Thương hiệu gạo Việt chưa đâu vào đâu
Áp lực bủa vây
Tại Hội thảo bàn giải pháp xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin, Việt Nam có 4,1 triệu hecta đất trồng lúa.
Ttrong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 53% diện tích; năm 2014 tổng sản lượng lúa đạt 45 triệu tấn, xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn gạo, giá trị 2,93 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ và Thái Lan.
“Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng ngành lúa gạo Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn” – ông Đô nói và lấy ví dụ: sản xuất lúa gạo chủ yếu là nông hộ quy mô nhỏ, hơn 85% số hộ gia đình có quy mô dưới 0,5 héc ta/hộ; tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ, nhóm sản xuất theo hợp đồng còn ít dẫn đến những khó khăn về quản lý chất lượng, hiệu quả sản xuất của nông dân thấp.
Đặc biệt, cơ cấu giống lúa đa dạng, hơn 100 giống lúa, nhưng lại thiếu các giống lúa chủ lực, có chất lượng cao để hình thành các sản phẩm mũi nhọn, tiếp cận hiệu quả vào thị trường quốc tế.
Thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình và thấp, gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng gạo xuất khẩu chưa đồng đều, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.
Trong khi đó, áp lực cạnh tranh của mặt hàng gạo rất lớn, ngoài những đối thủ truyền thống như Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam còn đang phải đối mặt với các đối thủ tiềm năng như Campuchia, Myanmar và Mỹ.
“Chính vì vậy, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam không chỉ là vấn đề giá, chất lượng, mà việc xây dựng thương hiệu, duy trì uy tín, lòng tin của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam là yêu cầu cấp bách và quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu” – ông Võ Thành Đô nói.
Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho hay, đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có vai trò quan trọng trong việc tăng giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam.
Theo đề án, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam phải gắn với chuỗi giá trị, bảo đảm sự phát triển bền vững. Thương hiệu gạo Việt Nam là sự định vị, tạo dựng hình ảnh của Việt Nam, duy trì lòng tin người tiêu dùng bằng uy tín của doanh nghiệp, sản phẩm và sự đảm bảo của Nhà nước.
Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, phải tổ chức sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm và đặc sản đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Doanh nghiệp đóng vai trò trọng tâm
Ông Lê Thanh Khiêm, Phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho hay, xuất khẩu gạo Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do gạo Việt chưa có thương hiệu, đa phần là xuất thô, tỷ lệ xuất khẩu gạo có thương hiệu chỉ chiếm vài phần trăm.
Song, ông Khiêm cho hay, việc xây dựng thương hiệu gạo cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu sản xuất giống.
Ví dụ như Thái Lan họ tập trung vào một số giống nhất định nhưng đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa chọn được giống nào để ổn định lâu dài. Thông thường giống lúa của Việt Nam chỉ sản xuất được trong một thời gian ngắn rồi bị thoái hóa. Chính vì vậy, khâu sản xuất giống mới đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu.
Hơn nữa, tập quán sản xuất gạo của nông dân vẫn chủ yếu là pha trộn các loại gạo với nhau. “Tư duy pha trộn gạo là hạn chế lớn nhất trong vấn đề xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam’ – ông Khiêm nói.
Góp ý cho công tác xây dựng thương hiệu gạo, ông Khiêm cho hay, nhà nước cần phải xây dựng hệ thống đánh giá bộ tiêu chuẩn về gạo; đồng thời phải phát triển được thị trường trước khi xây dựng thương hiệu gạo vì chính thị trường mới nuôi được thương hiệu.
“Nếu chúng ta có thương hiệu nhưng thị trường nhỏ lẻ thì thương hiệu không thể tồn tại được, đặc biệt, cần chú ý đến đến thị trường tiêu thụ trong nước vì đây chính là nơi tiêu thụ tới 30-40% sản lượng gạo Việt Nam” ông Khiêm nói.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho hay, thương hiệu không chỉ là một logo, muốn xây dựng thương hiệu ngành gạo phải xây dựng mô hình thể chế, khung chính sách cho ngành hàng gạo như: thuế, tín dụng, xuất khẩu, sản xuất... căn cứ vào đó nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì với luật chơi rõ ràng, đồng thời, phải nâng cao vai trò của doanh nghiệp.
“Nếu không có bộ khung chính sách mà chỉ chạy thương hiệu không thì không hiệu quả” – vị này nói.
Cùng quan điểm, ông Võ Thành Đô cho rằng phải xác định doanh nghiệp là chủ thể trong xây dựng thương hiệu.
Nhà nước cần có chính sách, giải pháp cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào quá trình này.
Related news
Sau khi thực hiện thành công đề tài khoa học cấp tỉnh về “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá hồng bạc Lutjanus argentimaculatus (Forsskal, 1775)”, nhóm tác giả do Thạc sĩ Nguyễn Địch Thanh (Khoa Nuôi trồng thủy sản Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm đang hoàn thành quy trình sản xuất giống và tiến hành chuyển giao công nghệ cho người dân
Người nuôi tôm ở huyện Tuy Phước (Bình Định) vô cùng hoang mang khi hàng chục ha tôm mới thả giống chưa được 1 tháng đã lăn đùng ra chết.
Xuân Lộc (Đồng Nai) có 2 mô hình nuôi gà, vịt lớn nhất, hiệu quả nhất không chỉ ở Đồng Nai mà cả khu vực Đông Nam bộ.
Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái Bến Tre được UBND tỉnh phê duyệt và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp triển khai nhằm tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của thiên nhiên trước những tác động do biến đổi khí hậu thông qua việc phục hồi và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vùng ven biển Bến Tre