Tôm Càng Xanh Trong Ao Nuôi Tôm Nước Lợ Ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng)

Bên cạnh mô hình luân canh tôm – lúa ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã khẳng định tính hiệu quả của vùng canh tác bền vững, thì mô hình luân canh tôm nước lợ với tôm càng xanh đã cho nông dân nguồn thu nhập đáng kể.
Mô hình sản xuất luân canh, xen canh ở vùng nuôi tôm nước lợ đang được khuyến khích, nhằm giảm được áp lực môi trường vùng nuôi, hạn chế thấp tồn lưu sau vụ nuôi tôm để lại. Bên cạnh mô hình luân canh tôm – lúa ở Mỹ Xuyên đã khẳng định tính hiệu quả của vùng canh tác bền vững, thì mô hình luân canh tôm nước lợ với tôm càng xanh đã cho nông dân nguồn thu nhập đáng kể.
Ông Ngô Văn Sơn ở ấp Hòa Trung, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên tiếp nhận mô hình thí điểm nuôi tôm càng xanh xen canh trên ruộng lúa sau vụ nuôi tôm nước lợ đã khẳng định được tính hiệu quả của đối tượng này. Sau 5 tháng nuôi, trọng lượng tôm đạt 150g đến 200g một con, ước thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Ông Ngô Văn Sơn cho biết: “Tính đến thời điểm này, tôm càng xanh trên ruộng lúa của tôi sẽ cho thu nhập vài chục triệu đồng cầm chắc. Tôi thấy con tôm càng xanh thả nuôi xen canh trên ruộng lúa là rất hiệu quả, nuôi thành công rất cao. Con tôm càng xanh nuôi đúng quy trình kỹ thuật như tôm sú, tôm thẻ thì lợi nhuận không thua tôm sú vì giá bán rất cao, hiện nay là trên 300.000 đồng/kg”.
Đây là mô hình canh tác tổng hợp vừa đảm bảo quy trình luân canh tôm – lúa, xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa và ứng dụng công nghệ sinh thái, bằng cách trồng màu trên bờ bao. Ngoài thu nhập từ tôm nuôi nước lợ, ông Sơn thu nhập thêm từ cây lúa, cây màu, con tôm càng xanh thì giá trị sử dụng đất của quy trình này đạt trên 200 trăm triệu đồng 1 ha, cái lợi lớn nhất vẫn là giữ được quy trình canh tác bền vững.
Ông Ngô Văn Sơn cho biết thêm: “Đối với bản thân tôi thì luôn giữ vững 1 tôm – 1 lúa , có như vậy thì nuôi tôm mới an toàn, còn sau khi mùa tôm kết thúc thì tôi trồng thêm màu để tăng thu nhập. Chính vì vậy, năm nay tôi rất thành công với mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa”.
Đối với những ao nuôi tôm bán thâm canh, điều kiện canh tác khó khăn thì thực hiện quy trình nuôi luân canh tôm nước lợ với tôm càng xanh, vừa tăng thu nhập vừa góp phần cải tạo môi trường ao nuôi. Với mục tiêu phát huy lợi thế của mô hình luân canh, xen canh, huyện Mỹ Xuyên tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, mở rộng đối tượng nuôi để nông dân nắm bắt, áp dụng một cách hiệu quả.
Ông Trần Quốc Quang - Trưởng Phòng NN và PTNT Mỹ Xuyên cho biết: “Theo tôi, ở vùng nước lợ để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên cùng một diện tích canh tác, thì đối tượng tôm càng xanh là rất phù hợp. Tổng hợp các khoản thu nhập từ cây lúa, con tôm sú, cây màu thì tôm càng xanh cũng tăng thêm tương đương 300 kg/ha, với giá 200.000 – 300.000 đồng/kg thì bà con cũng có thu nhập vài chục triệu đồng 1 ha”.
Huyện Mỹ Xuyên đã xuống giống được gần 10.000 ha lúa trên nền ao nuôi tôm, trong khi áp lực nuôi tôm thẻ chân trắng đang bùng phát. Đây là sự thành công trong công tác chỉ đạo, thành công về sự nhận thức đúng đắn quy trình luân canh bền vững trong nông dân. Đa dạng cây trồng, vật nuôi, hạn chế thấp nhất hình thức chuyên canh, là mục tiêu chỉ đạo xuyên suốt của huyện Mỹ Xuyên ở vùng nuôi tôm nước lợ.
Related news

Phát triển kinh tế vườn, đồi là khâu đột phá trong phát triển KT-XH của thôn Nghè, xã Hương Sơn (Quang Bình). Những năm qua, thôn Nghè đã tập trung các nguồn lực đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế mô hình kinh tế vườn, đồi tạo bước chuyển biến đáng kể cho phát triển KT - XH ở địa phương.

Cách trung tâm huyện lỵ Yên Minh không xa, nhưng xã Sủng Thài lại là địa phương có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất huyện. Dù vậy nhưng Đảng bộ, chính quyền và 100% đồng bào dân tộc Mông nơi đây vẫn kiên cường bám trụ, vượt khó, tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp để xây dựng cuộc sống ấm no hơn.

Với đặc thù là một tỉnh vùng cao, để phát huy lợi thế của từng vùng, tỉnh ta đã xác định phát triển chăn nuôi là một trong những chương trình kinh tế quan trọng và coi việc phát triển chăn nuôi là một trong những giải pháp hàng đầu để xóa đói giảm nghèo bền vững.

Là nước nông nghiệp, nhưng VN đang ồ ạt nhập khẩu các loại giống cây trồng, kể cả những giống cây chúng ta hoàn toàn có thể tự sản xuất như cà chua, dưa chuột, đậu bắp... Đây là một nghịch lý và tác hại của nó thì hơn ai hết, chúng ta đã quá thấm thía.

Theo quyết định của Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ ngày 6.10 VN sẽ được xuất khẩu thêm hai loại trái cây sang Mỹ là nhãn và vải. Cánh cửa của thị trường khó tính bậc nhất này đã mở cho trái cây VN, nhưng làm thế nào để có thể khai thác tốt cơ hội?