Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tín Hiệu Vui Từ Rong Nho

Tín Hiệu Vui Từ Rong Nho
Publish date: Thursday. June 19th, 2014

Từ sự thành công của các hộ trồng rong nho tại phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đang đặt ra nhiều hy vọng về một đối tượng nuôi trồng hải sản.

Rong nho trên đìa bỏ hoang

Cách đây 10 năm, rong nho đã được đưa về trồng thử nghiệm trên vùng đất Ninh Hải. Sau những thăng trầm, hiện nay, loại rong này đã “bám rễ” và phát triển rất tốt trên vùng ao đìa nơi đây, mang lại thu nhập khá cao cho người dân.

Đưa chúng tôi đến khu vực có đìa tôm đang bị bỏ hoang ở tổ dân phố Đông Hà (phường Ninh Hải), anh Trần Tấn Thịnh - cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản của phường, một trong những hộ đang trồng rong nho tại địa phương cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi trồng hơn 1ha rong nho.

Trước đây, toàn bộ diện tích nuôi trồng này đều là ao đìa bỏ hoang do nuôi tôm thất bát. Kể từ khi cây rong nho phát triển ở Ninh Hải đã mở ra một hướng mới cho những người dân ven biển như chúng tôi. Với 1ha mặt nước, ban đầu, gia đình tôi đầu tư khoảng hơn 100 triệu đồng. Đến nay, mỗi tháng, gia đình thu được khoảng 2 tấn rong thành phẩm. Với giá bán 190.000 đồng/kg rong tươi, sau khi trừ chi phí, hàng tháng, chúng tôi lời khoảng 40 triệu đồng”.

Được biết, người đầu tiên có công đưa cây rong nho về Ninh Hải là ông Lê Bền. Ông Bền từng kinh doanh đá granite; trong một bữa ăn với đối tác Nhật Bản, họ nhắc đến món rong nho tươi bổ dưỡng. Nhớ đến những đìa nuôi tôm hùm đang bỏ hoang, ông Bền nảy ra ý tưởng mang rong nho Nhật Bản về trồng thử.

Từ 200g rong nho được những người bạn Nhật Bản tặng, ông trồng thử nghiệm trong các bể kính theo tài liệu hướng dẫn. Không bao lâu, số lượng rong nho đã tăng gấp hàng chục lần. Ông bắt đầu mang trồng tại các đìa nuôi tôm bỏ hoang. Tuy nhiên, chỉ một thời ngắn, số rong giống đã biến mất gần hết mà không rõ nguyên nhân.

Cuối cùng, ông tìm ra thủ phạm chính là một số loài động vật biển. Bên cạnh đó, việc trồng rong trong ao đìa đáy cát cũng làm chết cây rong nho. Để khắc phục, ông Bền nghĩ ra phương pháp trồng cách ly trong lồng lưới và trên các ao, đìa đáy bùn, san hô.

Từ những thành công ban đầu của ông Lê Bền, đến nay, diện tích trồng rong nho ở Ninh Hải đã được mở rộng. Phường đã có 5 hộ đầu tư nuôi trồng với tổng diện tích hơn 8ha, chủ yếu trên những ao đìa đã từng nuôi tôm nhưng không hiệu quả. Sự thành công này đang mở ra hướng nuôi trồng phù hợp cho nhiều đìa tôm bị bỏ hoang ở Ninh Hải.

Hứa hẹn hướng đi bền vững

Rong nho biển (tên khoa học là Caulerpa lentillifera) - một loại thực phẩm bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin A, C và các khoáng chất vi lượng thiết yếu cho cơ thể. Loại rong đang được các hộ dân ở Ninh Hải nuôi trồng có xuất xứ từ Nhật Bản.

Tuy khí hậu ở vùng biển Ninh Hải khá khắc nghiệt, nhưng rong nho được trồng ở đây phát triển rất tốt cả về chất lượng và sản lượng so với nơi xuất xứ (Nhật Bản, Philippines). Đến nay, rong nho đã được nhiều người biết tới. Một số hộ tại Ninh Hải đã vươn lên làm giàu nhờ rong nho, khi sản phẩm được xuất khẩu với lãi ròng hàng chục triệu đồng/tháng.

Ngoài việc thay thế dần diện tích nuôi tôm không hiệu quả, cây rong nho ở Ninh Hải còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Theo anh Trần Tấn Thịnh, với diện tích hơn 1ha rong nho, hàng tháng, gia đình anh cần khoảng 20 lao động.

Vì công việc chăm sóc và thu hái rong nho có đặc thù riêng nên gia đình anh thường thuê lao động theo ngày công. Mỗi lao động làm việc ở đây được trả công khoảng 250.000 đồng/ngày. Các cơ sở lớn hơn như cơ sở của ông Lê Bền, Đặng Ngọc Thoại..., mỗi tháng tạo việc làm cho cả trăm lao động địa phương.

