Tìm Hướng Nâng Cao Giá Trị Khoai Lang
Vĩnh Long có hơn 10.000ha khoai lang, nhưng hiện vẫn chưa có vùng sản xuất giống cung ứng tại chỗ. Gần 90% nông dân phải mua dây giống từ nơi khác hoặc trao đổi để trồng, dẫn đến tình trạng nhiều giống khoai bị thoái hóa, sinh trưởng kém, sâu bệnh tăng và năng suất giảm.
Vì thế, bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, khâu quy hoạch vùng sản xuất giống chất lượng, từng bước nâng cao giá trị khoai lang thực sự là nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Nhiều giống khoai dần thoái hóa
Bình Minh, Bình Tân là những địa phương có diện tích trồng khoai lang lớn nhất tỉnh, hơn 8.000ha mỗi năm. Những giống khoai như bí đế, trắng sữa, tàu nghẹn, tím Nhật… một thời tạo tên tuổi cho vùng đất này, nay dần thoái hóa, giảm chất lượng.
Nhu cầu giống tăng cao
Năm 2013, toàn vùng ĐBSCL trồng trên 20.000ha khoai lang, riêng Vĩnh Long gần 10.000ha tập trung nhiều ở 2 huyện Bình Minh và Bình Tân. Giá khoai ở mức cao, diện tích tăng nhanh, trong khi nông dân xuống giống liên tục nên nguồn cung giống ngày càng khan hiếm.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, cho biết trước đây, khoai giống chủ yếu được nông dân Bình Minh, Bình Tân mua từ Kiên Giang hoặc tự giâm củ để trồng, thì hiện do việc trồng gần như liên tục nên dây giống thường được chọn lựa từ những ruộng trồng trước đó. Một trong những loại khoai mà trước đây nông dân lựa chọn nhiều là bí đế, trắng sữa, tàu nghẹn,…
Sau đó, do nhu cầu xuất khẩu, một số giống khoai mới có chất lượng hơn như tím Nhật được nhập về trồng.
Tuy nhiên, do chưa có hệ thống sản xuất giống và khử lẫn phù hợp nên chất lượng giống này dần thoái hóa. Riêng các giống khoai địa phương được đánh giá ăn tươi rất ngon, bổ dưỡng nhưng không có đầu mối tiêu thụ ổn định nên hiện cũng ít được nông dân lựa chọn trồng.
Được biết, mỗi năm nông dân Vĩnh Long cần 10.000ha hom giống để đảm bảo nhu cầu sản xuất, tuy nhiên nguồn giống này hiện hoàn toàn phụ thuộc vào nơi khác.
Theo Viện Lúa ĐBSCL, những năm gần đây, công tác chọn lọc giống khoai lang có bước tiến mới, nhiều giống được công nhận là giống quốc gia như: VX-37, K2, HL4, KL5, KB1…
Dù vậy, việc đánh giá và tuyển chọn các giống khoai có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ cho chế biến chưa nhiều, những nghiên cứu chủ yếu tập trung chọn tạo những giống cho năng suất củ cao làm lương thực là chính.
Giống trôi nổi, chất lượng sụt giảm
Sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi nên năng suất khoai lang nước ta đạt khá cao khoảng 7,8 tấn/ha, nhưng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hương- Viện Lúa ĐBSCL “vẫn còn thấp hơn rất nhiều so các quốc gia Châu Mỹ cùng trồng khoai lang”.
Qua điều tra, tại những vùng trồng khoai lang chuyên canh như ở Bình Tân (Vĩnh Long), thiệt hại do sâu bệnh, đặc biệt là bọ hà gây ra là từ 30- 50%, thậm chí 60%, bởi phần lớn nông dân sử dụng nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Còn nhớ vụ khoai lang năm 2012, hàng ngàn hecta nơi đây vào giai đoạn thu hoạch bị “sâu lạ” tấn công, nông dân chịu cảnh thua lỗ vì bán khoai giá rẻ bèo.
