Tôm Hùm Giống Ở Bình Định Được Mùa, Được Giá

Ngư dân các vùng ven biển trong tỉnh Bình Định vào vụ đánh bắt tôm hùm giống (THG) từ tháng 11.2014 đến nay. Từ đầu vụ, THG được mùa, lại được giá, nên bà con rất phấn khởi.
Tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), trong những ngày này, cứ tầm 7 - 8 giờ sáng hàng ngày, lần lượt các ghe máy, thuyền thúng sau một đêm “săn” THG lại cập bến. Ngư dân Nguyễn Văn Hải chỉ vào xô nhựa đang đựng nửa lằm (50 con) THG, cho biết: “Hổm rày THG xuất hiện dày ở quanh các đảo nên ai cũng trúng, có người trúng 1 - 2 lằm/đêm, còn trúng nửa lằm như tui thì đếm không xuể”.
Anh Đinh Văn Minh, ở thôn Lý Hòa, đang ăn vội tô bún sáng, kể: “Hơn 2 tháng rồi tui thức suốt đêm đánh bắt THG, sáng về tranh thủ ăn uống chút đỉnh rồi lăn ra ngủ để có sức đến đêm tiếp tục “chiến đấu”. Từ đầu vụ đến giờ, ghe tui đánh bắt được hơn 1.000 con THG, thu nhập trên 250 triệu đồng”.
Ông Đinh Xuân Hiến, ở thôn Lý Lương, người đầu tiên ở xã Nhơn Lý đánh bắt THG bằng thuyền thúng, chia sẻ: Cách đây 6 năm, khi vào thăm người bà con ở Phú Yên, tui thấy có nhiều ngư dân trong này dùng thuyền thúng đánh bắt THG. Lợi thế thuyền thúng không tốn xăng dầu, cứ chiều đưa thuyền ra gành bủa mành rồi về, đến sáng bơi ra kéo lưới bắt THG, trong khi ghe máy đi 7 - 10 người, đánh bắt cả đêm, phí tổn nhiều.
Thấy làm ăn hiệu quả, bà con đến hỏi, tui tận tình chỉ hết, hiện giờ cả thôn có cả trăm hộ đánh bắt THG bằng thuyền thúng, từ đầu vụ đến nay ai cũng thu nhập vài chục triệu, nhiều thì cả trăm triệu đồng. Riêng tui bắt được 400 con, thu trên 100 triệu đồng.
Theo ông Đinh Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Ngư dân xã Nhơn Lý: Toàn xã có 105 thuyền thúng và 22 ghe máy chuyên đánh bắt THG, với tổng số 383 lao động; chỉ sau 2 tháng vào vụ, bà con đã đánh bắt được 27.000 con THG, thu nhập hơn 6,7 tỉ đồng. Do được mùa nên giá THG từ đầu vụ 360 ngàn đồng/con nay giảm còn 215 ngàn đồng/con. Thời vụ đánh bắt THG kéo dài đến tháng 4.
Related news

Cá tầm đã được nuôi ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng với tỉnh Quảng Ngãi thì đây là mô hình đầu tiên được nuôi tại huyện miền núi Sơn Tây. Mô hình do Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây thực hiện và được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng về một giống vật nuôi mới mang lại nhiều thay đổi hữu ích cho cuộc sống người dân.

Chỉ vào đàn heo sữa 14 con vừa được 32 ngày tuổi, bà Nguyễn Thị Xanh ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cho biết: “Mấy hôm nay thương lái cứ ra vào ngắm heo, rồi hỏi mua với giá 750.000 đồng/con nhưng tôi chưa chịu bán. Tôi tính để thêm một tuần nữa, thế nào nó cũng được trên 800 ngàn đồng/con”.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 50 làng nghề và ngành nghề sản xuất tập trung, trong đó có 10 làng nghề và ngành nghề truyền thống được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận. Một số sản phẩm như nước mắm, chè vằng, tiêu Cùa, rượu Kim Long… đã có thương hiệu thu hút được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Toàn tỉnh có hơn 6.800 lao động làm việc trong các làng nghề và ngành nghề tập trung mỗi năm tạo ra giá trị sản phẩm hàng trăm tỷ đồng.

Trước nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng đang ngày càng tăng cao, người trồng rau đã dần nâng cao ý thức canh tác và trình độ thâm canh để sản xuất rau sạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Việc trồng rau sạch đã được nông dân trồng quanh năm tạo ra nguồn thu khá ổn định, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm thường xuyên, đặc biệt rút ngắn đáng kể thời gian nông nhàn.

Bước đầu cho thấy việc xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở bản Poọng đã nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò, tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cho người dân.