5 tác động của TPP đối với nông nghiệp Việt Nam
1. Nông dân - đối tượng dễ bị "tổn thương"
Tới 60% dân số Việt Nam phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng đa phần người nông dân - vốn là đối tượng dễ bị "tổn thương" trong quá trình hội nhập vẫn chưa được trang bị nhiều kiến thức.
Điều này dẫn tới năng lực cạnh tranh của một số mặt hàng trong lĩnh vực này vẫn còn yếu, điển hình là các nhóm hàng nông sản.
Gia nhập TPP, nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội được xuất sang nhiều nước nhưng bên cạnh đó, nông sản của các nước khác cũng sẽ được nhập khẩu ồ ạt hơn.
Việc không được chuẩn bị kỹ để "hội nhập" sẽ khiến sản phẩm nội địa có thể bị thua ngay trên "sân nhà".
2. Vì sao thủy sản hưởng lợi?
Thủy sản được cho là ngành nông nghiệp tận dụng được nhiều lợi thế hơn cả khi Việt Nam gia nhập TPP, cụ thể là cơ hội gia tăng xuất khẩu.
Nhật Bản, Mỹ là hai trong các quốc gia nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy thị trường này sẽ còn lớn hơn khi thuế nhập khẩu giảm về 0%.
Đồng thời, thuế nhập khẩu đối với các thị trường nhỏ hơn như Australia, Singapore và Mexico cũng sẽ giảm xuống, và "lối vào" các thị trường này sẽ rộng mở hơn. Với tôm, mực, cá ngừ, hiện thuế xuất khẩu chỉ từ 1- 10%.
3. Ngành chăn nuôi gặp khó
So với thủy sản, nhóm hàng chăn nuôi (lấy thịt, lấy sữa) và trồng trọt (trái cây) lại được dự báo là khó cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.
Trước hết là nguy cơ cạnh tranh gay gắt giữa Việt Nam và hai nước gồm Australia và New Zealand, vì hai nước này được đánh giá có năng lực cạnh tranh vào hàng cao nhất thế giới ở các sản phẩm ngành chăn nuôi bò (thịt bò, sữa), quả ôn đới (táo, cam).
Thêm vào đó là nguy cơ cạnh tranh giữa Việt Nam và Mỹ. Hiện tại, Mỹ có thế mạnh trong các sản phẩm như sữa, thịt bò, thịt gia cầm, thịt heo.
Bảng giá thịt bò tại Hà Nội tháng 3/2015
Khó khăn hiện tại là Việt Nam đang nhập khá nhiều các mặt hàng này từ Mỹ, nếu mở cửa thị trường, nguy cơ sản phẩm tương tự của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ là rất lớn.
Cụ thể, giá thịt heo của Mỹ trung bình cao hơn của Việt Nam khoảng 40%, trong đó tiền vận chuyển mất 20% và 20% còn lại là do Việt Nam đánh thuế.
Tuy nhiên, khi TPP có hiệu lực, hầu hết các hàng nông sản đều giảm thuế về 0%, thịt heo Mỹ sẽ tràn vào Việt Nam và rẻ hơn thịt sản xuất trong nước khoảng 15 - 20%.
Theo nhận định của các chuyên gia, sau khi ký kết TPP, dòng thương mại có xu hướng thay đổi theo hướng chuyển sang nhập khẩu sữa bột từ New Zealand, trâu bò sống từ Australia và các sản phẩm thịt từ Mỹ.
Ngoài ra, mặt hàng thịt đông lạnh cũng sẽ phát triển do yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng ngày một tăng lên, thịt "nóng" ngoài chợ sẽ không đáp ứng được.
4. Chú trọng đến các biện pháp SPS - TBT
Về cơ bản, nhóm "biện pháp kỹ thuật" (TBT) với nhóm các “biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật” (SPS) là những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ rất có khả năng vô hiệu hóa lợi ích từ việc giảm thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam.
Nguyên nhân bởi dù thuế nhập khẩu vào các nước có được xóa bỏ nhưng việc kiểm dịch, kiểm tra dư lượng kháng sinh, các đòi hỏi về nhãn mác bao bì... của các nước vẫn ngăn chặn khả năng xuất khẩu của nông sản Việt Nam, thậm chí còn rủi ro hơn nhiều so với thuế quan.
Ví dụ, những quy định của TPP về quy tắc xuất xứ sẽ gây khó khăn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy - hải sản; còn về môi trường, có những yêu cầu cam kết cấm trợ cấp đánh bắt thủy hải sản có thể gây bất lợi đối với chính sách phát triển của ngành này.
5. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Trái ngược với các rủi ro trong đàm phán về SPS - TBT và lao động, nội dung về đầu tư lại hứa hẹn đem đến nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp nước ta.
Khi TPP có hiệu lực, hiệp định này sẽ thúc đẩy, gia tăng đầu tư của các nước thành viên (nhất là các nước phát triển như Mỹ, Australia, New Zealand, Singapore...) vào Việt Nam.
Đặc biệt trong một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn phát triển như các ngành nông nghiệp công nghệ cao, TPP sẽ tạo cơ hội hình thành các chuỗi khép kín với công nghệ tiên tiến, tạo khả năng cho Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Related news
Do nghề nuôi cá tra xuất khẩu gặp khó khăn, được sự tuyên truyền, vận động và hỗ trợ của chính quyền, ngành chuyên môn, nhiều hộ ở Vĩnh Long đã chuyển đổi đối tượng và mô hình nuôi, quay sang nuôi thủy đặc sản và nuôi thủy sản nội địa.
Tại hội thảo “Phát triển tôm hùm bền vững khu vực miền Trung” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP. Nha Trang mới đây, nhiều đại biểu cho rằng nếu không giải quyết được những tồn tại hiện nay để nâng cao sức cạnh tranh, giá trị và thương hiệu tôm hùm nước ta sẽ bị thu hẹp dần.
Trong 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường Châu phi đã đạt 525.896 tấn gạo, chiếm 15,93% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt nam ra Thế giới, tăng 52,03% so với năm 2014.
Anh Sa Lê (người dân tộc Chăm ở xóm Chăm Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành) là người đầu tiên ở An Giang thành công với mô hình nuôi le le.
Gạo bao thai của HTX Thương mại dịch vụ và Sản xuất (TMDV&SX) nông - lâm - thuỷ sản Tuấn Hùng, xã Dực Yên (HTX Tuấn Hùng, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng và thị trường ưa chuộng.