chất lượng ngon, hạt gạo thon dài không bạc bụng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...

Friday. September 25th, 2015