Thừa Thiên Huế Khai Hội Thanh Trà 2014
Khi trống hội chưa vang, các gian hàng thanh trà, bưởi đã hút một lượng khách lớn tham dự.
Sáng nay (30/8), phường Thủy Biều (Thừa Thiên Huế) tổ chức lễ hội thanh trà lần IV-2014, thu hút hàng trăm lượt khách đến tham dự và mua sản phẩm. Chị Phan Thanh Lê, ở đường Hồ Đắc Di (Huế) chọn mua hơn 10 quả thanh trà và 5 quả bưởi.
“Năm nay tuy giá thanh trà có cao hơn lần trước 5.000 đồng/kg, tương ứng với 40.000 đồng/kg nhưng bù lại chất lượng tốt, ngon, ngọt và thơm hơn. Đi xe máy chỉ chở được chừng này chứ có ô tô chắc tôi còn mua nhiều nữa”, chị Lê vui vẻ nói.
Tại gian hàng của gia đình ông Nguyễn Thuận Tàu, ở tổ 11, phường Thủy Biều lượng khách tham qua, mua thanh trà bưởi đông nghịt. Chị Trần Thị Lệ Phương (vợ ông Tàu) vừa tươi cười giới thiệu, vừa nhắc nhở con gái bán hàng ân cần niềm nở.
Nhờ thái độ thân thiện, vui vẻ nên gian hàng của gia đình chị bán được số lượng khá lớn thanh trà, bưởi, với gần 100kg trong vòng 30 phút. Chị Lệ Phương cho hay, lễ hội lần trước chị bán toàn bộ số lượng thanh trà, bưởi hơn 500kg chỉ trong vòng một ngày.
Gia đình đạt giải nhì hội thi trái thanh trà ngon mùa trước Trần Văn Cường và Hoàng Thị Lệ Thanh cho hay, những trái thanh trà đang trưng bày và bán ở lễ hội đã được gia đình tuyển chọn từ những cây thanh trà gốc, không ghép cành. Thanh trà gốc ngọt thanh, dịu, độ đường cao và mùi thơm đặc trưng còn thanh trà ghép to, nhanh cho quả nhưng chất lượng không đều. Nhờ giữ được những gốc, cùi thanh trà lâu năm, nên năm nào thanh trà của gia đình chị cũng được khách hàng, bạn bè đặt mua từ rất sớm.
Lễ hội thanh trà năm nay, ngoài đặc sản thanh trà truyền thống, lần đầu tiên phường Thủy Biều giới thiệu tới du khách 10 món ngon được chế biến từ thanh trà, như: bánh canh thanh trà, thanh trà rim, chè thanh trà, súp thanh trà, nem rán thanh trà... do các đầu bếp đến từ các trường dạy nghề và một số chuyên gia ẩm thực thực hiện. Sau khi được ban tổ chức giới thiệu, vừa kết thúc phần khai mạc, nhiều đại biểu, du khách đã đến các quầy ẩm thực để thưởng thức những món ăn ngon từ thanh trà, nhất là các món mới, lạ.
Theo HTX NN Thủy Biều, nắm được nhu cầu của người dân địa phương và du khách, ngoài 16 hộ gia đình được chọn trưng bày với mỗi gian hàng có ít nhất 500 quả thanh trà chất lượng tốt, trọng lượng thấp nhất phải đạt 0,65kg/quả để giới thiệu và bán sản phẩm, HTX cũng vận động những người trồng thanh trà để dành quả ngon cung ứng cho thị trường.
Năm nay lễ hội thanh trà diễn ra vào dịp nghỉ lễ 2/9 nên khách tham dự không chỉ gói gọn trong tỉnh mà còn có khách trong nước và quốc tế. Đây chính là cơ hội quảng bá tốt cho thanh trà Thủy Biều. Nguyện vọng, mong mỏi chung của người trồng thanh trà Thủy Biều cũng như thanh trà Huế nói chung là ngày càng có nhiều người biết đến thương hiệu “Thanh trà Huế” đã được công nhận, nhằm đạt đích đến xa hơn là đưa thanh trà Huế xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra từ 30 đến 31/8, nhiều hoạt động hấp dẫn, lý thú và bổ ích cũng được diễn ra, như: hội thi trái thanh trà ngon, tiếng hót chim chào mào, biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ẩm thực Thủy Biều và món ngon xứ Huế, khen thưởng học sinh đỗ vào các trường đại học 2014 và nhiều hội thảo, hội nghị như: “Thanh trà Huế-Hướng đến người tiêu dùng”; Mô hình điểm các trang thông tin điện tử phường xã toàn tỉnh...
Related news
Năm 2013, toàn tỉnh Nam Định có 486ha nuôi tôm chân trắng, tăng 188ha so với năm 2012, hình thành nhiều vùng nuôi tập trung tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Các vùng nuôi cơ bản đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Phát biểu tại buổi làm việc với Đảng uỷ và UBND xã Gung Ré (huyện Di Linh - Lâm Đồng) mới đây, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh đã cải tạo vườn cà phê (ghép chồi hoặc trồng tái canh) bằng các giống cà phê đầu dòng được 18.000 ha. Đây là một “tín hiệu” rất đáng mừng. Bảo Lâm là địa phương đi đầu, có phong trào cải tạo vườn cà phê khá nhất. Di Linh và các địa phương khác cần học kinh nghiệm của Bảo Lâm để từng bước nâng cao hiệu quả canh tác cà phê.
Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài kéo theo nhu cầu tiêu thụ chanh làm nước giải khát gia tăng. Chính vì vậy, hiện giá chanh cũng tăng vọt theo sự biến động của thị trường và có xu hướng tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Đây là cây cứu cánh của người dân nơi đây. Người tiên phong trồng khoai sáp là ông Nguyễn Văn Thơm. Từ năm 2004 ông chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai, năm nào cũng cho năng suất ổn định từ 1,5 - 1,7 tấn/sào, sau khi trừ chi phí lãi từ 7 - 10 triệu đ/sào.
Hiện nay đang vào mùa khô nên giá các loại thủy sản nuôi như cá điêu hồng, cá lóc, cá chình, cá heo và lươn… ở ĐBSCL đang tăng mạnh và tiêu thụ tốt. Mặt hàng hải sản cũng khán hiếm khiến nhiều nhà máy chế biến không đủ nguyên liệu phải chạy cầm chừng.