Tiền Giang hướng mở cho vùng sản xuất rau VietGAP
Tuy nhiên, loại nông sản này có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao, dễ gây ngộ độc và gây các bệnh nguy hiểm cho con người. Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến việc triển khai các mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP; trong đó nổi bật là mô hình triển khai trên rau ở TX. Gò Công rất hiệu quả, có khả năng nhân rộng và phát triển trong thời gian tới.
Từ mô hình điểm
Nằm trong định hướng tăng cường sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, năm 2009, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai đề tài “Xây dựng mô hình rau đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại xã Long Thuận (TX. Gò Công). Để thực hiện mô hình, các ngành chức năng, địa phương tổ chức hội thảo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân thực hiện đúng các yêu cầu của quy trình, tổ chức lại sản xuất.
Cũng như nhiều mô hình triển khai trước đó trên rau, quả, mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP này gặp rất nhiều khó khăn như nông hộ có diện tích sản xuất nhỏ, cùng lúc sản xuất nhiều loại rau, thói quen canh tác truyền thống khó có thể bỏ trong một sớm một chiều, không quen ghi nhật ký… trong khi quy trình đòi hỏi người sản xuất phải tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt.
Đó là chưa nói đến sự tác động bất lợi của những mô hình sản xuất theo quy trình trên ở nông sản nói chung và rau nói riêng trước đây gây không ít trở ngại tâm lý trong người dân cũng như việc triển khai mô hình. Vì thế trong quá trình thực hiện mô hình, một số nông dân đã bỏ cuộc.
Dù vậy, với nỗ lực của ngành chức năng, địa phương và nông dân tham gia mô hình, đến năm 2010, mô hình đã được triển khai và sau đó không lâu Tổ hợp tác (THT) Rau an toàn Thuận Hòa (xã Long Thuận, TX. Gò Công) ra đời với 28 hộ nông dân tự nguyện tham gia sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 6 ha.
Sau 2 năm nỗ lực thực hiện, Tổ hợp tác Rau an toàn Thuận Hòa và các tổ viên sản xuất rau của THT đã hoàn thành 68 tiêu chí của tiêu chuẩn VietGAP. Kết quả, tháng 3-2012, THT Rau an toàn Thuận Hòa chính thức được cấp Chứng nhận sản xuất phù hợp với Quy trình VietGAP.
Nhân rộng
Ngay từ đầu khi bắt tay vào triển khai mô hình, những người thực hiện đề tài đặt ra yêu cầu là gắn kết với doanh nghiệp, giải quyết đầu ra cho sản phẩm VietGAP của nông dân để hình thành nên chuỗi sản xuất và tiêu thụ khép kín. Có thể nói đây là một trong những mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên liên kết thành công giữa sản xuất và tiêu thụ.
Cụ thể, ngay tại lễ đón nhận giấy chứng nhận, THT đã ký kết bản ghi nhớ về cung ứng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Lộc (TP. Hồ Chí Minh). Tiếp theo đó, THT ký hợp đồng cung ứng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP cho Công ty Lực Điền, qua đó đã giải quyết hết sản lượng rau đạt tiêu chuẩn trên của nông dân với giá ổn định, bảo đảm có lời. Sau thành công này, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn VietGAP nhanh chóng được nhân rộng ra khu vực lân cận và được nhiều nông dân hưởng ứng.
Theo đó, từ 6 ha rau sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP ban đầu, đến nay khu vực này mở rộng lên đến 9 ha sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và được doanh nghiệp bao tiêu hết sản phẩm. Không chỉ thế, trên cơ sở THT Rau an toàn Thuận Hòa và vùng sản xuất VietGAP được mở rộng hiệu quả, HTX Rau an toàn Long Thuận sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đã được thành lập và cũng đã gắn kết thành công với doanh nghiệp tiêu thụ.
Không chỉ dừng lại mô hình ở Long Thuận, mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn kết tiêu thụ còn được thực hiện thành công ở HTX Rau an toàn Gò Công. Nhờ gắn kết được với doanh nghiệp tiêu thụ như Coop Mart, hệ thống Metro và một số doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, thời gian qua, HTX Rau an toàn Gò Công cũng đã mở rộng thành công diện tích sản xuất rau đạt tiêu chuẩn trên gắn với tiêu thụ.
