Thúc đẩy sản xuất giống lúa lai
Vụ Đông Xuân 2014 - 2015, cả nước có 16 đơn vị sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại 10 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích hơn 1.308 ha. Trong đó, các tổ hợp giống lúa lai F1 ba dòng như: Nhị ưu 838, Bắc ưu 903, Nam ưu 604, Bắc ưu 903 KBL, LC 25, HYT 100, HYT 108, CT16... được gieo sạ hơn 1.124 ha (chiếm 85,9%) diện tích; các tổ hợp hạt giống lúa lai F1 hai dòng như: VL 20, TH 3-5, TH 17, Phúc ưu 868 được gieo sạ với diện tích 184 ha (chiếm 14,1%).
Theo ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm KNQG, Đông Xuân 2014 - 2015 là vụ đầu tiên triển khai sản xuất dòng lúa lai "bố mẹ" trên phạm vi toàn quốc thông qua Dự án khuyến nông Trung ương.
Mặc dù điều kiện thời tiết có nhiều biến động, nhưng các đơn vị đã chủ động chỉ đạo kỹ thuật, người trực tiếp sản xuất đã tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật, nên toàn bộ các trà sản xuất dòng bố mẹ đều thành công, đạt năng suất cao, chất lượng hạt giống đạt tiêu chuẩn. Vụ Đông Xuân này, ước tính cả nước sản xuất được khoảng 3.650 tấn hạt giống lúa lai F1.
Hiện nay, sản xuất hạt giống lúa lai F1 không chỉ mang lại hiệu quả cho người sản xuất, mà còn từng bước giảm lượng lúa giống nhập khẩu và chủ động nguồn giống để mở rộng diện tích lúa lai tại các địa phương.
Việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 thành công đã khẳng định Việt Nam làm chủ được công nghệ sản xuất giống "bố mẹ" và sản xuất hạt lai F1; góp phần định hướng phát triển bền vững ngành sản xuất lúa lai của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 vẫn còn không ít khó khăn.
Việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Do vậy, việc bố trí lịch thời vụ, lịch gieo sạ hạt của dòng bố và dòng mẹ phải được tính toán kỹ để cho lúa trỗ vào thời điểm hợp lý, thuận lợi cho việc thụ phấn.
Điều khó khăn nhất với việc sản xuất giống là yếu tố khí hậu. Nếu vào thời điểm lúa trỗ mà gặp nhiệt độ dưới 24 độ C thì việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 sẽ không đạt kết quả tốt. Do vậy, phải bố trí thời vụ hợp lý, để cho lúa trỗ vào thời điểm có nhiệt độ hơn 24 độ C thì hạt giống lúa lai F1 mới đạt chất lượng cao.
Tại nhiều địa phương chưa có vùng quy hoạch riêng để sản xuất hạt giống bố mẹ, nên các trà sản xuất bố mẹ phải gieo trồng xen kẽ giữa các diện tích sản xuất hạt lai F1 trong vùng quy hoạch hoặc xen với lúa thương phẩm, gây khó khăn cho yêu cầu cách ly trong sản xuất giống siêu nguyên chủng bố, mẹ. Và để hạt giống đạt chất lượng, thời gian qua, các đơn vị phải sử dụng phương pháp cách ly bằng tấm nylon, bạt... làm tăng chi phí sản xuất.
Để phát triển được các diện tích lúa lai, các tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hạt giống lúa lai có chất lượng, giá thành hạ, có sức cạnh tranh nhằm từng bước giảm lượng giống nhập khẩu; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân sử dụng hạt giống lúa lai sản xuất trong nước.
Đồng thời, hình thành các mô hình liên kết bền vững giữa cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp với HTX và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa lai F1.
Related news
Theo tin từ Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT), trước tình hình tôm nuôi tại Móng Cái (Quảng Ninh) có hiện tượng chết rải rác, ngày 20-5, chi cục đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Phòng Kinh tế TP Móng Cái tiến hành thu 14 mẫu tại Hải Hòa và Vạn Ninh để xét nghiệm dịch bệnh.
Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang) đang phối hợp với Trung tâm Tư vấn thiết kế và Chuyển giao công nghệ thủy sản (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) lựa chọn, cung ứng 1,5 tấn cá bố mẹ đạt tiêu chuẩn nhân giống cho 12 cơ sở sản xuất cá giống ở các huyện: Lạng Giang, Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa và TP Bắc Giang.
Tại sao cây mắc ca tốt như thế mà diện tích trên thế giới chỉ 80.000 ha? GS. Hoàng Hòe cho biết, ông đã đi nhiều nơi và không có chỗ nào tốt, thuận lợi với cây mắc ca như ở Tây Nguyên Việt Nam.
Đến thăm vườn mắc ca của ông Nguyễn Đức Ba (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương), nhiều nhà khoa học đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên trước một cây mắc ca cho trái tương đương quả trứng gà.
Quy hoạch phát triển cây mắc ca, hay còn được ví là cây “tỷ đô” sẽ sớm được phê duyệt trong thời gian tới.