Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thủy Lợi Nam Hà Tĩnh Chủ Động Điều Tiết Nước Tưới Hè Thu

Thủy Lợi Nam Hà Tĩnh Chủ Động Điều Tiết Nước Tưới Hè Thu
Publish date: Friday. June 20th, 2014

Gần 47.000 ha nằm trong vùng diện tích phục vụ tưới, quản lý hơn 30 hồ và đập dâng, hệ thống công trình tưới tiêu và dân sinh do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý phủ rộng ở 5 huyện: Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Hương Khê. Vì thế, việc điều tiết nước gần như được công ty căn cơ đến từng li, đảm bảo tiết kiệm nhưng vẫn đủ cung cấp kín diện tích tưới cho mùa vụ khó nhất trong năm nay…

Những cơn mưa vào trung tuần tháng 6 dù chưa đủ để bổ sung đáng kể lượng nước dự trữ cho các hồ đập trên địa bàn nhưng ít ra cũng đã “giải khát” cho đồng ruộng, giảm sức ép hạn hán kéo dài cả tháng qua. Ruộng đồng giờ đây đã ăm ắp nước, vì thế, các hồ đập có thể tiết kiệm được đáng kể lượng nước cho các đợt tưới sau.

Thở phào nhẹ nhõm sau “trận chiến” mở màn giành nước về cho đồng ruộng hè thu, những công nhân của các cụm, trạm thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh lại bắt tay ngay vào việc nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy.

Từ lâu, đây đã trở thành kế hoạch “cứng” trong mỗi vụ tưới của công ty, mỗi tuần 2-3 lần, các trạm, cụm lại tổ chức cho công nhân ra quân lao động, làm thủy lợi, vừa tạo thông thoáng dòng chảy, vừa gắn kết trách nhiệm của từng thành viên với công trình mình quản lý.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc công ty cho biết: “Kết hợp giữa phương án công trình và phi công trình, hiện chúng tôi đã hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa, gia cố những công trình xuống cấp, mặt khác, liên tục rà soát, kiểm tra những vùng khó điều tiết để kịp thời bổ sung trạm bơm dã chiến, phục vụ tưới cho đồng ruộng.

Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương chỉ đạo bà con nông dân đắp bờ, giữ nước trong chân ruộng, tiết kiệm nước và có phương án bơm tát khi cần thiết. Hiện chúng tôi đã mở nước phục vụ các địa phương chăm sóc, dặm tỉa với lưu lượng tại Kẻ Gỗ là 19m3/s và sông Rác 8m3/s”.

Dù đã lượng tính tất cả những biện pháp tối ưu nhất cho công trình cũng như quy trình tưới nhưng đợt tưới đầu tiên cho vụ hè thu 2014 vừa qua công ty gặp không ít khó khăn. Nắng hạn cả tháng, nước đổ xuống vừa đủ thấm đất, tráng kênh, có vùng thả nước cả tuần lễ vẫn chưa thể phủ hết đồng ruộng. Vào lúc cao điểm, lưu lượng mở nước của các công trình trọng điểm Kẻ Gỗ, sông Rác, Thượng Tuy đã đạt xấp xỉ thiết kế vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Cực chẳng đã, việc sản xuất không đồng loạt các trà giống của bà con nông dân dẫn đến những tình huống “dở khóc, dở cười”, nơi cần không có, nơi có lại không cần!

Những chia sẻ của ông khiến chúng tôi nhớ lại hình ảnh của công nhân viên các trạm, cụm, người ướt đẫm mồ hôi, hì hục trên chiếc xe máy cà tàng chạy dọc những tuyến kênh Kẻ Gỗ để theo dõi tình hình nước về ruộng, đốc thúc bà con lấy nước. Nghe kể vừa thương, vừa cảm phục, có khi “nằm” gác suốt đêm trên cống để giữ nước ép về cho vùng xa, điện thoại di động nóng ran trong tay vì giải quyết thắc mắc của người dân.

