Thừa Thiên Huế Được mùa cá Nam
Ngư dân vui
Chuyến biển vừa qua, tàu của ngư dân Nguyễn Luân ở thôn Hiền An 2, xã Vinh Hiền (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) trúng đậm mẻ cá thiều đến 70 tấn. Tất cả thuyền viên đều bất ngờ, vì đã lâu mới có chuyến đánh bắt chỉ cách bờ biển Vinh Hiền hơn 10 hải lý, thả lưới trong vòng ba ngày lại trúng mẻ cá thiều cỡ lớn, bình quân mỗi con từ 3 - 7kg. Một lúc không thể chở 70 tấn cá vào bờ, ông Luân phải nhờ đến các tàu cùng chi hội, các thuyền viên vận chuyển đến 3 đợt mới đưa hết cá vào bờ. Cá thiều là loại có giá trị kinh tế cao với giá bán tại chỗ bình quân gần 60 ngàn đồng/kg, toàn bộ mẻ cá bán được gần 4 tỷ đồng; trừ các khoản chi phí, trả công thuyền viên còn lãi hơn 3,5 tỷ đồng. Có được mẻ cá lớn này là nhờ ông Luân vừa mới đầu tư trên 1 tỷ đồng mua sắm, nâng cấp hệ thống lưới vây rút chì khá hiện đại, phù hợp với ngư trường xa bờ. Sau mẻ cá thiều, tàu của ông Luân tiếp tục trúng các mẻ cá nục, cá ngừ… trị giá hàng trăm triệu đồng, lãi trên dưới 100 triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Văn Hòa ở thị trấn Thuận An cũng không giấu niềm vui trước những chuyến biển liên tiếp thắng lợi. Chiếc tàu công suất 430 CV của ngư dân này vừa đóng mới bằng nguồn vốn tự có và vay thêm ngân với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng. Từ lúc hạ thủy, ông Hòa quyết định xuất hành ngay chuyến biển đầu tiên kéo dài gần 10 ngày và trúng đậm mẻ cá nục, cá hố… trị giá trên 300 triệu đồng. Ngoài đóng mới chiếc tàu, ngư dân Nguyễn Văn Hòa còn nâng cấp ngư lưới cụ nhằm phù hợp với ngư trường xa bờ, có thể vươn đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa để đánh bắt. Từ đầu vụ cá Nam đến nay, chiếc tàu đóng mới này đã có chừng 10 chuyến biển, thu về khoảng 3 tỷ đồng. Trở về từ chuyến đánh bắt dài ngày cách đây một tuần, ông Nguyễn Văn Hòa hồ hởi: “Chuyến này cũng được trên 300 triệu đồng, sau khi chia cho các thuyền viên mỗi người 7 - 8 triệu đồng và trừ chi phí xăng dầu còn lãi trên 100 triệu đồng. Nếu cứ tiếp tục trúng đậm như thế này thì vụ cá Nam chắc chắn ngư dân sẽ lãi cao, không lo việc trả nợ”.
Phần lớn các tàu đều có lãi
Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy tỉnh đánh giá vụ cá Nam năm nay là khá thành công. Đến nay, ngành chức năng, chính quyền địa phương vẫn chưa thống kê cụ thể sản lượng khai thác vụ cá Nam, nhưng qua kiểm tra bước đầu cho thấy phần lớn các tàu đánh bắt xa bờ đều có hiệu quả. Hầu hết các chuyến biển của các tàu đều thu về từ vài tấn đến vài chục tấn hải sản, trị giá hàng trăm triệu đồng. Có tàu trúng đậm thu từ 500 triệu đến cả tỷ đồng. Riêng trường hợp chuyến biển của ông Nguyễn Luân ở thôn Hiền An 2, xã Vinh Hiền thu về 4 tỷ đồng là ngoại lệ và khá hiếm.
