Thương Lái Đổ Xô Đi Mua Củ Dền

Hiện nay, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thương lái đang đổ xô đi mua củ dền nguyên đám, kể cả loại vừa xuống giống được ít tuần rồi tự chăm sóc, thu hoạch, với giá từ 1.000- 1.300đ/gốc.
Bà Võ Thị Bảy, ngụ đường Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt cho biết, vụ dền này gia đình bà trồng được gần 4.000m2, vừa xuống giống được hơn 10 ngày đã có thương lái tới đặt vấn đề mua nguyên đám rồi họ tự chăm sóc, thu hoạch, gia đình bà chỉ có nhiệm vụ 2 ngày bơm nước tưới (tự động) cho vườn dền 1 lần. Bà Bảy quyết định bán đám dền với giá 1.300đ/gốc. Với 4.000m2, vụ dền này cho gia đình bà thu về trên 90 triệu đồng tiền lãi.
Trong khi đó, tại chợ Đà Lạt, củ dền loại đẹp đang được bán với giá 25.000đ/kg, cao gấp 4 lần so với thời điểm cách đây vài tháng.
Chị Nguyễn Thị Cúc, một gia đình chuyên trồng củ dền ở đường Mai Xuân Thưởng, phường 8, TP Đà Lạt, giải thích: Nguyên nhân củ dền hút hàng là do hồi đầu năm người trồng củ dền đã thua lỗ nặng nên “cạch mặt” loại nông sản này để chuyển sang trồng các loại hoa màu khác.
Diện tích trồng và sản lượng giảm khiến củ dền trên thị trường bỗng khan hiếm, đó là cơ sở để thương lái mạnh dạn vung tiền mua củ dền ngay từ lúc mới xuống giống. Tuy nhiên, chính các thương lái cũng không nhiều người tự tin với cách thu mua cả vườn dền non rồi tự chăm sóc, thu hoạch như hiện nay họ sẽ thắng.
Chị Tú, một thương lái có nhiều năm kinh doanh nông sản tại TP Đà Lạt cho biết: “Không nói trước được điều gì. Giá cả thị trường biến động khôn lường. Hôm nay thì cao giá đó, sau một đêm ngủ dậy giá có thể chạm đáy, thua lỗ là chuyện thường thấy.
Thu mua củ dền ngay từ lúc vừa xuống giống rồi tự chăm sóc cho đến khi được thu hoạch là điều mạo hiểm, nhưng trong làm ăn thì phải chấp nhận phiêu lưu, đánh liều...”.
Thực tế cho thấy, việc thương lái thu mua nông sản khi vừa được nhà vườn xuống giống vài tuần tại Đà Lạt là một loại giao dịch trong làm ăn rất phổ biến. Hồi đầu năm nay, nhiều thương lái cũng đã thu mua cải thảo theo hình thức này, sau đó cải thảo mất giá, tiền thu hoạch không đủ chi phí thuê nhân công nên họ đã phải để nhà vườn phá bỏ, chấp nhận mất trắng tài sản.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/thuong-lai-do-xo-di-mua-cu-den-post135237.html
Related news

Dù đã áp dụng các biện pháp như dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại để phòng, chống đói, rét cho gia súc nhưng do rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo mưa tuyết nên nguy cơ đàn gia súc chết rét vẫn hiện hữu. Đó là lý do để bà con các thôn, bản vùng cao của huyện Sa Pa (Lào Cai) đưa trâu xuống các xã vùng thấp tránh rét.

Không hẹn trước nhưng thật may mắn, trong chuyến công tác mới đây nhất của chúng tôi tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã được “mục sở thị” đồng chí Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Diện “lăn lộn” với cơ sở. Nếu một người lần đầu đến Tiên Yên mà chỉ nhìn cách đồng chí Chủ tịch huyện “xắn tay áo” cùng với cán bộ huyện lo tìm đầu ra cho “món” thương hiệu gà Tiên Yên sẽ chẳng ai nghĩ đó là một trong những lãnh đạo đứng đầu huyện.

Thời gian gần đây, một vài hộ dân ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang) mạnh dạn đầu tư vốn, thực hiện mô hình chăn nuôi dê, bước đầu cho thu nhập khá từ việc bán dê giống và dê thịt. Mặc dù số vốn đầu tư ban đầu khá lớn, với mỗi con dê trưởng thành có giá hơn 3 triệu đồng, quy mô nuôi 4 dê cái và 1 con dê đực là gần 20 triệu đồng.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cho biết bò nhập từ Úc về có trọng lượng khoảng 200 – 250 kg/con, được tiếp tục nuôi khoảng 6 tháng lên 500 – 550 kg mới xuất chuồng, bán cho Vissan và một số đơn vị giết mổ khác, trong đó, Vissan là ưu tiên hàng đầu.

Sáng ngày 4/2/2015, Trạm khuyến nông huyện Châu Phú tổ chức hội thảo mô hình trồng bắp thu trái non kết hợp nuôi bò tại hộ anh Nguyễn Hoàng Mỹ, ấp Bình Hưng 2 xã Bình Mỹ (Châu Phú - An Giang). Buổi hội thảo có đại diện công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang, các ngành chuyên môn của huyện và hơn 40 bà con nông dân trong huyện đến dự.