Như vết dầu loang, hiện nay mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đang được tiếp tục nhân rộng tại xã Long Hưng (TX. Gò Công) với đơn vị tiêu thụ là doanh nghiệp Phú Lộc; HTX Rau an toàn Thạnh Hưng (huyện Gò Công Tây) đạt tiêu chuẩn VietGAP vào cuối năm 2014, đang cung ứng rau đạt tiêu chuẩn này cho hệ thống Metro.
Từ hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trên rau VietGAP trong thời gian qua, thông qua dự án QSEAP, ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai xây dựng nhà sơ chế ở HTX Rau an toàn Gò Công, mở ra cơ hội phát triển cho HTX và vùng trồng rau VietGAP ở khu vực này, tăng cường khả năng liên kết doanh nghiệp tiêu thụ rau đạt tiêu chuẩn trên.
Ông Nguyễn Tấn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản cho biết, thành công của mô hình là tạo ra, duy trì được vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và gắn được với doanh nghiệp tiêu thụ, giúp tăng thu nhập cho người sản xuất.
Theo ông Quốc, ưu thế sản xuất rau theo mô hình này, ngoài tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, sản xuất theo quy trình này giảm chi phí sản xuất từ 500 - 1.000 đồng/kg sản phẩm so với sản xuất theo phương thức truyền thống.
Sản phẩm sản xuất ra (cải thìa, bó xôi) được công ty ký hợp đồng thu mua với giá 4.000 đồng/kg (cao gấp đôi so với giá thành sản xuất). Trước đây khi chưa vào mô hình, 1.000m2 trồng rau nông dân chỉ thu nhập từ 1 - 5 triệu đồng/vụ. Sau khi vào mô hình, 1.000/m2 trồng rau nông dân thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/vụ.
Vì thế, mô hình rất được nông dân hưởng ứng và nhân rộng thành công ở nhiều nơi. “Thành công của mô hình cũng như mô hình mở rộng đã góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất trong việc tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây là cơ sở, là động lực để mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn trên tiếp tục duy trì và phát triển theo hướng gắn sản xuất với tiêu thụ để hình thành nên chuỗi giá trị, góp phần phát triển bền vững cây rau của tỉnh nhà” - ông Quốc nói.
Trên cơ sở thành công và mô hình được nhân rộng, cùng với chính sách về hỗ trợ sản xuất nông sản theo VietGAP mà tỉnh đã ban hành, ngành Nông nghiệp đang tiếp tục mở rộng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, trước mắt là xúc tiến lập dự án sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP theo chuỗi giá trị ở các xã xây dựng nông thôn mới với diện tích 150 ha, nhằm nâng cao thu nhập của người dân; đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Related news
Lâu nay, khi nhắc đến tình trạng trộm cắp nông sản, người ta thường nghĩ đến các loại cây trồng như cà phê, tiêu... Thời gian gần đây, kẻ gian còn lợi dụng sơ hở của bà con nông dân để hái trộm bơ, kể cả khi trái đang còn non...
Thành phố Đà Lạt vừa khởi động Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận hồng ăn trái Đà Lạt”, nhằm bảo đảm việc kiểm soát chất lượng, tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị kinh tế của loại trái cây đặc sản này của Việt Nam.
Đó là anh Bùi Văn Xiêng, ở xã Tân Thanh (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, chỉ với 7.000 m2 vườn mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Có người bạn ở Hà Nội lên chơi, tôi bảo ra điều chắc chắn: “Ông chờ tôi mua yến mận Tam hoa, đặc sản của Lào Cai về làm quà gia đình”. Vậy nhưng, long dong phóng xe máy qua những dãy hàng bán hoa quả tại một số chợ trên địa bàn thành phố Lào Cai, tôi không thể tìm được một cửa hàng nào bán loại mận này.
Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu đang nhân giống để trồng đại trà thêm 500 héc ta thanh long ruột tím hồng tại xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Đây là giống thanh long được công ty thanh long Hoàng Hậu bỏ ra 2 tỉ đồng mua bản quyền từ Viện Cây ăn quả Miền Nam.