Ngành chức năng vào cuộc, bước đầu nhận định do bọ hà tấn công, mà hệ lụy từ việc nông dân trồng khoai liên tục, tạo điều kiện thuận lợi để loại sâu này bùng phát.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm trồng khoai lang gần 20 năm, ông Nguyễn Tấn Thành (xã Tân Thành) cho rằng, “một phần do sử dụng nguồn giống không rõ nguồn gốc”. Cụ thể, vụ khoai năm đó, hơn 10 công trồng khoai tím Nhật của ông cũng sử dụng giống từ việc cắt dây của những ruộng khoai lân cận đem về trồng.
Kết quả, sâu hại tấn công, năng suất chỉ đạt 11 tạ/ha, trong khi những ruộng lân cận sử dụng giống chất lượng nên đạt gần 30 tạ/ha.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, hiện ĐBSCL chưa có nhiều nghiên cứu về cây khoai lang, đặc biệt việc nghiên cứu phục tráng giống và tìm ra nguồn giống mới có chất lượng.
“Khoảng năm 2008, Vĩnh Long đã có kế hoạch xây dựng vùng chuyên sản xuất giống. Mặc dù, khi nông dân tham gia được Nhà nước hỗ trợ, nhưng dự án thực hiện không thành công, bởi nhiều nông dân cho rằng, giống địa phương cho năng suất thấp hơn so giống nơi khác đem về trồng. Thế là kế hoạch xây dựng vùng giống chất lượng sớm phá sản.”- Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.
Lý giải thêm vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Lực- nông dân xã Tân Thành nói: “Hom giống nơi khác, mà cụ thể ở Giồng Riềng (Kiên Giang) do ảnh hưởng đất phèn, khoai sinh trưởng kém, trung bình chiều dài dây từ 30- 40cm, nhưng có từ 6- 8 đốt (mắc), đem về trồng thu hoạch củ nhiều hơn.
Trong khi ở Vĩnh Long đất phù sa, quá trình trồng nguồn dinh dưỡng chỉ nuôi dây phát triển nên mắc dây rất thưa, thu hoạch cho củ ít hơn”. Chính lý do này mà hàng chục năm trồng khoai lang, mỗi khi vào vụ, ông Lực cùng nhiều nông dân khác chấp nhận tốn thêm chi phí, thuê phương tiện sang tận Kiên Giang mua giống về trồng.
Khoai lang được trồng ở hơn 100 quốc gia, được xếp hạng là một trong 10 cây lương thực hàng đầu của thế giới. Củ, thân, lá vừa là thực phẩm cho người, gia súc và công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, theo nhận định, thiếu giống tốt, kỹ thuật trồng trọt phù hợp cộng với không có công nghệ chế biến nên khoai lang vẫn là đứa “con ghẻ” của ngành trồng trọt nước ta.
Related news
Lớp dạy canh tác lúa cải tiến mở tại xã Cổ Loa, Đông Anh, TP.Hà Nội do Hội nông dân xã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân trong xã.
Đây là giống lúa do Tập đoàn Bayer lai tạo, thời gian sinh trưởng khoảng 120 - 125 ngày vụ mùa, 140 ngày vụ xuân; hạt giống có tỷ lệ nảy mầm cao, đẻ nhánh khỏe, bộ lá đứng, thân cây cao, cứng cây nên chống đổ tốt.
Đây là hoạt động nằm trong Đề án giảm nghèo năm 2013 của trung tâm được thực hiện tại xã Cẩm Mỹ. Tham gia đề án có 22 hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.
Khi nuôi cá trong ao, hồ, bà con ta thường nuôi với công thức: Mè, trôi, trắm, chép. Công thức ấy tuy đã cũ nhưng nhiều nơi vẫn áp dụng.
Hơn 20 năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để khai hoang vùng đất chua, mặn Tứ giác Long Xuyên, giờ Sáu Đức đã có số vốn đất lận lưng thuộc hàng “khủng” nhất nước.