Tôm Thẻ Chân Trắng Cứu Cánh Cho Người Nuôi Tôm Ở Sóc Trăng
Năm 2012, toàn tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại nặng nề do nạn tôm chết trên diện rộng. Diện tích tôm bị chết lên đến gần 24.000 ha, chiếm hơn 56% diện tích thả nuôi, trong đó chủ yếu là tôm sú. Đa số diện tích nuôi tôm sú bị chết là do bị bệnh đốm trắng và hoại tử dưới vỏ. Chính vì vậy, vụ nuôi tôm 2013 này, bà con nông dân đã cạn kiệt vốn, không còn khả năng đầu tư mới. Cho đến giữa tháng 5/2013 mà diện tích nuôi tôm mới đạt 20% kế hoạch. Ngành thủy sản đã đúc kết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng để phổ biến cho bà con nông dân xem đó là cứu cánh cho vùng nuôi tôm Sóc Trăng.
Từ đầu tháng 1/2013, các hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng đã bắt đầu vào vụ nuôi tôm mới năm 2013. Lịch thời vụ được khuyến cáo vùng nuôi tôm-lúa bắt đầu thả con giống từ 15/3/2013 và không thể trễ hơn để tránh ảnh hưởng tới trồng lúa nối vụ. Tuy vậy, diện tích nuôi tôm năm nay đạt tỷ lệ rất thấp. Đến đầu tháng 5/2013 mặc dù đã gần hết thời vụ nuôi tôm nhưng diện tích thả nuôi chỉ mới đạt 9.950 ha, đạt hơn 20% kế họach đề ra của năm 2013, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng đạt gần 3.400 ha. Năm nay, bà con nông dân làm theo hướng dẫn cũng như khuyến cáo của cán bộ khuyến nông nhưng từ đầu năm đến nay, tình hình tôm sú vẫn tiếp tục chết trên diện rộng nên nông dân đã chủ động chuyển sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với nuôi cá rô phi.
Theo cán bộ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Sóc Trăng, diện tích tôm sú chết không chỉ với những hộ nuôi quảng canh cải tiến (thả thưa) mà cả với những hộ, trang trại nuôi theo mô hình thâm canh và bán thâm canh. Do vậy, vụ nuôi tôm năm 2013 này, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương tổ chức cho các hộ nuôi tôm phải khai báo vào tờ khai báo dịch bệnh thủy sản để cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có cơ sở giám sát, phòng chống dịch bệnh cũng như thống kê, lập dữ liệu về diện tích, số lượng thiệt hại để có chính sách hỗ trợ cho bà con nuôi tôm.
Theo bà con nuôi tôm ở huyện Vĩnh Châu - nơi có diện tích thả nuôi lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, rút kinh nghiệm của vụ nuôi tôm 2012 bị chết trên diện rộng, năm nay, bà con thả nuôi mật độ 10 con/m2, kết hợp thả ghép cá rô phi trong ao lắng lẫn ao nuôi và nuôi tôm hai giai đoạn nên tỉ lệ sống rất cao.
Ông Kha Sến ở thị xã Vĩnh Châu cho biết, gia đình ông thả nuôi với mật độ 10 con/m2 (khoảng 1ha) kết hợp thả ghép cá rô phi trong ao lắng lẫn ao nuôi nên với 90.000 con giống, sau hơn 4 tháng, ông thu hoạch được đến 4 tấn tôm loại 20 con/kg, bán với giá 200.000 đồng/kg. Ông Huỳnh Văn Chiều ở huyện Mỹ Xuyên thả nuôi mật độ 3,6 con sú/m2 kết hợp thả cá rô phi, sau 5 tháng nuôi ông thu được 550 kg tôm thương phẩm cỡ 23 con/kg, bán được gần 90 triệu đồng trên diện tích gần 5.000m2 mặt nước.
