Thủy sản vẫn là con bài chiến lược trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu
Theo đánh giá của Viện Chính sách chiến lược phát triển NN-NT (Ipsard), triển vọng thị trường XK các mặt hàng thủy sản trong tương lai rất khả quan.
Kim ngạch XK thủy sản Việt Nam năm 2017 được dự báo sẽ đạt khoảng 7,4 tỷ USD
Trong các sản phẩm nông nghiệp thì ngành thủy sản còn nhiều dư địa tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, rào cản thương mại, luật pháp của các nước…
Áp lực từ chính sách bảo hộ
Nhận định về những khó khăn XK thủy sản từ nay đến cuối năm 2017, bà Tạ Vân Hà, đại diện Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, tình hình xâm ngập mặn, giá thành SX nguyên liệu thủy sản còn cao, sự cạnh tranh với các đối thủ, hàng rào kỹ thuật của nước NK… tiếp tục là những thách thức.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Ipsard, những thách thức mà VASEP đề cập là thực trạng phổ biến của ngành và các DN vẫn phải cảnh giác. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, có một thách thức mới đang hiện hữu rất rõ ràng.
“Đó là một số nước NK có xu hướng bảo hộ mậu dịch rất rõ ràng thông qua việc đưa ra hàng loạt các rào cản kỹ thuật, hay quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch… để hạn chế các sản phẩm thủy sản NK. Do vậy, các DN cần phải lưu ý và chủ động cập nhật tình hình để tránh xảy ra những trường hợp trả hàng đáng tiếc”, ông Tuấn phân tích.
Bổ sung thêm về những khó khăn, áp lực trong XK thủy sản, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng GĐ Cty CP Vĩnh Hoàn, cho biết, một số thị trường tiêu thụ thủy sản còn sử dụng truyền thông để bôi nhọ hình ảnh thủy sản Việt Nam.
“Dưới sức lan tỏa của mạng xã hội và internet thì rõ ràng những tác hại này là không thể đo đếm và sẽ ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sức tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường. Tất nhiên sẽ tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ thủy sản Việt Nam trong năm 2017”, bà Tâm nói.
Để tăng sức cạnh tranh, theo bà Tâm, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ tổng thể của Chính phủ, từ thị trường đến nguồn vốn. Đặc biệt là ổn định nguồn nguyên liệu trong nước, trên cơ sở đẩy mạnh chuỗi liên kết nuôi và chế biến XK, cả tôm và cá tra, giảm giá thành đầu vào cho DN.
Đại diện VASEP cho rằng, căn cứ vào tình hình thực tế, dự báo XK thủy sản năm 2017 sẽ đạt khoảng 7,4 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2016. “Dự báo này được đưa ra căn cứ trên những nhận định về thị trường XK chính của Việt Nam; trong đó ba thị trường truyền thống là Mỹ, EU và Nhật Bản tăng nhẹ so với năm 2016”.
Nếu không giải quyết tốt khâu nguyên liệu thì XK thủy sản trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng giá trị không cao với các sản phẩm không có tính cạnh tranh về chất lượng và thương hiệu.
Dư địa tăng trưởng còn lớn
Theo đánh giá của VASEP, dự báo nhu cầu thủy sản trên thế giới vẫn tăng mạnh dù không cao như những năm trước (trên 15%). Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp bắt đầu có tác động gia tăng lượng nguyên liệu thủy sản nuôi trồng cung cấp cho chế biến xuất khẩu. Cùng với đó, các hiệp định thương mại với các thị trường thế giới mở ra cơ hội để thâm nhập sâu hơn.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, hầu hết các thị trường truyền thống của thủy sản Việt đều có mức tăng trưởng đáng ghi nhận. Cụ thể, Nhật Bản đã vươn lên là thị trường tiêu thụ nhiều nhất với kim ngạch đạt 252,9 triệu USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch XK thủy sản, tăng 29,5% so với quý I/2016. Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ hai với 251,2 triệu USD. Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 với kim ngạch đạt 144,47 triệu USD, chiếm 9,6%, tăng 17,9%...
Bộ Công thương nhận định, con số tăng trưởng chung 7,9% cho cả quý cũng như tăng trưởng mạnh của từng thị trường là kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh XK thủy sản gặp rất nhiều khó khăn.
Theo dự báo của VASEP, kim ngạch XK của 2 mặt hàng thủy sản chính là tôm và cá tra năm 2017 tiếp tục tăng trưởng dương nhờ vào xu hướng gia tăng nhu cầu của thị trường. Thị trường châu Âu sẽ tăng mua tôm đáng kể khi Việt Nam đã áp dụng các biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh. Việt Nam sẽ phát huy lợi thế nuôi tôm sú và cung cấp cho thị trường ở các phân khúc cao. Cùng với tôm, cá tra vẫn là mặt hàng quan trọng của thủy sản và dự báo năm 2017 giá trị XK sẽ xoay quanh mức 1,7 tỷ USD.
“Như vậy, năm 2017 ngành thủy sản XK vẫn là con bài chiến lược trong các mặt hàng nông sản XK, thủy sản còn nhiều dư địa để phát triển và tăng trưởng. Các DN cần chủ động xây dựng các phương án mở rộng thị trường, xử lý tốt vấn đề rào cản kỹ thuật của các nước NK. Về mặt chiến lược lâu dài, cần khẩn trương xây dựng chiến lược sản phẩm quốc gia đối với một số mặt hàng thủy sản”, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội, khuyến nghị.
Theo VASEP, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2017 đạt 2,76 tỉ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt gần 1,15 tỉ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ; cá tra đạt trên 665 triệu USD, tăng 2,4%; cá ngừ đạt gần 216 triệu USD, tăng 20,3%; nhuyễn thể đạt trên 239 triệu USD, tăng 35,6%; cua, ghẹ, giáp xác khác đạt 33,5 triệu USD, giảm 16,6% và các loại thủy hải sản khác đạt 463 triệu USD, tăng 9,4%.
Related news
Virus đốm trắng gây thiệt hại cho các trại nuôi tôm ở Louisiana đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp nuôi tôm trị giá 300 triệu đô la.
Ngành nuôi trồng thủy sản có tổng sản lượng ước đạt hơn 6,7 triệu tấn (khai thác gần 3,1 triệu tấn, nuôi trồng trên 3,6 triệu tấn)
Từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), tôm Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị trí số 1 tại thị trường này.