Tôm hùm ở Lý Sơn chết nhiều làm người nuôi hoang mang
Anh Phan Thanh Quang, một người nuôi tôm hùm ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, cho biết:
“Lúc đầu tôm chết rải rác nhưng một tháng gần đây, ngày nào bè tôm của tôi cũng có ít nhất 2 con chết, chủ yếu loại có trọng lượng từ 0,5-0,7 kg. Hầu hết hộ nuôi nào cũng bị."
Cứ mỗi con tôm chết, người nuôi mất cả bạc triệu vì vốn đầu tư từ lúc mua con giống với giá 320.000-350.000 đồng/con đến khi nuôi đạt trọng lượng 0,5-0,7 kg mất ít nhất khoảng 1,4 triệu đồng/con rồi, anh Quang nói.
Theo nhiều hộ nuôi ở đây, trước khi chết, tôm hùm có hiện tượng bỏ ăn, di chuyển chậm. Lồng nuôi sau đó được vệ sinh kỹ hơn nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Người nuôi tôm đứng ngồi không yên vì vốn đầu tư vào một bè tôm hùm xuất khẩu không phải là nhỏ.
“Bè nhà tôi có 45 lồng chứa 1.500 con, tính tới thời điểm hiện tại, vốn bỏ ra đã trên hai tỉ rưỡi rồi. Nghe ai ở Khánh Hòa có thuốc gì hay cho tôm ăn tránh dịch bệnh, chúng tôi đều học theo, số lượng tôm chết có giảm nhưng vẫn không dứt điểm. Biết đây không phải là cách tốt nhưng chúng tôi chẳng còn biện pháp nào khác,” ông Võ An (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) lo lắng nói.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Đôi, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, thống kê chưa đầy đủ thì số lượng tôm chết chiếm khoảng 15% trong tổng số 100.000 con của 62 hộ nuôi tôm hùm trên đảo. “Tôm bất ngờ chết không phải là điều khó lường trước khi nuôi," ông Đôi nói.
Theo ông Đôi, số lượng tôm chết như thế này vẫn chưa đến mức báo động. Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng từ cơn bão số ba đổ vào Lý Sơn giữa tháng trước
. Để tránh bão, người nuôi phải kéo bè tôm vào gần bờ, vùng nước ở đây ô nhiễm nên tôm dễ bị nhiễm bệnh, cộng thêm quá trình di chuyển có thể gây thương tích cho con tôm, làm khả năng đề kháng cũng sút giảm.
"Nhưng để bà con an tâm, chúng tôi đã đến khảo sát và lấy mẫu tôm gửi đến Chi cục Thú y của tỉnh để phân tích và làm rõ nguyên nhân. Có kết quả, chúng tôi sẽ sớm thông báo cho bà con,” ông Đôi nói.
Một số hộ nuôi khác lại cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm chết gia tăng là do thời tiết năm nay nắng nóng hơn mọi năm làm nhiệt độ mặt nước khu vực nuôi tăng cao nên tôm dễ mắc bệnh đầu sữa.
Nghề nuôi tôm hùm xuất khẩu mới chỉ xuất hiện ba năm gần đây ở huyện đảo Lý Sơn và đây là năm đầu tiên xảy ra hiện tượng tôm chết thế này.
Hiện, toàn huyện có khoảng 150 lồng bè nuôi nằm dày đặc trên luồng lạch ra vào vũng neo trú tàu thuyền xã An Hải, cách bờ 500 mét.
Related news
Bao đời nay, cư dân sống hai bên sông được hưởng lợi từ nguồn nước, giao thông và thủy sản từ dòng sông mang lại. Dọc theo các con sông đã hình thành các làng vạn chài, cuộc sống mưu sinh đánh bắt cá gắn chặt vào sông từ bao đời nay.
Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, nhiều nông dân ở huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã đầu tư vốn để phát triển mô hình chăn nuôi các loại động vật hoang dã. Điều này không chỉ góp phần làm giảm áp lực từ việc săn bắt, khai thác động vật hoang dã trong tự nhiên, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Theo một số hộ dân nuôi cá bống tượng tại xã Tân Thành, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau giá cá bống tượng thời điểm này năm trước chưa đến 200 ngàn đồng/kg, làm nhiều hộ nuôi khốn đốn.
Những ngày này, người dân 3 xã bãi ngang huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang thu hoạch rau câu cuối mùa. Năm nay, rau câu xuất hiện nhiều mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân khiến họ rất phấn khởi. Nhiều người ví rau câu như là “lộc trời cho” bởi không mất công nuôi trồng, đến mùa chỉ việc thu hái bán lấy tiền.
Những năm gần đây, thực hiện mô hình nuôi sò huyết, ốc len dưới tán cây rừng, nhiều hộ nhận đất khoán rừng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã vượt qua khó khăn và vươn lên khá giàu. Những hộ nông dân áp dụng mô hình này thu lợi nhuận từ 100 triệu đồng/năm trở lên.