Tích Luỹ Kỹ Thuật Để Làm Giàu
Giống như mọi ngày, hôm nay, khi mặt trời vừa ló dạng, ông Bảy Khắc (Thái Văn Khắc, ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thong thả tập kết thức ăn lên xuồng, bơi trên đầm cho tôm ăn. Vừa cho tôm ăn, ông đưa mắt nhìn những cánh quạt đang quay đều mà lòng đầy phấn khởi, hy vọng vụ tôm này sẽ thắng lợi như năm trước.
Ông Bảy Khắc bộc bạch: “Năm vừa rồi, với 5 đầm nuôi tôm công nghiệp, diện tích mỗi ao 2.000 m2, tôi nuôi 2 vụ thẻ chân trắng. Thả trên 500.000 con giống. Mật độ nuôi 50 con/m2. Sau 2 vụ thu hoạch khoảng 7 tấn tôm thịt, kích cỡ đạt 60 con/kg, giá 130.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí thức ăn, thuốc men, điện, nhân công, gia đình tôi lời khoảng 300 triệu đồng”.
Gia đình ông Bảy Khắc có 1,4 ha đất làm vuông. 5 năm trở về trước, ông Bảy nuôi tôm theo kiểu truyền thống, khi có khi không, thất nhiều hơn trúng. Năm 2010, ông chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến. “Lúc đó, gia đình tôi được chọn thực hiện mô hình thí điểm theo Ðề án Nâng cao chất lượng tôm - lúa do huyện Trần Văn Thời tổ chức.
Ðược hướng dẫn kỹ thuật và hỗ chợ 30% chi phí. Tôi thả 70.000 con sú giống. Kết quả, sau hơn 4 tháng nuôi, trừ chi phí lời trên 70 triệu đồng. Qua vụ nuôi đầu tiên đó, tôi học hỏi, rút ra được nhiều kinh nhiệm cho các vụ nuôi tiếp theo. Không chỉ nuôi con tôm sú mà còn bén duyên với con tôm thẻ chân trắng”, ông Bảy Khắc nhớ lại.
Sau 2 năm, khi đã tích luỹ kinh nghiệm sách vở và thực tiễn từ chọn giống, xử lý nước, chăm sóc, cho ăn, theo dõi sức khoẻ, cách phòng trị bệnh cho tôm nuôi, ông Bảy Khắc mạnh dạn đầu tư nuôi tôm công nghiệp. “Mỗi năm chỉ nên nuôi phân nửa thời gian, còn lại để cho đất nghỉ ngơi, tái tạo môi trường nuôi”, ông Bảy chia sẻ kinh nghiệm.
Ðến ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc, đi đâu cũng nghe bà con bàn bạc, trao đổi chuyện nuôi tôm. Bởi lẽ, thời gian gần đây hàng chục hộ gia đình trong ấp chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả cao.
Không đầu tư hết diện tích đất để nuôi tôm công nghiệp như ông Bảy Khắc. Gia đình anh Dương Thanh Hiền, ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, chỉ nuôi 2 ao công nghiệp, mỗi ao có diện tích 3.000 m2, mật độ nuôi 20 con/m2. Hiện tôm trong 2 ao nuôi của anh Hiền được 4 tháng tuổi, 37 con/kg. “Vụ nuôi tôm sú kéo dài khoảng 4 tháng 20 ngày. Vụ này nếu đúng như dự tính của tôi sẽ thu về trên 500 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 300 triệu đồng”, anh Hiền phấn khởi nói.
Còn lại 6 công đất, anh Hiền vẫn duy trì hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến với mật độ 2 - 3 con/m2. Anh chọn con tôm sú cho cả 2 hình thức nuôi vừa quảng canh cải tiến, vừa thâm canh công nghiệp mà không nuôi thẻ chân trắng. Bởi theo anh, nuôi tôm sú mật độ nuôi thưa hơn, ít tốn thức ăn hơn tôm thẻ chân trắng, do đó chi phí nhẹ hơn.
“Nuôi tôm quảng canh cải tiến chi phí đầu tư thấp, hiệu quả bền vững còn nuôi tôm công nghiệp lợi nhuận cao nhưng chi phí đầu tư cao, rủi ro cao hơn nuôi quảng canh cải tiến”, anh Hiền so sánh.
Là hàng xóm của anh Hiền, anh Mạc Việt Khởi vừa thành công vụ đầu tiên nuôi tôm sú quảng canh cải tiến trên diện tích 1 ha. Anh Khởi chia sẻ: “Với những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm và ít vốn nên đầu tư nuôi tôm quảng canh cải tiến sẽ bền vững hơn. Vụ vừa rồi tôi thu được trên 300 kg tôm sú loại 35 con/kg với giá 190.000/kg. Trừ chi phí còn lời khoảng 30 triệu đồng”.
Tuy bước đầu nuôi tôm còn gặp nhiều khó khăn nhưng anh Khởi vẫn tự tin chọn cho mình cách làm chắc chắn, bền vững. “Chọn con giống khoẻ mạnh, đảm bảo chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng trong nuôi tôm. Kỹ thuật nào chưa hiểu tôi hỏi cán bộ khuyến ngư và tự tìm tòi học hỏi qua sách, báo, đài”, anh Khởi bộc bạch.
Với những nông dân chịu khó tìm tòi, học hỏi tích luỹ kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hợp lý vào quá trình nuôi tôm như ông Bảy Khắc, anh Hiền, anh Khởi, thì việc làm giàu từ ao tôm, thửa ruộng là điều trong tầm tay.
Related news
Hiện nay, người nông dân không chỉ nuôi tằm bán kén, mà còn nuôi tằm trứng cung cấp giống. Bà Đỗ Thị Hoa, thôn Đức Thành, xã Hoài Đức, Lâm Hà (Lâm Đồng) là người có uy tín, chuyên nuôi tằm trứng cung cấp tằm con cho hàng trăm nông hộ trong vùng dâu Hoài Đức.
Ông Nguyễn Ngọc Mai-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai (thuộc Tập đoàn HAGL) đưa chúng tôi đến thăm trại chăn nuôi bò Đak Yă vào một ngày khá mát trời. Ngoài những cánh đồng cỏ xanh mướt, với quy mô hàng chục ngàn con, trại bò thịt và trại bò sữa được chăn nuôi ở 2 khu riêng biệt, có chế độ chăm sóc khác nhau.
Xuất phát từ hiệu quả kinh tế, đặc biệt trong vấn đề giảm thiểu tác hại đến môi trường, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp với HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp thị trấn Phú Hòa (Phú yên) đã triển khai mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học. Từ thành công của mô hình này, hiện nay nhiều hộ nuôi heo ở các địa phương đã nhân rộng hình thức nuôi heo bằng đệm lót sinh học.
Đây là mô hình do anh Võ Nhật Nam, sinh năm 1986, ấp Hòa Phú xã Định Thành (Thoại Sơn - An Giang) đang thực hiện. Với chuyên môn Trung cấp chăn nuôi thú y, nhận thấy dê là loài động vật dễ nuôi, khả năng kháng bệnh tốt, được nhiều hộ dân đầu tư để cải thiện kinh tế gia đình… anh Nam quyết định chọn và lai tạo giống dê hiện có của mình để đáp ứng nhu cầu của các hộ dân có ý tưởng đầu tư chăn nuôi. Mô hình đã đem lại tín hiệu khả quan cho cả anh lẫn hộ nuôi trong và ngoài địa phương.
Mô hình chăn nuôi vịt trời của gia đình anh Hồ Xuân Lý ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và còn tạo việc làm cho nhiều hộ dân trong vùng