Mấy năm gần đây, số tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh tăng lên hằng năm, bình quân từ 10 - 15%, nhất là kể từ khi triển khai Nghị định 67 của Chính phủ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 285 tàu đánh bắt xa bờ có công suất 90CV trở lên, trong đó một số tàu đóng mới theo Nghị định 67. Các địa phương thành lập 74 chi hội nghề cá, hình thành hệ thống quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng, bảo vệ ngư trường... Cùng với cải hoán, nâng cấp, đóng mới tàu công suất lớn, ngư dân còn đầu tư nâng cấp, mua sắm mới ngư cụ hiện đại để đánh bắt dài ngày và hiệu quả hơn. Từ khi số tàu công suất lớn tăng cao thì hiệu quả đánh bắt cũng tăng lên rõ rệt. Một số hộ “trong tay” có đến 2 - 3 chiếc tàu công suất lớn, mỗi năm thu lãi trên dưới tỷ đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình cho biết thêm, bên cạnh tàu đánh bắt xa bờ, trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 chiếc ghe thuyền công suất nhỏ, khai thác gần bờ cũng đánh bắt mang về một sản lượng hải sản đáng kể. Tính riêng đầu vụ cá Nam (từ tháng 4-2015) đến nay, nhiều ghe thuyền ở các xã bãi ngang đánh bắt khá hiệu quả, có lãi. Tại các xã Vinh Thanh (Phú Vang), Phong Hải, Điền Hòa (Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)… nhiều ngư dân trúng đậm cá trích, nục, cá khoai, bán được hàng chục triệu đồng… Nếu thời tiết tương đối thuận lợi, hứa hẹn ngư dân đánh bắt hải sản còn mang lại hiệu quả cao hơn nữa.
Không chỉ có nghề vây rút chì, giã cào, lưới mành… các ngư dân còn tận dụng thời gian thả lưới đánh bắt để câu cá ngừ, mực. Sản lượng hải sản do các thuyền viên câu được cũng tương đối khá và các chủ tàu đều cho họ hưởng để động viên bám biển, cải thiện đời sống.
“Khai thác hải sản được xác định có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo. Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm đầu tư phát triển kinh tế biển, đánh bắt xa bờ, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, an sinh xã hội của tỉnh. Năm 2014, tổng giá trị khai thác thủy sản đạt 1.460 tỷ đồng, chiếm hơn 17% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng, giá trị đánh bắt hải sản đạt khoảng 104,5% so với cùng kỳ năm trước…”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá.
Related news
Vụ lúa xuân 2013-2014, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Hải Phòng xây dựng 6 mô hình sản xuất lúa VietGap và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 160 ha tại các xã: An Tiến (huyện An Lão), Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên), Cộng Hiền (huyện Vĩnh Bảo), Tiên Hưng (huyện Tiên Lãng), Cao Minh (huyện Vĩnh Bảo) và Đông Phương (huyện Kiến Thụy).
Ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, Đà Lạt cho rằng: Vì 2 năm trở lại đây giá Atiso tăng cao nên bà con quay lại trồng Atiso rất nhiều, diện tích Atiso tại phường 12 khoảng 45ha, tăng 5ha. Sản lượng Atiso cung cấp ra thị trường tăng nên giá giảm đi.
Với vẻ mặt đầy phấn khởi, anh Tuân cho biết: "Từ nay đến thời điểm thu hoạch rộ măng cụt, tôi còn thu được từ 900kg đến 1 tấn nữa và chỉ cần giá bán từ 15.000 tới 20.000 đồng/kg tôi sẽ có mức lãi 80 – 90 triệu đồng."
Khi màn sương còn giăng trên các sườn núi, ánh mặt trời còn khuất sau những mái lá thì nhiều nhà vườn đã tất bật chở những giỏ dâu chín mọng vừa hái xuống tận chân núi Cấm (Tịnh Biên - An Giang) để giao cho các chủ vựa. Đó là một ngày bận rộn của người dân nơi đây khi mùa dâu về trên xứ núi.
Đã 10 ngày nay, tại cửa khẩu Tân Thanh, không có lô hàng hoa quả nào nhập vào Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật vùng 7 cho biết.