Đầu Tư Dài Hạn Cho Phát Triển Nông Nghiệp Ở Na Pô
4 năm trở lại đây, hơn 100 hộ dân thôn Na Pô, xã Na Khê (Yên Minh) đã bỏ ra số tiền lên đến gần 3 tỷ đồng để thuê máy xúc mở mới hơn 25 ha ruộng bậc thang; đây được coi là sự đầu tư dài hạn cho phát triển nông nghiệp của người dân Na Pô.
Là thôn biên giới của xã Na Khê, Na Pô có 105 hộ dân và đều là dân tộc Dao; thôn cách trung tâm xã gần 10km, phần lớn quãng đường là đường đất, gây cản trở và khó khăn lớn trong giao thông, giao thương. Trình độ dân trí còn thấp, cuộc sống người dân còn nghèo bởi thiếu nước và đất chỉ canh tác được một vụ.
Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn còn cao chiếm gần 30%. Tuy nhiên, chính vì nghèo khó, đa phần người dân Na Pô trong những tháng nông nhàn thường đi làm thuê, làm mướn ở các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh và nước bạn Trung Quốc.
Công đi làm thuê được trả giá cao, trung bình từ 200 đến 300 nghìn đồng/ngày nhưng không như các địa phương khác, tiền tích cóp đi làm thuê về thay vì dành mua xe máy, các đồ dùng trong gia đình, xây nhà... người dân Na Pô sử dụng số tiền đó cho việc khai khẩn ruộng bậc thang.
Trong 4 năm qua, nhiều gia đình đã bỏ ra nhiều tiền để mở mới từ 5 nghìn mét vuông đến gần 1 ha ruộng bậc thang như gia đình anh Lý Chỉn Khái, Phàn Tờ Rèn, Phàn Chỉn Kháng, Phàn Seo Sài... Thậm chí, trong đó có cả những hộ nghèo chấp nhận đi vay nợ anh em, họ hàng số tiền hàng chục triệu đồng để khai hoang ruộng.
Bí thư Chi bộ Phàn Tờ Quân chia sẻ: “Hiện nay, tổng số diện tích ruộng của cả thôn là hơn 42 ha, thì hơn một nửa trong số đó được mở mới từ năm 2010 đến nay bằng tiền tích cóp khi đi làm thuê của các hộ.
Sở dĩ người dân đầu tư mở mới ruộng bậc thang thay vì xây nhà, mua xe; bởi họ nhìn nhận ruộng đất chính là tư liệu sản xuất lâu bền nhất, không chỉ cho hiện tại mà cho cả đời con, đời cháu của họ về sau sẽ được hưởng lợi từ những diện tích đó và khi có nhiều ruộng rồi họ sẽ không phải lo đói, lo nghèo và xa rời vợ con đi làm thuê nữa nên họ quyết định đầu tư tiền của vào khai hoang ruộng”.
Qua sự chia sẻ của Bí thư Chi bộ thôn, chúng tôi có thể hiểu được vì saongười dân nơi đây lại quyết định bỏ ra một số tiền lớn, có thể coi là cả gia tài đối với họ để khai hoang ruộng tập trung để phát triển nông nghiệp theo hướng lâu bền.
Bởi lẽ, ruộng đất sẽ không bị mai một đi theo ngày tháng, thậm chí càng canh tác lâu năm nó càng tăng thêm độ màu cho đất và sẽ cho năng suất, sản lượng cao hơn.
Đời con, đời cháu và các thế hệ mai sau của họ sẽ hưởng lợi từ việc cha ông mình đã tập trung nguồn lực khai hoang mở ruộng – tư liệu sản xuất cho giá trị lâu bền nhất.
Những gì người dân Na Pô làm thực sự đã và đang cho thấy hiệu quả thiết thực, dù là những diện tích ruộng cũ hay mới khai hoang; sản lượng và chất lượng lúa canh tác trên hai diện tích này không chênh lệch nhiều, trung bình từ 52 - 56 tạ/ha.
Chính vì thế, tuy tỷ lệ hộ nghèo ở Na Pô còn cao nhưng đã giảm hơn 50% so với thời điểm năm 2010, từ gần 70% xuống còn gần 30% như hiện nay.
Đời sống của người dân từ đó cũng đang dần được nâng cao, đến nay 100% các hộ trong thôn không còn thiếu đói giáp hạt như trước, thậm chí trong những tháng giáp hạt nhiều hộ vẫn còn cất trữ hàng chục bao thóc. Đây là biểu hiện rõ nét nhất cho thấy lợi ích của việc khai khẩn ruộng bậc thang, đầu tư dài hạn cho phát triển nông nghiệp ở Na Pô.
Na Pô nói riêng, xã Na Khê nói chung được coi là địa phương đi đầu trong việc người dân chủ động bỏ tiền khai khẩn ruộng bậc thang ở Yên Minh.
Trong những năm qua, huyện Yên Minh đã mở mới được hàng trăm ha diện tích ruộng bậc thang, riêng năm 2013, cả huyện mở mới được 171ha. Nhìn nhận việc khai khẩn ruộng bậc thang sẽ thúc đẩy và là đột phá trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Bí thư Huyện ủy Yên Minh Trần Xuân Thủy cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ họp bàn để thống nhất cân đối các nguồn, hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ mở mới ruộng bậc thang. Số tiền hỗ trợ chắc chắn không bằng các hộ dân tự bỏ ra khoai hoang ruộng nhưng nó sẽ phần nào khuyến khích, hỗ trợ người dân thúc đẩy việc khai khẩn, mở rộng diện tích ruộng.
Huyện Yên Minh phấn đấu đến hết năm 2014 sẽ khai hoang trên 150ha diện tích ruộng mới. Từ các diện tích đó sẽ tạo đà đột phá, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.
Related news
Ngày 17-8, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, Sở NN&PTNT Tiền Giang tổ chức hội thảo sơ kết mô hình sản xuất lúa “1 phải, 6 giảm” tại HTX nông nghiệp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang).
Từ những đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ước mơ thoát nghèo của hàng nghìn hộ ở huyện Lục Yên, Yên Bái đã thành hiện thực, họ thêm vững tin vươn lên trong cuộc sống...
Sau một thời gian làm công cho các trại nuôi cá hồi ở Sa Pa (Lào Cai) để học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt công nghệ nuôi cá hồi, anh thanh niên dân tộc Thái Lò Ngọc Thủy ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La) đã đầu tư nuôi cá hồi vân trên đỉnh núi Sam Síp có độ cao chừng 1.200 m.
Thời tiết khắc nghiệt kéo dài trong những ngày qua đã khiến cho các chủ đầm nuôi thủy sản ở Nam Định thiệt hại lớn vì tôm, ngao chết hàng loạt.
Những năm qua, anh Nguyễn Văn Khởi, ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân (Cà Mau), là một trong những người thực hiện thành công và có hiệu quả cao mô hình cấy lúa trên đất nuôi tôm.