Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tìm Chỗ Đứng Cho Kinh Tế Rừng

Tìm Chỗ Đứng Cho Kinh Tế Rừng
Publish date: Thursday. September 4th, 2014

Các địa phương miền núi xác định phát triển kinh tế rừng đóng vai trò then chốt, tạo ra đòn bẩy để giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, dấu ấn phát triển kinh tế rừng vẫn chưa tương xứng với nguồn lực đất đai và bộc lộ một số bất lợi cần khắc phục.

Nâng cao giá trị rừng

Tốc độ che phủ rừng thời gian qua tăng trưởng nhanh nhờ chủ trương xã hội hóa nghề rừng. Nếu như trước đây, người dân không thiết tha canh tác trên những đồi núi lô nhô do chi phí đầu tư lớn, đi lại khó khăn thì bây giờ họ không ngần ngại khai phá đất trồng rừng.

Báo cáo của ngành nông nghiệp huyện Hiệp Đức cho thấy, trong số hàng trăm nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp đều có trang trại trồng cây lâm nghiệp. Đến nay, địa phương này hình thành được vùng chuyên canh cây công nghiệp với gần 19.571ha. Nhiều mô hình trồng rừng quy mô trên 30ha (thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/ha/năm).

Ngoài vốn đất tự có của người dân, dự án trồng rừng WB3 phủ xanh 590ha, dự án KFW6 thực hiện hơn 1.231ha… nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện Hiệp Đức đạt 54,6%, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ ngành lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Theo ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức, kinh tế vườn rừng là “cứu cánh” của nông dân. Cây keo và cây cao su là hai cây trồng chủ lực, đem lại giá trị lớn, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Khi có được vùng nguyên liệu tại chỗ, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, kéo theo loại hình dịch vụ công nghiệp phát triển. Thành công bước đầu dễ thấy nhất là sự liên kết, hợp tác làm ăn giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp; tạo ra thị trường cung – cầu ổn định.

Tại huyện nghèo Nông Sơn, gần 900ha cây cao su đại điền và tiểu điền đang chờ ngày thu hoạch, cùng với hàng trăm héc ta cây keo nguyên liệu khai thác mỗi năm đã giải quyết khá lớn nguồn lao động. Không bỏ phí rừng nghèo, mới đây Nông Sơn đã chuyển đổi hơn 4.000ha trước đây đã quy hoạch rừng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất cho người dân.

Ở các xã Quế Ninh, Quế Trung, Quế Lâm và Phước Ninh (Nông Sơn), kinh tế rừng trở thành nguồn thu nhập chính của người dân. Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn khẳng định, 10 năm nay vẫn chưa có cây trồng nào thay thế vị trí cây keo.

Ngoài cái lợi phủ xanh đất trống đồi trọc, loại cây này còn kéo theo hàng loạt dịch vụ khác phát triển như trồng, chăm sóc cây và chế biến các sản phẩm từ rừng. Sở Công Thương cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp về gỗ rừng 6 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 1,3 triệu đô la Mỹ (tăng 314% so với cùng kỳ năm trước).

Từ việc chế biến gỗ thô, bán rẻ nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng chuyển sang đầu tư chế biến sâu lâm sản.

Cần tính toán phù hợp

Một thực tế là các địa phương miền núi phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế rừng, quan tâm vào độ che phủ rừng mà chưa đầu tư vào cải thiện chất lượng rừng trồng.

Phần lớn cây trồng cung cấp làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ nên giá trị kinh tế thấp; trong khi đó ngành lâm nghiệp chưa có các giải pháp về kỹ thuật và chính sách để phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho xuất khẩu với giá trị cao hơn.

Năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng thấp, trung bình chỉ đạt 10 - 13m3/ha/năm, sản lượng gỗ khai thác chưa đáp ứng cho các nhà máy chế biến quy mô lớn. Nghịch lý ở chỗ, một số địa phương miền núi có thế mạnh về kinh tế rừng, song vẫn “trắng” nhà máy chế biến. Chính điều này đã tăng chi phí đầu tư, khai thác, tiêu thụ rừng và ngược lại làm giảm giá trị rừng.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho rằng, rất khó kêu gọi doanh nghiệp lên đây đầu tư, hiện địa phương vẫn không có một nhà máy nào tham gia chế biến các sản phẩm từ rừng.

