Anh Đỗ Văn Ngàn Khá Lên Nhờ Nuôi Bò Sinh Sản
Dự án “Ngọt hóa Gò Công” giúp cho xã Gia Thuận phát triển các loại cây trồng mà nhiều mô hình chăn nuôi cũng được mở ra, từng bước đưa đời sống bà con nhân dân nơi đây đi vào ổn định.
Gia đình anh Đỗ Văn Ngàn (ấp 5, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) với 9.000 m2 đất chủ yếu trồng lúa cho năng suất thấp do thiếu nước ngọt. Thấy vậy, từ năm 1999 anh mạnh dạn chuyển 3.000 m2 đất sang trồng cỏ và nuôi bò.
Nhờ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình nuôi và tham gia các lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, anh Ngàn đã vận dụng vào thực tế chăn nuôi tại gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế. Từ 1 con bò giống đến nay sau 15 năm gầy dựng, gia đình anh đã có được 10 con bò; trong đó 7 con bò sinh sản và 3 con bò đực dùng để phối giống.
Anh Ngàn cho biết, bò sinh sản nếu đẻ ra bò cái anh để gầy giống, đẻ ra bò đực thì bán cho người chăn nuôi. Bò con sau khi sinh khoảng 4 tháng thì bán với giá 15 - 20 triệu đồng/con. Phải chọn bò giống có tầm vóc tốt, công tác thú y luôn được đặt lên hàng đầu thì chăn nuôi mới đảm bảo và cần phải có nguồn cỏ tươi để cung cấp thêm cho bò.
Hàng ngày cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Cần phải tiêm ngừa để phòng bệnh kịp thời cho bò nhất là bệnh tụ huyết trùng, long mồm lở móng....
Với 3 bò đực dùng để phối giống là loại bò lớn con, mau lớn, tỉ lệ phối giống đạt cao... nên được bà con chọn để phối giống cho bò sinh sản của gia đình. Hiện tại với 7 con bò sinh sản và 3 bò phối giống, hàng năm mang về cho gia đình anh hơn 150 triệu đồng. Nuôi bò chủ yếu là lấy công làm lời, tuy vậy lợi nhuận cũng cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa.
Anh Ngàn chia sẻ: "Trước đây bà con nơi đây chỉ biết duy nhất có cây lúa và chỉ sản xuất 1 vụ/ năm do thiếu nước ngọt để sản xuất. Nhưng từ khi dự án "Ngọt hóa Gò Công" được triển khai thực hiện thì nhiều bà con chuyển sang trồng rau màu và chăn nuôi. Không riêng gì tôi mà nhiều bà con nơi đây đầu tư vào chăn nuôi bò vì nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con thoát nghèo bền vững".
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh còn tích cực giúp đỡ các hội viên còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống, khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng, và hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò cho bà con để việc chăn nuôi đạt hiệu quả kinh cao.
Anh Ngàn nói: "Các thế hệ cha ông đi trước, tiêu biểu là Anh hùng dân tộc Trương Định đã khai hoang và bảo vệ vùng đất vốn được biết đến là rừng thiêng nước độc này. Vậy thì, thế hệ con cháu ngày hôm nay luôn khắc ghi công lao to lớn đó mà ra sức phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp".
Ngôi nhà tường kiên cố, đầy đủ tiện nghi, các con thành đạt là thành quả của bao năm miệt mài lao động sáng tạo của gia đình anh Đỗ Văn Ngàn. Nhiều năm liền, anh nhận được giấy khen, bằng khen các cấp Hội nông dân trao tặng và giữ vững danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp xã, cấp huyện.
Related news
Ông Lê Hồng Duyên ở thôn Bồng Lai (Hiệp Thạnh, Đức Trọng, Lâm Đồng) đang trở thành một “địa chỉ cầu nối ”cho người nông dân quanh vùng đến trao đổi kinh nghiệm nuôi bò sữa, đầu tư trang bị máy vắt sữa, hợp tác tiêu thụ ổn định, lâu dài sản phẩm sữa bò tươi.
Những năm gần đây, thanh long đang là cây hái ra tiền của nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Mỗi năm, 1 ha thanh long cho lợi nhuận từ 200 - 400 triệu đồng, cao gấp 7, 8 lần so với trồng lúa.
Viện Hải dương học Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vừa hoàn thành đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học bảo vệ đa dạng sinh học đầm Nha Phu”, qua đó đánh giá nguồn lợi thủy sản đang suy kiệt nghiêm trọng.
Những ngày đầu xuân mới Quý Tỵ, giá các mặt hàng hải sản tươi sống tại huyện đảo Lý Sơn bất ngờ tăng vọt vì lượng cung không đủ cầu.
Do mưa lớn những ngày qua, lượng nước rút chậm nên công tác khắc phục khoảng 3.000 ha lúa, hoa màu bị ngập nước do mưa của tỉnh Vĩnh Phúc đang gặp nhiều khó khăn.