Tổng Kết Mô Hình Thí Điểm Chuỗi Kiểm Soát Chè An Toàn Tại Thanh Sơn
Ngày 3 – 12, tại huyện Thanh Sơn, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã tổ chức Tổng kết mô hình thí điểm chuỗi kiểm soát chè an toàn.
Phú Thọ là tỉnh có diện tích chè đứng thứ 4 trong cả nước với tổng diện tích hơn 16,1 ngàn ha, năng suất chè bình quân đạt 9,4 – 9,8 tấn/ha/năm, sản lượng chè búp tươi năm 2014 ước đạt xấp xỉ 143 ngàn tấn. Toàn tỉnh có 56 công ty, xí nghiệp chế biến chè xanh, chè đen với công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; 1.200 cơ sở chế biến thủ công; 9 làng nghề chế biến chè. Sản phẩm chè của tỉnh hiện đã có mặt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, giá trị trên thị trường quốc tế của chè Việt Nam nói chung và Phú Thọ nói riêng chưa cao, bình quân chỉ đạt khoảng 1,3 – 1,8 USD/kg, bằng 1/3 giá chè của các nước khác dù chất lượng tương đương.
Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất chè vẫn ở tình trạng tự do, không theo hướng an toàn; sản phẩm chủ yếu là bán thành phẩm; không có thương hiệu; không truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.
Để nâng cao giá trị kinh tế của chè Việt Nam nói chung, chè Phú Thọ nói riêng, từ năm 2013 Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã hỗ trợ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản triển khai thí điểm mô hình chuỗi kiểm soát chè an toàn trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH chè xuất khẩu Bảo Long và Công ty TNHH MTV tư vấn đầu tư phát triển chè và cây nông lâm nghiệp với tổng diện tích trên 352ha tại các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, thị xã Phú Thọ.
Các nội dung của chuỗi chủ yếu tập trung vào việc đánh giá thực trạng, điều kiện sản xuất chè an toàn; tư vấn nâng cấp điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; đào tạo, hướng dẫn các biện pháp quản lý như VietGAP, HACCP, ISO; công bố chất lượng sản phẩm; bao bì tem nhãn nhận diện sản phẩm…
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá mô hình đã cho kết quả khả quan, bước đầu hình thành được mối liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân tham gia chuỗi từ sản xuất đến chế biến, kinh doanh; nâng cao được kiến thức quản lý an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, người trồng chè; cải thiện được tình trạng đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh chè; thị trường tiêu thụ được mở rộng; giá chè đã có dấu hiệu được nâng lên…
Tuy nhiên để chuỗi quản lý sản xuất chè an toàn được nhân rộng, phát triển bền vững cần cải thiện việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh có sự hợp tác với nhau để mở rộng, tìm hiểu thị trường, quảng bá sản phẩm; có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người trồng chè và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi.
Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201412/tong-ket-mo-hinh-thi-diem-chuoi-kiem-soat-che-an-toan-tai-thanh-son-2380324/
Related news
Để giúp nông dân từng bước vươn lên làm giàu, đồng thời thay thế bằng những giống mướp đắng mới cho năng suất sản lượng cao, vụ hè thu năm 2012 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công ty giống cây trồng Mosanto - Việt Nam xây dựng thành công mô hình trồng cây mướp đắng lai F1 mới CN0244.
Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì (Hà Nội) vừa triển khai thí điểm mô hình nuôi gà Ai Cập siêu trứng tại xã Tả Thanh Oai. Đây là giống gà siêu trứng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, tốn ít thức ăn, chất lượng trứng cao. Mô hình này đang mở ra triển vọng làm giàu cho người nông dân trên địa bàn.
Bổ sung nguồn lợi thủy sản ở vùng đầm phá, tạo sinh kế cho bà con ngư dân, Chi hội nghề cá Hà Giang (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế) vừa tự nguyện góp tiền thả 3 tạ cá dìa, kích cỡ 2cm ra đầm phá.
Ông Đinh Như Trực (58 tuổi), ở thôn Di Tây, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, là người đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế nuôi ếch trong lồng lưới.
Dù đã trải qua nhiều thăng trầm, song qua thời gian, mô hình luân canh tôm - lúa đã thể hiện nhiều ưu thế phù hợp với xu thế phát triển chung; nhất là tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.