Tôm Chết, Nông Dân Mất Trắng Hàng Trăm Triệu Đồng
Những ao tôm thẻ chân trắng mới thả nuôi hơn một tháng ở 3 xã bãi ngang là Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải, thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình) bỗng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.
Xã Kim Trung (Kim Sơn) lúc này đầy những ao, đầm nuôi tôm đã cạn trơ đáy, mùi tôm chết bốc lên tanh nồng. Vừa vét bùn, vệ sinh ao nuôi tôm, anh Trung Văn Phán ở xóm 2 buồn rầu nói: “Hàng trăm triệu đồng đầu tư vào con tôm mà chỉ sau một đêm đã trắng tay, còn gì đau xót bằng”.
Đầu tháng 4, anh Phán thả nuôi hơn 25 vạn tôm thẻ chân trắng. Thời gian đầu tôm phát triển tốt nhưng đầu tháng 5 bỗng dưng chết chìm đáy hàng loạt. Nhặt vài xác tôm còn sót lại trong ao cho chúng tôi xem, anh Phán nói mà như khóc: “Tôi có gần 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm mà không thể cứu được tôm, 4 mẫu ao giờ chết không còn con nào, trong khi tiền vay ngân hàng, vay nặng lãi lên đến cả trăm triệu đồng”.
Hộ anh Nguyễn Xuân Thiên (28 tuổi), cùng xã với anh Phán còn thê thảm hơn. Mới chân ướt chân ráo bước vào nghề nuôi tôm, anh Thiên chạy vạy khắp nơi vay được hơn 100 triệu đồng để thả nuôi hơn 35 vạn tôm thẻ trong 1ha ao tại khu công nghiệp của xã. Đến đầu tháng 5, tôm cũng lăn ra chết.
Ngồi bên ao nuôi tôm đã khô cạn, mùi tanh nồng bốc lên, anh Thiên than thở: “Thất bại lần này lớn quá, tôi khó mà vượt qua được. Hiện những hộ làm ăn lớn còn dư vốn thì đã xử lý ao nuôi và thả lại đợt tôm mới, nhưng những hộ khó khăn, trắng tay như nhà tôi thì vẫn để ao trống, chờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương”.
Anh Lê Văn Luyện ở xã Kim Hải cho biết thêm, tôm chết lần này không phải là bệnh hồng thân, viêm gan tụy… như trước đây, mà rất bất thường, không có triệu chứng rõ rệt, khi chết lại chìm xuống đáy nên chưa rõ nguyên nhân cụ thể là gì.
Hiện tượng tôm chết hàng loạt tại 3 xã Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải xảy ra hơn một tháng nhưng anh Trung Văn Phán cho biết mới nhận được mấy kg thuốc khử trùng từ địa phường. Trong khi đó, việc quan trọng nhất là hỗ trợ vốn để dân tái đầu tư thì chưa thấy đề cập.
Tuy nhiên, thống kê diện tích tôm nuôi bị chết giữa các địa phương và ngành nông nghiệp huyện lại vênh nhau khá xa. Ông Trần Văn Công – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kim Sơn cho biết tổng diện tích tôm chết hơn 300ha, trong đó xã Kim Hải trên 150ha, Kim Trung trên 100ha, Kim Đông gần 50ha.
Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của các xã cho thấy, số diện tích tôm chết trên địa bàn còn cao hơn nhiều lần. Ông Trần Văn Nhân – Chủ tịch UBND xã Kim Trung nói, riêng xã này (đến 25/5) đã vào khoảng 200ha với 424 hộ bị thiệt hại, chiếm 72,66% tổng diện tích thả nuôi. Tương tự, UBND xã Kim Hải cũng cho biết, diện tích tôm chết tại đây đã lên tới 237ha, với hơn 400 hộ dân bị ảnh hưởng.
Về nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt, ông Công cho biết, phần lớn mẫu tôm chết dương tính với bệnh đốm trắng, chủ yếu do thời tiết mưa nắng thất thường. "Huyện đã chỉ đạo 3 xã trên huy động mọi nguồn lực để khoanh vùng diện tích bị nhiễm bệnh, tránh lây sang các ao, đầm khác. Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình cũng đã cấp 3 tấn hóa chất Vicato cho các hộ nuôi tôm để tiến hành xử lý môi trường", ông Công nói.
Related news
Trong bối cảnh lúa gạo tồn đọng lớn, giá cả sụt giảm mạnh, cuộc sống hàng triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đang gặp khó khăn, có lẽ những người thường có ý kiến “phải bảo vệ diện tích đất trồng lúa” cũng phải đắn đo. Đã đến lúc cần có cái nhìn toàn diện về chiến lược phát triển cây lúa, có giải pháp đồng bộ thay vì chỉ tập trung vào mũi xuất khẩu gạo để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao thu nhập nông dân.
Về chất lượng nguồn lao động biển cũng là một vấn đề rất đáng suy nghĩ. Lao động biển hiện nay có trình độ văn hóa thấp hơn so với lao động ở các ngành nghề khác.
Một lượng lớn cá ngừ đại dương của ngư dân không xuất khẩu được, trong khi đó các doanh nghiệp lại phải nhập khẩu cá ngừ đại dương từ các nước khác để tái xuất.
Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đại dương hiện đứng thứ 3 sau tôm và cá ba sa. Nhưng nếu cải tiến khâu đánh bắt, bảo quản, chế biến đúng tiêu chuẩn, giá trị xuất khẩu của loài cá này có thể tăng gấp 10 lần.
Trong tổng số hơn 1.000ha đất nông nghiệp của xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước (Long An), có trên 200ha đất ngoài khu vực đê bao được nông dân khai thác nuôi tôm hơn 10 năm qua, mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, xã còn gần 800ha đất sản xuất nông nghiệp (đã được thi công đê bao ngăn mặn, trữ ngọt) sản xuất lúa 2 vụ.