Tại Hợp tác xã (HTX) Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông (huyện Vĩnh Châu), mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ghép cá rô phi mật độ 15 con/100m2 cũng mang lại thành công cho những xã viên. Bà con thu họach tôm thẻ chân trắng đạt năng suất từ 6-8 tấn/ha. Diện tích nuôi tôm sú cũng đạt từ 3 đến 3,5 tấn/ha. Giá bán tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg giá 150.000 đồng/kg chỉ thấp hơn 10.000 đồng so với tôm sú.
Trao đổi với chúng tôi về mô hình nuôi tôm ghép với cá rô phi, Thạc sĩ Võ Văn Bé - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, phân tích: "Cá rô phi vốn được xem như "máy lọc sinh học" có tác dụng giúp môi trường ao nuôi ổn định, hạn chế được dịch bệnh trên tôm nuôi. Vì vậy, nếu thả nuôi cá rô phi đại trà trong ao lắng và thả mật độ 1 con/10m2 ao nuôi thì hiệu quả sẽ rất cao". Ông Tăng Văn Tuối, Chủ nhiệm HTX Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, nhìn nhận: Con tôm thẻ như một cứu cánh cho nghề nuôi tôm nước lợ trong niên vụ 2013 này.
Từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả, 100% xã viên HTX Hòa Nghĩa đồng thuận chuyển sang nuôi tôm thẻ ở vụ nuôi 2013 với lý do thời gian nuôi càng ngắn thì rủi ro càng ít. Ông Huỳnh Hải Vân, ở ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, đồng tình, con tôm thẻ có sức chống chịu tốt hơn so với tôm sú, cho năng suất cao hơn, nuôi được nhiều vụ hơn và giá bán chỉ thấp hơn chút đỉnh so với tôm sú.
Để kịp thời khắc phục thiệt hại, đảm bảo thời vụ tôm nuôi, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã khuyến cáo các hộ nuôi cải tạo ao đầm, khắc phục diện tích thả nuôi bị thiệt hại gần 1.500 ha. Với những diện tích tôm đã bị thiệt hại, cần cải tạo đúng theo quy trình kỹ thuật, không bơm nước, bùn ra đường nước nuôi tôm chung của cộng đồng. Thạc sĩ Võ Văn Bé khuyến cáo chỉ nên nuôi với mật độ thưa từ 60 - 80 con/m2 đối với tôm thẻ và 20 con/m2 đối với tôm sú. Ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang đúc kết để nhân rộng ở vụ nuôi 2013 trong đó khuyến cáo bà con nông dân tích cực thực hiện các công trình thủy lợi phục vụ vùng nuôi, đa dạng đối tượng nuôi… để giảm mức thiệt hại xuống dưới mức 20% ở vụ nuôi 2013.
Related news
Gia đình ông Nguyễn Duy Hảo ở xóm 9 cho biết, mấy ngày qua nhiều người từ Hà Nội, Vinh... và cả khách nước ngoài tìm đến mua cam với giá 60.000 - 70.000 đồng/quả nhưng không có để bán.
Sau hàng tháng trời bám biển, mùng 3 Tết Giáp Ngọ, hơn 60 tàu câu cá ngừ ở “cánh đồng” Trường đã cập cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) mang theo những mẻ cá đầu tiên của năm mới.
Dù tình hình chung vẫn còn khó khăn, nhưng xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 về đích khá ấn tượng với kim ngạch 6,7 tỷ USD, tăng hơn 10% so năm 2012. Riêng tháng 1-2014, các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu đạt 552 triệu USD, tăng 13,9% so cùng kỳ, đây thật sự là dấu hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản trong những ngày đầu năm Giáp Ngọ 2014.
Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 vui tươi, ngư dân tỉnh Ninh Thuận huân hoan ra khơi khai thác hải sản với niềm tin được nhiều tôm cá.
Sáng 2.2 (mùng ba Tết Giáp Ngọ), tại cửa biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi), hàng ngàn người dân địa phương và vùng lân cận tham gia lễ hội ra quân đánh bắt hải sản đầu năm của ngư dân vùng biển Sa Huỳnh.