Lợi Ích Từ Việc Xen Canh Trong Vườn Cao Su
Khi diện tích đất sản xuất ít, nhiều hộ nông dân đã xen canh những loại cây trồng ngắn ngày vừa tăng thêm nguồn thu, vừa có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng chính. Trước đây, nông dân thường chọn xen cây mì vào vườn cao su non nhưng đất ngày càng bạc màu, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng chính. Vì thế, những mô hình mới như xen đu đủ, đậu cô ve vào vườn cao su đang hấp dẫn nhà vườn bởi lợi ích kinh tế mà các loại cây này mang lại.
XEN ĐU ĐỦ, CAO SU NON KHÔNG CẦN BÓN PHÂN
Đó là lời giới thiệu của chủ vườn - ông Văn Quang ở khu phố 5, phường Thác Mơ (TX. Phước Long) khi dẫn chúng tôi thăm vườn đu đủ xen trong cao su được 2,5 năm tuổi. Từ việc trồng xen này, đu đủ cho nhiều trái, cây cao su thì ngày càng xanh tốt vì được hấp thụ chất dinh dưỡng lan sang từ các loại phân bón cho gốc đu đủ.
Với diện tích gần 10 ha cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, không chịu ngồi yên chờ cao su cho thu hoạch, ông Quang luôn mày mò tìm loại cây trồng xen thích hợp. Ông cũng không bỏ qua những lời tham khảo kinh nghiệm thực tế từ mô hình trồng xen bí, đu đủ của các chủ vườn ở thị xã Bình Long. Lựa chọn cuối cùng vừa cho thu nhập từ loại cây trồng xen lại vừa có ích cho loại cây trồng chủ lực chính là cây đu đủ. Đầu năm 2012, ông Quang trồng xen đu đủ đồng loạt trên vườn cao su. Sau 8 tháng dày công chăm bón, giờ đây vườn đu đủ của ông đã cho nhiều trái.
Chỉ tính 2 tháng đầu cây cho bói quả, ông Quang thu về gần 600 triệu đồng. Theo tính toán của ông, nếu chăm bón tốt thì cây đu đủ cho thu hoạch khoảng 3-4 năm, trong đó năm đầu sẽ thu lại tiền đầu tư, còn lãi sẽ được tính từ năm thứ hai trở đi. Bởi chi phí cho vườn đu đủ từ khâu làm hố, bón phân, công trồng, chăm sóc... cũng không ít. Như vậy, dự kiến đợt đầu thu về được hơn 1 tỷ đồng sẽ đủ vốn, còn những năm sau trừ tiền nhân công thu hoạch, làm cỏ, còn lại ông sẽ thu lãi trọn.
Về lợi ích đối với cây cao su, ông Quang nói: Giữa hai hàng cao su trồng xen hai hàng đu đủ, khoảng từ 20 ngày đến 1 tháng thì bón phân cho đu đủ một lần kết hợp tưới nước thường xuyên. Đất được giữ ẩm và bổ sung lượng dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây cao su. Do vậy, gần 1 năm qua, vườn cao su trồng xen của gia đình tôi không phải bón phân mà cây vẫn xanh tốt, giảm được khoản tiền lớn.
XEN ĐẬU CÔ VE, LỢI ÍCH ĐÔI ĐƯỜNG
Thăm giàn đậu cô ve xen trong vườn cao su 3 năm tuổi của anh Hà Quốc Khang ở thôn 2, xã Đức Liễu (Bù Đăng), ai cũng trầm trồ ngợi khen. Những giàn đậu cô ve trĩu quả theo hàng thẳng tắp được tạo bằng thân cây nứa nhỏ. Ở giữa luống hoặc lối đi là khoảng không để từng chùm quả lan ra.
Anh Khang được một công ty ở tỉnh Đồng Nai nhận bao tiêu sản phẩm hạt đậu và cấp giống, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại. Thu nhập chính của vườn đậu cô ve là lấy hạt bán cho công ty, còn số ít bán quả tươi cho thương lái. Đậu cô ve là loại cây ngắn ngày, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch chỉ 3 tháng nên quay vòng vốn nhanh. Mặt khác chi phí đầu tư cho loại cây này ít, với 5 sào thì anh chỉ tốn khoảng 15 triệu đồng. Với hệ thống tưới nước tự động nên cả vườn đậu cô ve 5 sào chỉ do mình anh đảm nhiệm, riêng khâu thu hoạch thì phải thuê nhân công cho kịp thời vụ.
Anh Khang cho biết: Đậu cô ve thích hợp với đất không nhiễm phèn; địa hình hơi dốc để tiện việc thoát nước, tránh ngập lâu ngày. Một điểm lưu ý khi cây đậu trái cần tránh lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó phải thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm từng ổ trứng, ổ sâu non. Bởi theo kinh nghiệm của anh Khang, bắt một ổ sâu bằng phun một bình thuốc bảo vệ thực vật.
Với 5 sào đậu cô ve, anh Khang thu về 2 tấn hạt và hàng trăm kilôgam trái tươi, thu được hơn 80 triệu đồng. Trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 70 triệu đồng, đồng thời vườn cao su trồng xen phát triển rất tốt, không tốn tiền bón phân.
Theo đánh giá của nhiều nhà vườn thì hiện nay, người dân đã nhận ra được tác hại từ việc trồng xen cây mì trong vườn cao su non dẫn đến đất bị bạc màu, khô cằn, chứa nhiều nấm bệnh gây hại, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, hiệu quả của cây cao su. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến diện tích của cây mì trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm mạnh. Thay thế cho cây mì thì cây đu đủ và đậu cô ve đang trở thành sự lựa chọn có ích cả đôi đường bởi vừa tăng thu nhập, đồng thời bổ sung dinh dưỡng cho đất, giúp cây cao su phát triển tốt.
Related news
Đến nay, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã dự kiến quy hoạch 2 khu vực sản xuất trên địa bàn xã Hiệp Hưng và Hòa Mỹ để xây dựng cánh đồng lớn trồng mía trong năm 2016.
Sau khi được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận chủ trương thực hiện chương trình liên kết, hỗ trợ và phát triển cây gấc cho nông dân trên địa bàn tỉnh tại Công văn số 1223/UBND-KTN ngày 25-4-2015.
“Dù biết rau không rõ nguồn gốc nhưng chúng tôi vẫn phải mua ăn, chứ không lẽ chỉ ăn mỗi thịt, cá. Nếu có nguồn rau an toàn, được kiểm định rõ ràng, tôi vẫn chấp nhận mua giá cao hơn để bảo vệ sức khỏe gia đình mình” – chị Nguyễn Thiên Thanh chia sẻ.
Cứ mãi luẩn quẩn với điệp khúc “trồng-chặt” do ảnh hưởng của giá cả và tình hình sâu bệnh trên cây ăn trái, sau khi chuyển đổi gần 01ha nhãn do bệnh chổi rồng để trồng cây bưởi, nhưng khi cây cho trái thì xuất hiện bệnh sâu đục trái và bệnh vàng lá trên cây có múi.
Nhằm đa dạng cơ cấu cây trồng, người dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đưa những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thành vùng tập trung, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho vùng đất đồi.