Thức ăn cho bò đắt hàng

Theo một số doanh nghiệp (DN) chế biến thức ăn chăn nuôi đại gia súc, không thiếu cơ hội phát triển thị trường cho dòng sản phẩm thức ăn này. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh cũng ngày càng lớn cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
* Có thể bán nội địa
Ông Hồ Sáu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Nông Lâm (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Vài tháng trở lại đây, nhà máy phải hoạt động tăng công suất vì ngoài thị trường xuất khẩu, chúng tôi đã có một số đơn hàng từ các trang trại nuôi bò Úc trong nước.
Tuy các đơn hàng DN cung cấp cho thị trường nội địa chỉ mới bằng khoảng 1/4 sản lượng xuất khẩu, nhưng vẫn là tín hiệu vui cho nhà sản xuất”. Hiện Việt Nông Lâm đang trong giai đoạn củng cố lại nhà máy theo hướng đầu tư thêm máy móc, công nghệ nhằm sản xuất theo hướng công nghiệp với quy mô lớn để đáp ứng được nhu cầu thị trường của dòng sản phẩm còn rất giàu tiềm năng này.
Đồng Nai đã hình thành được những vùng chuyên canh cây bắp với diện tích lớn, điều kiện tự nhiên cũng rất thuận lợi để phát triển vùng cỏ làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi đại gia súc. Theo đó, lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi đại gia súc từ cỏ, cây bắp và các phế phẩm nông nghiệp khác đang thu hút DN quan tâm đầu tư.
Nhiều DN nước ngoài cũng đang tìm hiểu và triển khai một số dự án đầu tư vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến thức ăn đại gia súc từ cỏ và cây bắp, như: dự án hợp tác với DN Hàn Quốc phát triển vùng cỏ nguyên liệu và nhà máy chế biến thức ăn đại gia súc tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Agropark (huyện Xuân Lộc); dự án hợp tác giữa Khu công nghệ cao chuyên ngành sinh học Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ) và DN Nhật Bản phát triển giống cây siêu cao lương...
Hiện Đồng Nai đang trồng thử nghiệm giống cây siêu cao lương tại 2 huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc.
* Tăng sức cạnh tranh
Công ty TNHH Bình Phú, đơn vị đầu tư nhà máy chế biến thức ăn gia súc từ phế phẩm nông nghiệp tại huyện Cẩm Mỹ, hiện đang cung cấp ra thị trường 10 mặt hàng thức ăn chăn nuôi với nguyên liệu chính là cây bắp. DN này đang điều chỉnh lại quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm với những tiêu chuẩn khắt khe hơn theo yêu cầu của khách hàng Nhật Bản.
Đại diện Công ty TNHH Bình Phú chia sẻ: “Áp lực cạnh tranh trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đại gia súc ngày càng lớn. Khó khăn nhất là bị sức ép cạnh tranh về thị trường xuất khẩu từ các nước lân cận, như: Philippines, Indonesia...
Trước đây, chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang Hàn Quốc, thì nay 100% sản lượng đều xuất sang Nhật Bản vì thị trường này ổn định hơn. Đơn vị đang tiếp tục làm việc thêm với nhiều DN Nhật Bản để tăng đơn hàng xuất khẩu vào thị trường này”.
Ông Hồ Sáu cũng cho rằng, ngay tại thị trường nội địa cũng đang diễn ra cuộc chạy đua khá căng thẳng vì ngày càng nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến thức ăn đại gia súc chứ không chỉ có một vài đơn vị như trước. Chính vì vậy, ngoài việc đầu tư cải tiến chất lượng thì sự đa dạng sản phẩm và nguồn nguyên liệu là vấn đề DN phải luôn nghĩ tới.
Theo ông Hồ Sáu, ngoài thức ăn thô, khoảng 1 năm trở lại đây DN đã sản xuất thêm dòng thức ăn tinh với nguyên liệu chính là hạt bắp. Với dòng sản phẩm mới này, DN chủ động hơn về nguồn nguyên liệu với đơn hàng đều đặn quanh năm chứ không mang tính thời vụ như sản xuất thức ăn thô thường tập trung vào mùa thu hoạch bắp như trước.
Ông Hồ Sáu cho biết: “Tôi đang nghiên cứu tìm công thức chế biến thức ăn chăn nuôi từ cây siêu cao lương, một giống mới đang được trồng thử nghiệm tại Đồng Nai. Đây là nguồn nguyên liệu rất tốt trong chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là với con bò sữa. Ngành nuôi bò sữa tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh nên tôi muốn tiếp cận thêm thị trường giàu tiềm năng này”.
Related news

Quy hoạch vùng mía tập trung đến năm 2015, Quảng Ngãi phấn đấu đạt diện tích ổn định khoảng 9.000ha, sản lượng mía cây đạt 600-700 nghìn tấn/năm. Thế nhưng dù từng là vùng đất mía, diện tích QH mía của tỉnh không những không đạt mà còn giảm.
UBND TP.Hội An vừa phê duyệt phương án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015-2020 với tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 3 tỷ đồng, trong đó hơn 1,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, số còn lại từ nguồn xã hội hóa và nguồn đối ứng của người dân.

Chất lượng kém, khiến muối Sa Huỳnh mất khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, cuộc sống của diêm dân cũng lao đao. Dù thực trạng này đã lặp lại nhiều năm nay nhưng đến giờ nó vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, triệt để…

Không dừng lại hành nghề khai thác hải sản bằng tàu vỏ gỗ, mà gần đây ngư dân Quảng Ngãi đã vươn khơi xa với tàu đánh cá vỏ thép, nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ.

Hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa, có năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh cao, vụ đông xuân 2014-2015, UBND huyện Hải Lăng (Quảng Trị) triển khai xây dựng 5 mô hình cánh đồng lớn tại 4 xã với diện tích 123 ha, chỉ đạo áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, sử dụng nhiều loại giống mới mang lại hiệu quả cao.