Tiền Giang Trồng Nhãn Thạch Kiệt Cho Lợi Nhuận Cao
Cây nhãn Thạch Kiệt trồng khoảng 24 tháng là có thể xử lý cho trái. Giống nhãn này có nhiều ưu điểm như: Kháng được bệnh “chổi rồng”, cơm dầy, khô giòn, hạt nhỏ, thơm, trái sai, có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với thổ nhưỡng vùng đất ven sông Tiền.
Ông Nguyễn Ngọc An (ấp Mỹ Nghĩa 1, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là 1 trong những người đầu tiên đưa cây nhãn Thạch Kiệt về trồng trên địa bàn huyện. Hiện khu vườn 3.000 m2 của ông có 50 gốc nhãn Thạch Kiệt 8 năm tuổi đang cho thu hoạch.
Ông An cho biết, trước đây khu vườn này trồng chanh nhưng chanh đã già cỗi hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2007 qua tìm tòi, học hỏi, ông nhận thấy nhãn Thạch Kiệt là giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, có nhiều ưu điểm nên mua về trồng xen với vườn chanh.
Kết quả cho thấy nhãn Thạch Kiệt phát triển xanh tốt nên ông đốn bỏ chanh để dễ chăm sóc vườn nhãn. Với 50 gốc nhãn Thạch Kiệt, vụ rồi có giá bán từ 20 - 28 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất (khoảng 6 - 8 triệu đồng), ông thu lãi 40 triệu đồng. Do nhãn Thạch Kiệt dễ trồng, năng suất cao, giá thành ổn định nên ông đang trồng thêm trên mảnh vườn của mình.
Theo kinh nghiệm của ông An, nhãn Thạch Kiệt là cây tự tạo tán lớn, khoảng cách trồng từ 5 m - 6 m/cây là vừa, nên trồng trên mô vì bộ rễ nhãn chịu nước kém, nếu bị ngập trong thời gian dài sẽ bị thối rễ, chết cây và cần chú ý đến việc làm bờ bao, thoát nước cho nhãn trong mùa mưa, lũ.
Việc xử lý ra hoa đối với nhãn Thạch Kiệt giống như đối với nhãn tiêu da bò. Cụ thể là nên chủ động tạo tán, tỉa cành, bón phân, tưới nước để vườn nhãn đồng loạt ra đọt mới; khi cơi đọt thứ 2 ra dài hết cỡ thì bón phân có thành phần kali nhiều.
Khi bộ lá nhãn cơi thứ 2 thật sự trưởng thành có màu xanh thì tưới thuốc và ngưng tưới nước để cây ra hoa; nếu làm đúng kỹ thuật, tất cả số cơi đều ra bông. Mỗi năm chỉ nên xử lý 1 lần vào vụ nghịch, tức vào khoảng tháng 3 âm lịch thì bắt đầu xử lý để cây cho trái nghịch vụ bán được giá cao.
Nhãn Thạch Kiệt rất dễ đậu trái và ít rụng trái non. Một chùm nhãn thường có trọng lượng từ 1,5 - 2 kg, do cây dẻo, cứng nên không cần phải chống chỏi. Khi vỏ trái nhãn chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu sáng, bóc quả xem thấy hạt có màu nâu đen thì có thể thu hoạch và khi thu hoạch cũng không cần cắt tỉa nhánh râu trong chùm trái như những loại nhãn khác.
Sau khi thu hoạch cần tiến hành tỉa bỏ những cành sâu bệnh, cành bị che khuất trong tán cây, cành vượt; đồng thời bấm tỉa những cành vừa được thu trái, sau đó bón phân, tưới nước để giúp cây ra tược non đồng loạt chuẩn bị cho vụ sau. Đối với người trồng nhãn Thạch Kiệt cũng cần chú ý phòng trừ một số loại sâu bệnh thường gặp trên cây nhãn đó là: bọ xít, rệp sáp, sâu đục thân, rầy và bệnh do nấm khuẩn để cây nhãn sinh trưởng tốt.