Ông Trịnh Nhơn - Chủ tịch UBND phường Ninh Hải cho biết: “Rong nho là đối tượng nuôi trồng rất tốt, phù hợp với điều kiện tại địa phương. Với thực trạng các ao đìa ven biển bị ô nhiễm, nghề nuôi tôm ngày càng khó khăn, kém hiệu quả thì việc trồng cây rong nho đang mở ra hướng đi mới.

Thời gian tới, UBND phường sẽ tạo điều kiện cho các hộ phát triển diện tích trồng rong nho nhằm tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Rong nho có khả năng hấp thụ rất nhanh các chất hữu cơ dư thừa trong quá trình nuôi tôm nên sẽ làm giảm mức độ ô nhiễm môi trường nước. Vì vậy, đây cũng là đối tượng nuôi trồng thân thiện với môi trường”.

Khi một số nghề nuôi trồng thủy sản có những thăng trầm, thì thành công của việc trồng rong nho ở Ninh Hải đang hứa hẹn hướng đi bền vững. Đặc biệt, thời điểm hiện tại, rong nho đang là mặt hàng xuất khẩu được nhiều quốc gia ưa dùng. Do đó, việc phát triển cây trồng này sẽ tăng thêm tính chủ động cho đầu ra của hoạt động nuôi trồng hải sản vốn đang bị lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Rong nho biển còn gọi là rong cầu lục bi nhỏ, rong guộc. Loài thực vật này mọc trên nền đáy là bùn cát, cát bùn ở những vũng, vịnh kín sóng, nước trong. Tại Việt Nam, rong nho được tìm thấy ở mũi Chim Chim thuộc Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận).

Rong nho bắt đầu được trồng tại Việt Nam vào đầu năm 2004 và phát triển mạnh tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ngãi...; được sử dụng như một loại rau xanh, có hàm lượng vitamin A, C, các nguyên tố vi lượng và axit béo... tốt cho cơ thể con người.


Related news

Sản xuất nông nghiệp bằng bùn đáy ao nuôi cá tra thâm canh Sản xuất nông nghiệp bằng bùn đáy ao nuôi cá tra thâm canh

Một nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Cần Thơ, Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh, Viện nuôi trồng thủy sản II (TP.HCM) đã khảo sát thành phần dinh dưỡng và lợi ích sử dụng bùn đáy ao nuôi cá tra trong nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long, nhằm mục đích phân tích thành phần dinh dưỡng của bùn đáy ao nuôi cá tra thâm canh ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Monday. July 6th, 2015
Không lấy trực tiếp nguồn nước đang bị ô nhiễm vào ao nuôi Không lấy trực tiếp nguồn nước đang bị ô nhiễm vào ao nuôi

Trước tình trạng cá nổi đầu hàng loạt trên một số tuyến kênh, rạch ở địa bàn xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy trong những ngày gần đây, Chi cục Thủy sản Hậu Giang đã đưa ra khuyến cáo người nuôi thủy sản một số biện pháp nhằm giảm nguy cơ ảnh hưởng xấu đến đàn cá trong ao.

Monday. July 6th, 2015
Nông dân nuôi tôm lợi nhuận thấp do chi phí đầu tư tăng Nông dân nuôi tôm lợi nhuận thấp do chi phí đầu tư tăng

Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm nước lợ (chủ yếu tôm sú, tôm thẻ) đang gặp khó và lợi nhuận không cao, thậm chí còn thua lỗ. Lý giải về vấn đề này, ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) phân tích: Với giá thành tôm nguyên liệu giảm mạnh (15.000 - 20.000 đồng/kg đối với tôm thẻ chân trắng và 35.000 - 40.000 đồng/kg đối với tôm sú), cùng với đó là năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, làm cho tôm nuôi bị bệnh, nên tăng chi phí sản xuất.

Monday. July 6th, 2015
Liên kết sản xuất cá điêu hồng Liên kết sản xuất cá điêu hồng

Đồng Tháp có lợi thế tự nhiên rất lớn để phát triển con cá điêu hồng. Diện tích cá điêu hồng trong lồng, bè không ngừng biến động qua từng năm.

Monday. July 6th, 2015
Nâng cao thu nhập từ mô hình nuôi ếch trong bể Nâng cao thu nhập từ mô hình nuôi ếch trong bể

Sau buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi ếch thương phẩm tại xã Kim Long, huyện Châu Đức vào ngày 23/6/2015 vừa qua, chúng tôi có dịp tham quan mô hình nuôi ếch trong bể của hộ anh Ngô Văn Bài ở tổ 14, ấp Hưng Long, xã Kim Long.

Monday. July 6th, 2015