Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tìm Hướng Đi Cho Cây Cao Su Trong Điều Kiện Thị Trường Biến Động

Tìm Hướng Đi Cho Cây Cao Su Trong Điều Kiện Thị Trường Biến Động
Publish date: Tuesday. February 3rd, 2015

Những năm qua nhờ phát triển cây cao su nên cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở Quảng Trị đã được nâng lên đáng kể. Thế nhưng, thời gian gần đây giá mủ cao su giảm mạnh đã làm cho người trồng cao su phải lao đao. Trước thực trạng đó Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các công ty chế biến cao su trong tỉnh đã chủ động tìm hướng đi mới, đồng hành cùng người dân vượt qua giai đoạn khó khăn tạm thời, hướng đến sự phát triển bền vững...

Ðối mặt với khó khăn

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 18.542 ha cao su (giảm 645 ha so với cùng kỳ năm trước). Diện tích cao su giảm mạnh không phải vì giá mủ xuống thấp mà là do người dân chặt phá số diện tích cao su bị thiệt hại trên 70% bởi cơn bão số 11 (năm 2013), cùng với số cây quá tuổi khai thác để trồng lại cao su, hồ tiêu, trồng màu. Trong số diện cây cao su hiện có, diện tích cao su kinh doanh 11.076,5 ha. Năng suất bình quân 10,2 tạ/ha, giảm 2,9 tạ/ha so với năm 2013; sản lượng khai thác 11.326 tấn, giảm 2.939 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Văn Lưu, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị thì nguyên nhân cơ bản dẫn đến năng suất và sản lượng đều giảm so với năm trước là do giá mủ cao su năm 2014 quá thấp, chỉ bằng 50 - 60% giá năm trước, thu không đủ bù chi. Vì thế người dân không mặn mà với việc khai thác và chăm sóc, dẫn đến năng suất, sản lượng giảm so với năm 2013. Mặt khác, các cơn bão liên tiếp vào cuối năm 2013 đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng mủ cao su trong năm 2014.

Ông Lưu cho biết thêm: “Hiện nay giá mủ quy khô trên thị trường chỉ còn 30,5 đến 31 triệu đồng/tấn, mức giá này chưa bằng 1/3 mức giá đỉnh điểm của các năm 2011, 2012. Đây là một bất lợi rất lớn đối với người trồng cao su và hoạt động của các nhà máy chế biến. Tuy nhiên đây có thể là điểm đáy của chu kỳ lên xuống. Vì thế người trồng cao su không nên quá hoang mang lo lắng và tự phát chuyển đổi sang trồng cây khác”.

Xã Cam Chính và Cam Nghĩa là 2 xã có diện tích cao su lớn nhất huyện Cam Lộ (khoảng 1.500 ha). Nhờ cây cao su mà hàng trăm hộ dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu nhanh chóng. Vài tháng trở lại đây, hàng chục gia đình trong số đó đã ngừng cạo mủ do giá mủ giảm mạnh. Gia đình ông Mai Vĩnh Tiệm (thôn Đông Lai, xã Cam Nghĩa) có 1,5 ha cao su đang tuổi khai thác nhưng gần đây chỉ khai thác cầm chừng lấy tiền chi tiêu hàng ngày. “Trước đây 2 lao động của gia đình thường xuyên cạo mủ, cho thu hoạch từ 50 đến 70 kg mủ tươi/ngày. Hiện nay, giá mủ xuống quá thấp nên gia đình chỉ cạo cầm chừng để cây không mất sức”, ông Tiệm cho biết.

Không riêng gì gia đình ông mà các gia đình có trồng cao su như anh Hồ Trung Dũng, bà Nguyễn Thị Sự ở thôn Mai Lộc 2 (xã Cam Chính) cũng không mấy mặn mà với việc khai thác mủ trong thời gian này. Anh Dũng ngán ngẩm nói: “Mấy năm trước, giá mủ lên cao nên mỗi ngày cạo mủ gia đình tôi cũng thu nhập được trên 500 nghìn đồng. Nay giá mủ tươi chỉ còn 6 đến 8 nghìn đồng/kg nên tiền cạo mủ chẳng đủ chi tiêu sinh hoạt trong ngày. Không cạo mủ thì lấy gì mà trang trải cuộc sống nhưng đi cạo thì lại xót xa thương cây vì giá quá thấp”.

Tại huyện Gio Linh dẫu có trên 3.517 ha cao su, trong đó diện tích đưa vào khai thác là 1.116 ha nhưng bà con vẫn không mấy hào hứng với việc khai thác.