Hiện tại, nông dân huyện Cái Bè đã phát triển diện tích trồng nhãn Thạch Kiệt lên hơn 40 ha, tập trung ở các xã: An Hữu, Mỹ Đức Tây, Tân Thanh, Tân Hưng và Hòa Khánh. Do được người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu ra của nhãn Thạch Kiệt ổn định, nhà vườn có thể yên tâm canh tác.
Ngoài ra, nhãn Thạch Kiệt có ưu điểm là sinh trưởng và phát triển mạnh, ít bị sâu bệnh, dễ xử lý ra hoa cho trái theo ý muốn, năng suất cao, chất lượng trái thơm ngon, đặc biệt là không bị bệnh “chổi rồng”.
Do vậy, nhà vườn chọn trồng nhãn Thạch Kiệt là sự lựa chọn thích hợp để thay thế giống nhãn tiêu da bò đang bị nhiễm bệnh “chổi rồng”.
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè cho biết: “Nhãn Thạch Kiệt rất phù hợp với thổ nhưỡng huyện Cái Bè. Trong huyện đã có nhiều nông dân thành công với cây nhãn Thạch Kiệt. Nhãn Thạch Kiệt có thể trồng bằng nhánh chiết hoặc ghép bo sang cây nhãn tiêu da bò.
Một số nhà vườn linh hoạt lấy bo của nhãn Thạch Kiệt ghép sang gốc nhãn tiêu da bò bị bệnh “chổi rồng”, cách làm này ngoài việc rút ngắn thời gian trồng, còn có thể giữ lại gốc nhãn tiêu da bò. Nhãn Thạch Kiệt ghép bo cũng không bị nhiễm bệnh “chổi rồng”. Đây là hướng đi mới cho những vườn nhãn tiêu bị bệnh “chổi rồng” nặng. Hiện tại, nông dân trên địa bàn huyện đã làm theo phương pháp này được hơn 10 ha, bước đầu cho hiệu quả rất khả quan”.
Related news
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - phát triển ĐBSCL, đưa ra một thực tế rằng nếu tính bình quân diện tích trồng lúa trên đầu người tương ứng với thu nhập từ cây lúa như hiện nay thì nông dân trồng lúa ở gần với ngưỡng nghèo. Trong hệ thống phân phối, chỉ có trên dưới 7% người trồng lúa bán được gạo trực tiếp cho doanh nghiệp, còn lại hạt gạo phải “đội” từ 7 - 8 lớp “cò”. Hơn nữa, nông dân sử dụng “thừa” phân, thuốc làm cho giá thành sản xuất tăng.
Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống với mật độ 5 con/m2 (cá rô đồng là chính, ghép thêm cá sặt rằn, cá chép và cá mè vinh), một phần thức ăn và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật trong suốt vụ nuôi và tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình.
Trong năm 2014, ngư dân tỉnh Tiền Giang đã vượt qua khó khăn do thời tiết, bão lốc và những bất lợi trên biển, tổ chức bám ngư trường, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ... đã khai thác được trên 88.000 tấn hải sản phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, đạt 100,42% chỉ tiêu cả năm và tăng hơn 0,58% so cùng kỳ năm trước.
Vào tháng 10, giá sầu riêng bắt đầu tăng giá cao trên 60.000 đồng/kg, đặc biệt vào những ngày tháng 11 giá sầu riêng cao kỷ lục, thương lái đến tận vườn mua sầu riêng Ri 6 và Mongthong trên 100.000 đồng/kg, người dân rất phấn khởi.
Ông Lê Văn Mãnh, ngụ ấp Phú Thạnh, xã Phú Mỹ (Tân Phước) vui mừng vì vừa thu hoạch 3.000 m2 khoai mỡ trúng giá. Tại thời điểm này thương lái đến tận ruộng mua với giá 14.000 đồng/kg. Năng suất đạt 3 tấn/1.000 m2, thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Còn lại 2.000 m2 trồng sau, cũng sắp cho thu hoạch.