Ông Thái Đình Tính - Cụm trưởng Cụm N4, 6, 8 Kẻ Gỗ cho biết: “Kênh N4 là một trong những tuyến kênh khó tưới vì diện tích rộng (800 ha của 4 xã: Cẩm Quang, Cẩm Huy, thị trấn và Cẩm Thành - Cẩm Xuyên), đường tưới xa với điểm xa nhất là 10 km. Rất may, đầu vụ, tuyến kênh này đã được công ty đầu tư gia cố nâng mái kênh sẽ tăng khả năng truyền tải nước lớn, vì thế mà phục vụ vùng tưới cũng sẽ hiệu quả hơn”.

Trong phạm vi quản lý của công ty, mực nước các hồ chứa lớn hiện tại là: Kẻ Gỗ (25,10m), Sông Rác (19,47m) và Thượng Tuy (20,68m). So với cùng kỳ các năm trước chưa phải đáng lo ngại, có thể cung cấp đủ nước tưới cho cả đợt hè thu. Theo đó, tùy vào diễn biến thời tiết và nhu cầu của từng địa phương thì công ty sẽ điều tiết phù hợp, tiết kiệm nhất. Trong khi đó, các hồ đập nhỏ vẫn chưa qua ngưỡng khó, nhất là vùng tưới Hương Khê, Kỳ Anh. Trong trường hợp này, công ty áp dụng giải pháp ưu tiên vùng “cao, xa, khó tưới”.

“Điển hình ở Hương Khê, hiện một số hồ đã cạn đáy, trong lúc cấp thiết, chúng tôi sẽ chủ động đào kênh dẫn nước về vùng cạn, sử dụng các máy bơm để bơm tát từ sông, suối lấy nước vào ruộng. Còn ở Kỳ Anh thì sử dụng phương án bơm hỗ trợ chuyển nước cho vùng tưới” - Giám đốc Công ty Lê Hồng Sơn khẳng định.


Related news

Lai Tạo Giống Dâu Năng Suất Cao Lai Tạo Giống Dâu Năng Suất Cao

Theo tiến sĩ Lê Quý Tùy, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm Đồng, Trung tâm này đã nhân giống thành công các giống dâu năng suất cao, được lai tạo từ các giống dâu địa phương của Lâm Đồng cùng các giống dâu nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc.

Saturday. June 29th, 2013
Người Chăn Nuôi Chật Vật Bám Nghề Người Chăn Nuôi Chật Vật Bám Nghề

Giá thu mua lợn hơi đã tăng thêm 2.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng, nhưng người chăn nuôi hiện vẫn phải chịu lỗ từ 500.000 - 600.000 đồng/tạ thịt.

Saturday. June 29th, 2013
Thành Phố Cà Mau Sau Hơn 2 Năm Xây Dựng Nông Thôn Mới Thành Phố Cà Mau Sau Hơn 2 Năm Xây Dựng Nông Thôn Mới

Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tổng kinh phí đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để xây dựng các tiêu chí NTM trên địa bàn 7/7 xã của TP Cà Mau trên 154 tỷ đồng.

Saturday. June 29th, 2013
Mô Hình Chăn Nuôi Kết Hợp Gà – Cá Sấu Cách Làm Sáng Tạo Mô Hình Chăn Nuôi Kết Hợp Gà – Cá Sấu Cách Làm Sáng Tạo

“Thấy những sản phẩm thải ra từ trại gà phải vứt đi nghĩ cũng uổng phí”, anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương) mang niềm trăn trở đi tìm một mô hình chăn nuôi kết hợp “đặng làm sao tận dụng được nguồn thức ăn phong phú từ trại gà”!

Saturday. June 29th, 2013
Giữ Rừng Cho Con Cháu Mai Sau Giữ Rừng Cho Con Cháu Mai Sau

Gặp chúng tôi, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thanh Nưa, ông Vi Văn Nhọt phấn khởi khoe về mô hình khoanh nuôi, bảo vệ rừng của Chi hội người cao tuổi Hạ Thanh. Tuy là tự phát nhưng được duy trì và phát triển hiệu quả là nhờ tinh thần lao động hăng say, ý thức trách nhiệm, lòng kiên trì không ngại vất vả của tất cả các hội viên trong chi hội. Điều đó mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho người dân Hạ Thanh và là tấm gương trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

Saturday. June 29th, 2013