Gia đình ông Hồ Văn Khoi ở thôn Ba De, xã Linh Thượng có trên 3 ha cao su, trong đó hơn nửa diện tích đang độ tuổi khai thác nhưng mỗi ngày cũng chỉ thu được chưa đến 300 nghìn đồng. “Trước đây với diện tích này mỗi ngày tôi cũng kiếm được tiền triệu nhưng nay thì thu hoạch theo kiểu lấy công làm lãi để trang trải cuộc sống”, ông Khoi tâm sự.

Đó cũng là tình cảnh chung của nhiều người dân trồng cao su ở huyện Vĩnh Linh. Được biết toàn huyện có 7.500 ha cao su với hơn 5.600 ha đi vào khai thác, nhưng nhiều tháng nay người trồng cao su chủ yếu chăm bón cho cây chứ rất ít cạo mủ vì không đủ chi phí nhân công.

Dẫu giá mủ xuống thấp và người trồng cao su chẳng mặn mà với việc khai thác, nhưng không vì thế mà các nhà máy thu mua nguyên liệu ép giá. Ông Lưu chia sẻ: “Chúng tôi luôn nỗ lực đồng hành với người trồng cao su để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Công ty luôn mở cửa thu mua và nghiêm cấm việc ép giá đối với sản phẩm của bà con, tư thương”.

Giải pháp xen canh, kết hợp chăn nuôi

Trước tình trạng cao su xuống giá, thời gian gần đây nhiều nông dân đã kết hợp trồng cao su và chăn nuôi, xen canh một số cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài, tiếp tục đặt niềm tin vào sự hồi phục của cây cao su.

Ông Hoàng Đoán, Chủ thịch UBND xã Hải Thái (Gio Linh) cho biết: “Với tình hình giá mủ cao su giảm mạnh như hiện nay thì mô hình trồng xen canh kết hợp chăn nuôi là một hướng đi rất hiệu quả. Chính quyền khuyến khích bà con nông dân tìm các giải pháp để giữ cây cao su, không vì những khó khăn trước mắt mà quay lưng lại với cây công nghiệp có nhiều lợi thế này”.

Hiện nay toàn xã Hải Thái có trên 500 ha cao su và có trên 40% diện tích ấy được trồng xen canh cây màu (khoảng 190 ha khoai, môn, lạc xen canh) cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha.

Các mô hình xen canh, kết hợp chăn nuôi hiệu quả tập trung ở các thôn 2A, 3A. Nổi bật trong mô hình xen canh có gia đình các ông Đào Bá Sáu, thôn 2A có gần 3 ha cao su trồng xen canh hoa màu; ông Lê Văn Lâm thôn 2A có 5 ha cao su xen canh lạc; các ông Nguyễn Văn Chính, Đào Bá Hòa đều có trên 1 ha hoa màu xen canh trên vườn cao su.

Ông Nguyễn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Thái chia sẻ: “Nhờ trồng cao su xen canh hoa màu nên người dân vẫn có thu nhập ổn định trong điều kiện giá mủ cao su giảm mạnh. Mô hình này vừa giúp người dân có thêm thu nhập, vừa bảo vệ, chăm sóc và duy trì bền vững cây cao su”.

Còn gia đình anh Bùi Nhật Tân ở thôn Cát, xã Vĩnh Tân (Vĩnh Linh) đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng cao su kết hợp chăn nuôi khá hiệu quả. Hơn 2 năm về trước, vườn cây cao su hơn 1 ha của gia đình anh bị bão tàn phá nặng nề và trong khi nhiều gia đình đang băn khoăn không biết phải tính kế mưu sinh như thế nào thì anh Tân đã quyết tâm tìm một hướng đi mới bằng cách lập trang trại trên vườn cao su để nuôi bò, gà, ngỗng, bồ câu kết hợp.

Nay giá cao su giảm mạnh, anh không mấy lo lắng vì đã có nguồn thu từ mô hình trang trại kết hợp. “Trước khi giá mủ cao su giảm mạnh tôi đã nghĩ rằng không thể dựa dẫm mãi vào nguồn lợi từ cây cao su mà phả i kết hợp làm thêm trang trại. Cách làm đó của tôi giờ đã có hiệu quả và được nhiều người học tập”, anh Tân chia sẻ.

Hướng đến sự phát triển bền vững

Đứng trước tình hình mủ cao su đang xuống thấp như hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương tăng cường tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người trồng cao su nhằm giúp nông dân yên tâm, tiếp tục duy trì và chăm sóc những vườn cao su, tránh tình trạng chuyển đổi diện tích cao su sang cây trồng khác một cách tự phát.

Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các vùng trồng cao su trên địa bàn, xác định bộ giống cao su, đai rừng chắn gió, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác... phù hợp cho từng vùng miền để giảm thiểu tác động của thiên tai. Đây cũng là cơ sở để tiếp tục quy hoạch và trồng mới thêm diện tích cao su ở những vùng có đủ điều kiện. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu các cơ sở chế biến mủ cao su tích cực phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát lại diện tích, năng suất, sản lượng để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, không nên lợi dụng tình trạng giá cao su sụt giảm để trục lợi, gây tâm lý bất an cho người trồng cao su.

