Thương Nhân Xuất Khẩu Gạo Phải Xây Dựng Vùng Nguyên Liệu Tin Vui Cho Người Trồng Lúa

Từ ngày 1/3/2015, thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng nguyên liệu. Đây là một trong những quyết định của Bộ Công thương vừa ban hành nhằm thực hiện lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu, đồng thời phát huy vai trò của liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo giai đoạn 2015 - 2020.
Một trong những khó khăn trong việc tiêu thụ lúa, gạo lâu nay vẫn là sự thiếu vắng vai trò của doanh nghiệp xuất khẩu. Do vậy, quy định thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu sẽ mở ra cơ hội cho người nông dân gắn kết với doanh nghiệp.
Thông qua sự liên kết này, vai trò, trách nhiệm của nông dân và doanh nghiệp sẽ được phát huy. Nông dân sẽ chủ động về đầu ra, tập trung sản xuất hàng hóa chất lượng theo đơn đặt hàng. Còn doanh nghiệp xuất khẩu cũng an tâm về chất lượng và đáp ứng các quy định của các nước nhập khẩu về tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ - vốn trở thành tấm thẻ thông hành không thể thiếu trong hội nhập.
Theo quy định của Bộ Công thương, việc xây dựng vùng nguyên liệu sẽ theo lộ trình như: Đối với những thương nhân xuất khẩu gạo dưới 50.000 tấn/năm, trong năm đầu tiên phải xây dựng vùng nguyên liệu là 500ha, sang năm thứ hai trở lên sẽ tăng thêm 300ha mỗi năm. Thương nhân có lượng gạo xuất khẩu từ 50.000 đến dưới 100.000 tấn gạo/năm, năm đầu làm 800ha và những năm sau mỗi năm tăng thêm 500ha.
Riêng những thương nhân xuất khẩu từ trên 100.000 đến dưới 200.000 tấn/năm, năm đầu làm 1.200ha, những năm sau mỗi năm tăng thêm 800ha. Đặc biệt, thương nhân xuất khẩu từ 200.000 tấn/năm, năm đầu làm 2.000ha và những năm sau tăng thêm 1.500ha.
Bộ Công thương cũng đưa ra ba phương thức xây dựng vùng nguyên liệu để thương nhân lựa chọn phù hợp với điều kiện, năng lực của doanh nghiệp. Một là doanh nghiệp có thể xây dựng dự án, hoặc phương án cánh đồng lớn. Thứ hai là không xây dựng dự án, hoặc phương án cánh đồng lớn mà chỉ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo với hộ nông dân, hoặc đại diện của người trồng lúa.
Ba là xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của thương nhân trên diện tích đất sản xuất lúa được Nhà nước giao, cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để sản xuất lúa.
Trong ba phương án này, phương án thứ hai dự báo sẽ được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều. Vì phương án này giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí đầu tư, tận dụng được vùng nguyên liệu sẵn có của nông dân và cả kinh nghiệm quản lý sản xuất của họ.
Quy định về thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng nguyên liệu thật sự là giải pháp rất kịp thời và hướng đến sản xuất bền vững.
Related news

Với gần 4.000ha rừng phòng hộ nằm trải dài ven bờ biển của tỉnh Bạc Liêu, rất thích hợp cho việc nuôi trồng các loài thủy sản dưới tán rừng. Nhiều hộ dân nhận khoán đất rừng áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng đã có cuộc sống sung túc.

Hiện toàn thành phố có 40 bể nuôi, mỗi bể từ 20 - 40m2, nhiều hộ đã đạt lợi nhuận cao từ mô hình này.

Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung được thành lập năm 2004 từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Hơn 10 năm qua, trung tâm đã đẩy mạnh việc nghiên cứu các đề tài khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu giống thủy sản cho thị trường…

Nuôi cá vồ đém có đầu ra luôn ổn định, giá cao. Thời gian nuôi dài hơn cá tra nhưng vốn đầu tư thấp.

Các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giải đáp những thắc mắc về kỹ thuật… cho bà con nông dân.