Thức ăn xanh cho chăn nuôi cấp thiết!
Tại hội nghị Tái cơ cấu ngành trồng trọt và sơ kết tình hình phát triển cây làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua (22/7), thông tin về nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi bò sữa đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải bàn.
Theo ông Trần Công Chiến, TGĐ Cty Sữa Mộc Châu, hiện Cty này đang được Nhà nước giao gần 960 ha đất nông nghiệp để trồng cỏ cho đàn bò sữa.
Tuy nhiên do SX-KD liên tục có lãi, tổng đàn bò hiện đã tăng lên tới trên 17 nghìn con, trung bình mỗi ha cỏ đang phải gánh khoảng 18 con bò sữa nên diện tích này từ lâu đã không còn đáp ứng được nhu cầu. Với tốc độ tăng đàn khoảng 14%/năm, hiện quỹ đất trồng cỏ phục vụ cho đàn bò của Cty đã cạn kiệt.
Trước tình hình đó, từ năm 2013 đến nay, Cty đang phải tận dụng nguồn thức ăn bằng cách mua ngô non của người dân tại các vùng vệ tinh. Mặc dù chất lượng ngô non không thể thay thế bằng các loại cỏ chuyên dụng, tuy nhiên năm 2014, Cty đã phải mua tới trên 70 nghìn tấn cây ngô non của dân, năm 2015 dự kiến sẽ phải tăng lên mức 100 nghìn tấn và dự báo sẽ phải tiếp tục tăng.
Để bù đắp cho nguồn dinh dưỡng thiếu hụt do nguồn thức ăn không đủ đáp ứng, hiện trung bình mỗi năm, Cty này đang phải NK khoảng trên 5.000 tấn cỏ Alfalfa với giá từ 400 – 450 USD/tấn do nguồn cỏ này hiện chưa SX được tại Việt Nam.
Ông Chiến cho biết do phải NK cỏ Alfalfa quá tốn kém nên Cty cũng đã từng NK giống cỏ này về trồng thử tại Sơn La, tuy nhiên do không có điều kiện nghiên cứu bài bản nên kết quả không như mong đợi. Trong khi đó đối với nguồn thức ăn thô tại chỗ, việc SX và dự trữ cũng không hề thuận lợi.
Theo đó, mặc dù mùa hè tại Sơn La mưa nhiều, cỏ và ngô phát triển rất tốt, nguồn thức ăn dư giả nhưng lại rất khó chế biến dự trữ do mưa nhiều, nấm mốc, rất khó phơi sấy bảo quản. Trong khi đó vào mùa đông, các loại cỏ đều phát triển rất chậm.
“Theo định hướng quy hoạch đến năm 2020, đàn bò Mộc Châu sẽ lên tới 35 nghìn con, tăng gấp đôi so với hiện nay, và sẽ cần khoảng tương đương trên 7.000 ha đất để trồng cỏ, tuy nhiên quỹ đất chuyên trồng cỏ của Cty hiện chỉ có chưa đầy 1.000 ha.
Vì vậy bên cạnh việc phải tăng diện tích đồng cỏ, cơ quan khoa học cần phải gấp rút nghiên cứu các giống cỏ mới có năng suất, chất lượng cao hơn, nếu nghiên cứu trồng được cỏ Alfalfa thì càng tốt. Bộ giống cỏ phải đa dạng, thích nghi nhiều hơn với các tiểu vùng, bởi các giống cỏ trong nước hiện năng suất, chất lượng còn rất thấp”, ông Chiến đề nghị.
Tại TP.HCM, tình hình tìm kiếm nguồn cỏ cho việc mở rộng đàn bò của Cty Sữa Vinamilk cũng đang rất khó khăn. Theo Cty này, với đàn bò hơn 104 nghìn con (trong đó khoảng 88 nghìn con trong dân và 16 nghìn con nuôi tập trung), diện tích trồng cỏ cần có phải lên tới trên 12 nghìn ha.
Mặc dù thời gian qua, Vinamilk đã có nhiều nỗ lực trong việc liên kết với các vùng vệ tinh xung quanh vùng nuôi bò sữa để ký hợp đồng trồng và thu mua cỏ, tuy nhiên hình thức này lại đang gặp rất nhiều khó khăn do đến vụ thu hoạch, nhiều đơn vị thu mua khác (thường là các đơn vị thu mua thời vụ) cũng lao vào tranh mua cỏ khiến nguồn thức ăn cho bò sữa rất khó khăn.
Đánh giá về tình hình nghiên cứu, chọn tạo các giống cỏ và phát triển nguồn cỏ phục vụ chăn nuôi ở các địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù hiện nay một số đơn vị của Viện Chăn nuôi cũng như một số đơn vị đã có một số giống cỏ như VA06, cỏ voi, cỏ Ghini TD58, Ruzi…, tuy nhiên nhìn chung bộ giống còn rất đơn điệu, năng suất chất lượng còn thấp. Trong khi đó các giống cỏ mới năng suất, chất lượng cao như cao lương, cỏ Alfalfa, kê… của nước ngoài lại chưa được nghiên cứu bài bản để đưa về Việt Nam SX. Các địa phương gần như ít quan tâm quy hoạch quỹ đất cho việc phát triển trồng cỏ…
Trước tình hình này, Cục Trồng trọt đề xuất: Ngay trong năm 2015, trong số diện tích đất lúa chuyển đổi khoảng 260 nghìn ha, sẽ quy hoạch khoảng 13 nghìn ha dành cho trồng cây TĂCN; đến năm 2020 nâng lên 37 nghìn ha trên tổng số 510 nghìn ha đất lúa chuyển đổi (chiếm trên 7% tổng diện tích đất lúa được chuyển đổi).
Related news
Nghề làm “vàng trắng” là cách gọi vui của nhiều người dân chuyên làm tiêu sọ trong tỉnh. Nghề này giúp nhiều người trở nên khá giả, song cũng khiến không ít hộ trắng tay. Thực tế, muốn làm được mẻ tiêu sọ (tiêu trắng) tương đối vất vả.
Từ UBND xã An lạc Tây (Kế Sách - Sóc Trăng) ngồi phà, chúng tôi đặt chân lên vùng đất nằm giữa sông Hậu có cái tên Cồn Cò (thuộc ấp An Tấn, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách). Tại đây, ngoại trừ con đường đi được lót bằng dal thì hầu hết những phần đất trống đều được người dân trồng nhãn.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Tháp Mười có 31 hợp tác xã (HTX), trong đó có đến 30 HTX nông nghiệp và 1 HTX vận tải thủy bộ với tổng số 905 thành viên, vốn điều lệ trên 23 tỷ đồng; bình quân lợi nhuận hàng năm dao động từ 90 - 125 triệu đồng/năm.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu mặt hàng tôm vẫn tăng mạnh và có thể đạt 3 tỷ USD vào cuối năm 2014 nếu như dịch bệnh được kiểm soát và thị trường thuận lợi. Nhưng mặt hàng chiến lược số 1 của thủy sản này cũng có không ít điều để nói.
Sinh vật cảnh hiện nay không chỉ là thú chơi tao nhã chỉ dành cho giới thượng lưu mà đã nhân rộng cho mọi tầng lớp trong xã hội. Ở Đồng Tháp, loại hình nghệ thuật này hiện đang phát triển với sự tham gia ngày càng nhiều của những người yêu nghệ thuật.