Mặc dù keo là cây trồng chủ lực, nhưng lại không bền vững, hiệu quả kinh tế đem lại thấp nhất. “Mỗi héc ta keo sau 6 năm mới thu hoạch, bán được khoảng 30 triệu đồng. Nghĩa là 1 năm chỉ thu về 5 triệu đồng/ha.

Nếu đem so sánh với các loại cây trồng khác thì nó thuộc loại thấp nhất về hiệu quả kinh tế” – ông Lanh phân tích. Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Đỗ Tài kiến nghị, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ, trồng rừng, sống được với rừng là đủ rồi, chứ không cần thiết khuyến khích họ… làm rẫy.

Khó khăn chung của không ít địa phương trong phát triển kinh tế rừng bắt đầu từ khâu quy hoạch chi tiết 3 loại rừng, thiết kế quỹ đất trồng rừng cũng như các thủ tục tiếp cận nguồn vốn và ký kết hợp đồng tiêu thụ rừng. Phát triển rừng quá nặng về độ che phủ mà chưa cân nhắc kỹ bài toán kinh tế, tăng thu nhập.

Hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp thiếu đồng bộ và chưa được thực hiện một cách triệt để như giao đất, giao rừng, chính sách hưởng lợi, khuyến lâm, chuyển giao lâm nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật...

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, không thể phủ nhận sự đóng góp to lớn của lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế miền núi, nhưng lĩnh vực này vẫn chưa có đột phá lớn.

Nhiều rào cản như định mức đầu tư cho lâm nghiệp thấp, chưa quan tâm đến đặc thù của lâm nghiệp là chu kỳ dài và chủ yếu hoạt động ở những vùng khó khăn, hạ tầng vùng sản xuất lâm nghiệp yếu kém. Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp ở nhiều địa phương thiếu khoa học và thường xuyên bị phá vỡ; quản trị tài nguyên rừng còn bất cập…


Related news

Trại Bò Sạch Lâm Đồng Trại Bò Sạch Lâm Đồng

Nguồn phát sinh nước thải từ hoạt động SX, chăn nuôi của trang trại chủ yếu là do quá trình dọn dẹp vệ sinh chuồng trại và bài tiết của động vật nuôi gồm phân, nước tiểu, nước vệ sinh chuồng trại, mỗi ngày có khoảng 100 m3 nước thải, trong những ngày có nhiệt độ cao nhất, sử dụng nước nhiều nhất.

Saturday. October 4th, 2014
Đường Bình Định Niên Vụ Mới Đầy Thách Thức Đường Bình Định Niên Vụ Mới Đầy Thách Thức

Năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành mía đường, Cty CP Đường Bình Định (BISUCO) đã gặp phải nhiều trắc trở trong kinh doanh, dẫn tới nợ nần nông dân khoản tiền lớn.

Saturday. October 4th, 2014
“Phỏng Tay” Với Gạo Ngoại “Phỏng Tay” Với Gạo Ngoại

Các loại gạo này hầu hết được đóng gói đẹp mắt, có thương hiệu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài gạo nội địa được trồng từ giống ngoại, thị trường còn có gạo nhập khẩu.

Saturday. October 4th, 2014
Dưa Hấu, Mía Đầu Mùa Được Giá Dưa Hấu, Mía Đầu Mùa Được Giá

Giá mía tăng một phần do đầu vụ, mặt khác chữ đường vụ này đạt cao, dao động từ 10,5 đến 11 chữ đường, tăng gần 1 chữ đường so với vụ trước. Với giá mía hiện tại, những diện tích đạt năng suất 100 tấn/ha sẽ có lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng, còn năng suất từ 120-200 tấn/ha thì mức lợi nhuận có thể đạt từ 30-60 triệu đồng.

Saturday. October 4th, 2014
Hồng Giòn Đà Lạt Giá Rẻ Tràn Xuống Đường Hồng Giòn Đà Lạt Giá Rẻ Tràn Xuống Đường

Trong khi đó, giá mua tại vườn chỉ dao động ở mức 3.000-5.000 đồng một kg. Tuy nhiên, dù đang vào vụ thu hoạch rộ, nhưng tình hình thu mua của các thương lái khá chậm. Ông Hoàng, có vườn trồng hồng khoảng 1ha ở Đức Trọng cho biết dù đã kêu mấy ngày nay, người mua vẫn không đến lấy hàng.

Saturday. October 4th, 2014