Lươn sạch ở quê lúa
Bắt lươn đồng
Lươn đồng ở Yên Thành được bà con bắt bằng nhiều cách, phổ biến nhất vẫn là đặt trúm, bắt bằng tay và đi câu.
Yên Thành có nhiều người theo nghề “đặt” trúm lươn, tập trung ở các xã Xuân Thành, Nam Thành, Tăng Thành… Ống trúm được làm bằng thân nứa, dài cỡ hai hoặc ba đốt nứa, một đầu làm miệng trúm, đầu kia để nguyên mắt.
Miệng ống có một cái hom được làm từ những nan tre mỏng kết hình nón hướng vào lòng trúm, được cố định với thân trúm bằng một xiên tre hay thanh sắt, đầu kia có khoan lỗ nhỏ để lấy không khí cho lươn "thở" khi đã vào bên trong trúm.
Kỹ thuật đặt trúm cũng đơn giản, sau khi đặt mồi bằng giun đất trong hom mang trúm đặt ở bờ ruộng, bờ mương.
Đặt trúm để theo một góc nghiêng, miệng trúm cố định dưới đáy bùn, còn đầu phần có lỗ thở cho lươn để nổi khỏi mặt nước.
Lươn đi ăn ban đêm, ngửi mùi tanh của mồi chúng tìm đến rồi chui vào phía trong trúm.
Muốn đặt trúm bắt được nhiều lươn phải đặt những nơi lươn hay làm "mà" (hang trú ngụ), là lớp bùn đất mềm sát bờ cỏ ngập nước, gốc tre, bụi cây mấp mé ao hồ, sông suối.
Đặt trúm những khu vực này dễ bắt được lươn lớn.
Nếu đặt trúm tầm mặt trời lặn của ngày hôm nay, thì 6 giờ sáng hôm sau đi thu lại, trung bình mỗi đêm, với 40 ống trúm, nhiều gia đình thu được 2 - 4kg lươn, bình quân thu nhập từ 150.000 - 250.000 đồng/ngày.
Người dân Yên Thành sau khi kết thúc vụ gặt, ngay từ sáng sớm tinh sương đã có nhiều người tay bao, tay giỏ đi bắt lươn trên những cánh đồng sâu sục.
Anh Thái Duy Thịnh ở xóm 9, xã Xuân Thành tâm sự: Bắt lươn bằng tay không khó, cứ thấy “mà” hang trú ẩn mới ùn lên thò ngón tay lần đến tận nơi là bắt được.
Tuy nhiên, lươn bắt bằng tay chủ yếu là lươn nhỏ, các loại lươn to thường sống trong các bờ ruộng, bờ kênh.
Ở Yên Thành còn có nghề câu lươn đồng.
Bộ đồ nghề rất đơn giản, chỉ có một sợi dây cước được se lại buộc lưỡi câu phía trước, một bịch đựng mồi câu là những con giun đất và một chiếc túi để đựng lươn.
Ông Nguyễn Văn Đóa ở xã Trung Thành - một thợ câu lươn nói: Nghề câu lươn đòi hỏi tính kiên trì, có khi cả tiếng đồng hồ mới câu được lươn, nhưng loại lươn câu thường to con 3 - 4 lạng/con, bán giá thường đắt hơn.
Ngoài thả trúm, câu, nông dân Yên Thành còn đi soi lươn.
Đêm xuống mỗi người xách một chiếc đèn ra đồng, dùng đèn soi trên thửa ruộng, lươn thấy ánh sáng bèn ngóc đầu dậy, thế là bị thợ lươn túm cổ cho vào giỏ.
Lươn đồng vượt lũy tre làng
Toàn huyện Yên Thành có khoảng 100 người chuyên làm nghề thu mua lươn.
Họ thu mua ở khắp trong nội huyện và lân cận như Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, sau đó đều gom về xã Long Thành, Yên Thành.
Tại “vựa lươn” xã Long Thành, tại đây có khá nhiều điểm thu gom lươn lớn nhất tỉnh.
Tại căn nhà của ông Phạm Văn Cảnh ở xóm Bắc Long có trên 10 lao động đang chế biến lươn.
Ông Cảnh chia sẻ: “Mỗi ngày chúng tôi gom được từ 250 - 300kg lươn, sau đó chia theo các loại, nếu khách hàng mua lươn sống thì chúng tôi bỏ vào hộp xốp kèm theo ít đá lạnh, lươn có thể đưa đi cả trăm cây số cũng không chết.
Hiện nay, đa số các nhà hàng khách sạn không mua lươn sống mà họ đặt hàng làm thịt sạch để về đỡ khâu làm lại”.
Quy trình chế biến rất đơn giải, lươn đưa về được rửa nhớt bằng nước muối sạch sẽ, luộc bằng nước sôi sau đó vớt ra dùng dao “nứa” rọc lươn, loại bỏ các phụ phẩm nội tạng, xương và đầu.
Thịt lươn được rửa qua nước riềng, nước gừng để khô ráo cho vào từng bao và bỏ vào tủ đông lạnh.
Sau khi đã gom đủ hàng theo ký kết hợp đồng thì mới đóng thùng xốp chèn theo đá lạnh đưa đi tiêu thụ khắp nơi trên cả nước.
Giá bán lươn sống đóng thùng xốp 85.000 - 90.000 đồng/kg, lươn róc thịt bán 110.000 đồng/kg.
Nhờ từ nghề thu gom lươn mà gia đình ông Cảnh có tiền làm được căn nhà trên 700 triệu đồng, mua sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền.
Ông Phạm Văn An ở xóm Bắc Sơn (Long Thành) cũng nhờ từ nghề thu gom lươn xây được căn nhà 2 tầng trị giá 300 triệu đồng.
Hiện cơ sở còn có trên 20 “lái lươn” thu mua khắp nơi, bình quân mỗi ngày chế biến 400 - 500kg lươn, cua.
Một số nơi còn đặt hàng làm cả lươn khô để xuất ngoại đi các nước Trung Quốc, Lào.
Hiện nay, tại xã Long Thành có trên 15 cơ sở chế biến lươn đông lạnh, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Nhờ nghề thu gom, chế biến lươn mà nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Related news
Bao lần thất bại tới “liêu xiêu” nhưng tỷ phú cá vược Trương Văn Trị ( xã Nam Cường, huyện Tiền Hải) vẫn luôn tin vào một điều duy nhất: Mình có thể!
Với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa, cơ quan hải quan sẽ không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp giấy đăng ký kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật trong quá trình làm thủ tục hải quan xuất khẩu, tái xuất khẩu.
Quảng Nam được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước nên tạo thuận lợi cho việc hình thành các vùng nguyên liệu đa dạng.
Huyện Thăng Bình đang huy động đồng bộ các nguồn lực để tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Các vấn đề cốt yếu là xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển vùng.
Nghề cá của tỉnh vừa kết thúc vụ sản xuất chính thành công nhờ tính năng động, linh hoạt tổ chức sản xuất của ngư dân cộng hưởng với sự hỗ trợ của Nhà nước.