“Từ khi giá mủ cao su xuống thấp, chúng tôi đã tích cực làm công tác khuyến nông đến từng địa phương có trồng cao su. Vì thế, người dân đã hạn chế được việc chặt, chuyển đổi diện tích trồng cao su sang các loại cây khác một cách tự phát. Đồng thời tư vấn kỹ thuật để người dân chọn lựa giống, đất đai nhằm trồng mới cao su theo hướng phát triển bền vững”, anh Nguyễn Tri Khiêm, Trưởng Phòng Khuyến nông của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị cho biết.

Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh cũng đã khẩn trương khảo sát, thử nghiệm chất đất từng vùng để bố trí lại cây trồng cho phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, không để lặp lại tình trạng trồng-chặt, chặt-trồng ảnh hưởng đời sống người nông dân và nền kinh tế của địa phương nói chung. Trên tinh thần đó, nhiều địa phương sau khi chặt phá cao su bị gãy đổ trong các trận bão, cao su quá tuổi khai thác vẫn tiếp tục trồng mới bổ sung diện tích bị thanh lý.

Mới đây UBND huyện Hướng Hóa vừa thông qua Đề án phát triển cây cao su giai đoạn 2014 - 2020 và tầm nhìn đến 2025. Theo đó, phấn đấu phát triển diện tích cây cao su hiện tại từ 960 ha lên 1.800 ha vào năm 2020, đến năm 2025 sẽ duy trì ở mức ổn định là 2.800 ha.

Địa bàn thực hiện đề án này bao gồm toàn bộ 7 xã vùng Lìa và các xã Húc, Hướng Phùng, Tân Long. Nhiệm vụ đề án hướng tới là đưa cây cao su cắm chặt trên vùng đất khó nghèo có đông đảo đồng bào dân tộc sinh sống, tạo cơ hội cho họ thoát nghèo bằng việc khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương.


Related news

Tôm Hùm Thương Phẩm Được Giá Tôm Hùm Thương Phẩm Được Giá

Hiện giá tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn đang lên cao trở lại. Hiện tại, tôm thịt loại I có giá từ 1,6– 1,7 triệu đồng/kg; tôm thịt loại II có giá từ 1,5 – 1,6 triệu đồng/kg.

Thursday. September 18th, 2014
Mô Hình Trồng Lúa Theo Kỹ Thuật SRI Cho Năng Suất Cao Mô Hình Trồng Lúa Theo Kỹ Thuật SRI Cho Năng Suất Cao

Tham gia thực hiện mô hình trồng lúa theo kỹ thuật SRI có 70 hộ với 6,8ha ở xã Yên Khê. Trên diện tích này bà con trồng giống lúa Thiên Nguyên ưu 16 với cách bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn khoa học của các ngành chức năng.

Thursday. September 18th, 2014
Hiệu Quả Từ Tổ Hợp Tác Nuôi Tôm Hiệu Quả Từ Tổ Hợp Tác Nuôi Tôm

Được thành lập và đi vào hoạt động chỉ vài năm qua, nhưng các tổ kinh tế hợp tác (KTHT) nuôi tôm tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc (Long An) đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Không những giúp cho các thành viên trong tổ có sự liên kết trong nuôi tôm mà còn tạo thêm việc làm cho một số lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Friday. September 19th, 2014
Tôm Giống Thẻ Chân Trắng Cà Mau Giá Thấp, Đầu Ra Khó Tôm Giống Thẻ Chân Trắng Cà Mau Giá Thấp, Đầu Ra Khó

Để đáp ứng nhu cầu con tôm giống chất lượng phục vụ người nuôi tôm, trong thời gian qua, nhiều trại giống đã đầu tư công nghệ mới trong sản xuất. Tuy vậy, tôm giống ở Cà Mau hầu như bán với giá thấp hơn nhiều so với con giống ngoài tỉnh bởi chưa có thương hiệu.

Friday. September 19th, 2014
Nuôi Bò Sữa Cho Nghe Nhạc Nuôi Bò Sữa Cho Nghe Nhạc

Cầm trong tay tấm bằng cử nhân ngành Quản trị kinh doanh, chàng trai 22 tuổi Phạm Văn Hiếu (thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng - Lâm Đồng) quyết tâm trở về quê nhà để lập nghiệp. Công việc mà Hiếu chọn để khởi nghiệp cũng khá đặc biệt, đó là chăn nuôi bò sữa cho nghe nhạc.

Friday. September 19th, 2014