Na Uy hỗ trợ Việt Nam đào tạo 500 lao động nuôi trồng thủy sản
Ngành nuôi trồng thủy sản có tổng sản lượng ước đạt hơn 6,7 triệu tấn (khai thác gần 3,1 triệu tấn, nuôi trồng trên 3,6 triệu tấn), kim ngạch xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD vào năm 2016.
Ngày 14-6, tại TPHCM, trước sự chứng kiến của bà Kari Eken Wollebaek, Phó Đại sứ Vương quốc Na Uy tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại TPHCM phối hợp với Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO) khởi động chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề - ngành nuôi trồng thủy sản.
Ngành nuôi trồng thủy sản có tổng sản lượng ước đạt hơn 6,7 triệu tấn (khai thác gần 3,1 triệu tấn, nuôi trồng trên 3,6 triệu tấn), kim ngạch xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD vào năm 2016. Đây cũng là ngành sử dụng một lực lượng lao động lớn, khoảng 9 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp, và là một trong ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI kiêm Giám đốc VCCI chi nhánh TPHCM cho biết, khảo sát gần đây cho thấy, nhiều nhà máy, cơ sở chế biến nuôi trồng nông, lâm, thủy sản có đến hơn 60% số lao động không có chuyên môn kỹ thuật. Riêng các cơ sở chế biến thuộc khối dân doanh của các ngành chế biến nuôi trồng thủy sản có đến khoảng 80% số lao động không được đào tạo, mà chỉ học các lớp bồi dưỡng ngắn ngày do các cơ sở đào tạo hoặc doanh nghiệp tự tổ chức. Về phía những người sử dụng lao động, khoảng 30 - 55% số chủ cơ sở chế biến thủy sản không có chuyên môn kỹ thuật.
Trước tình hình này, VCCI TPHCM và NHO phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành nuôi trồng thủy sản. Từ nay đến năm 2019, NHO hỗ trợ VCCI phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp đào tạo 500 lao động trong ngành nuôi trồng thủy sản cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ. Với sự tham gia của cả doanh nghiệp và nhà trường, người lao động được đào tạo có tính thực tiễn về sức khỏe và dinh dưỡng cho cá, hệ thống ao nuôi, lồng nuôi, nuôi cá biển công nghiệp… Chương trình nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức và kỹ năng đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Đồng thời, VCCI và NHO cũng hình thành cơ chế cố vấn có sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nhằm giảm khoảng cách giữa kết quả đào tạo của nhà trường và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Trước đó, từ năm 2010, cũng được sự hỗ trợ của NHO và Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB-XH), VCCI Chi nhánh TPHCM đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp thí điểm mô hình đào tạo nghề có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong ngành cơ khí ô tô. Nhờ phương pháp đào tạo nhiều thực hành, 97% học sinh tốt nghiệp đã có việc làm, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Từ đó, mô hình đào tạo nghề được mở rộng sang các ngành nghề du lịch nhà hàng khách sạn, ngành may mặc, chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ và nay là ngành nuôi trồng thủy sản.
Related news
Là đối tượng có nhiều tiềm năng để phát triển, những năm qua, nhiều địa phương trong cả nước đã áp dụng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính
Ngày 25/2/2014, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BNNPTNT danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong thủy sản
Virus đốm trắng gây thiệt hại cho các trại nuôi tôm ở Louisiana đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp nuôi tôm trị giá 300 triệu đô la.