Thu nhập cao nhờ măng tây xanh
Dễ trồng, giá trị kinh tế cao
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thái Tạ Đình Căn cho biết, đầu năm 2013, xã được huyện tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng măng tây xanh cho các hội viên nông dân. Dù được hỗ trợ về kỹ thuật, song nhiều người vẫn e dè, lo ngại giống cây này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng đất canh tác cũng như hiệu quả về kinh tế. Vì vậy, đội ngũ cán bộ xã chính là những người tiên phong trồng thí điểm để bà con tin tưởng làm theo. Hiện tại, 7 sào măng tây của gia đình ông Căn cho thu hoạch 14 kg/ngày với giá thị trường gần 2 triệu đồng.
So với trồng lúa và các loại cây hoa màu khác, hiệu quả kinh tế từ măng tây xanh mang lại cao hơn gấp nhiều lần. Điển hình như gia đình chị Phạm Thị Điệu, thôn Duyên Yết - một trong số những hộ tiên phong trong việc trồng măng tây xanh và có thu nhập cao nhất xã từ loại cây trồng mới này. Năm 2013, nhờ được vay vốn 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân TP, chị Điệu đã mạnh dạn đưa cây măng tây xanh vào trồng với diện tích hơn 1ha. Hiện nay, mỗi ngày, chị Điệu thu hái được trung bình từ 60 – 70kg măng, với giá bán bình quân từ 80.000 – 100.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, chị thu lãi khoảng 3 triệu đồng.
Là cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao nhưng măng tây xanh khá dễ tính trong kỹ thuật trồng và chăm sóc. Sau thời gian ươm hạt giống trong bầu khoảng 3 tháng là có thể mang ra vườn trồng. Măng tây xanh sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong điều kiện được cung cấp đủ nước tưới vào mùa nắng và thoát nước vào mùa mưa. Sau 6 tháng trồng là có thể thu hoạch với năng suất trung bình đạt 2 kg/sào/ngày. Với giá bán trung bình 80.000 – 100.000 đồng/kg như hiện nay, cây măng tây xanh đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người nông dân Hồng Thái. Ưu điểm lớn nhất của măng tây xanh là một lần trồng có thể cho thu hoạch trong 10 năm và tuyệt đối không cần đến thuốc bảo vệ thực vật.
Trăn trở mở rộng diện tích
Măng tây xanh được các chuyên gia nông nghiệp đánh giá là loại cây trồng đa chức năng, có thể dùng làm thức ăn, làm dược phẩm, mỹ phẩm... Có lẽ chính vì vậy mà sản phẩm măng tây xanh Hồng Thái được người tiêu dùng ưa chuộng bởi sạch và giá trị dinh dưỡng cao. Hiện nay, sản lượng măng thu hoạch từ hơn 2ha của xã chỉ đủ cung cấp cho các nhà hàng trong vùng. Một phần sản phẩm được các khách hàng quen biết mua nhỏ lẻ từ 5 – 10kg rồi mang bán cho các hộ gia đình ở trung tâm TP. "Cứ đến cuối tuần là lại "cháy" hàng vì không có đủ số lượng măng để bán theo yêu cầu của khách. Còn những ngày trong tuần, măng tiêu thụ chậm hơn thì có thể bảo quản lạnh đến một tuần" – ông Căn cho biết.
Một năm, măng tây xanh cho thu hoạch suốt 9 tháng và chỉ mất 3 tháng (từ tháng 11 đến hết tháng 1 năm sau) là thời gian cây "nghỉ đông" hồi sức. Thời gian đầu, các hộ trồng cũng gặp không ít khó khăn bởi giá cây giống cao (15.000 đồng/cây giống), chi phí để trồng 1 sào măng tây xanh lên đến 30 triệu đồng. Mặt khác, nếu không tuân thủ các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, cây dễ mắc bệnh khiến bị héo, nhũn đầu măng, thậm chí làm chết cây.
Hiệu quả kinh tế từ măng tây xanh mang lại đã rõ ràng nhưng người dân nơi đây vẫn chưa dám mở rộng diện tích. Nguyên nhân là bởi măng tây xanh vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến, chưa được bán rộng rãi trên thị trường. Vì vậy, người dân Hồng Thái mong muốn được TP, huyện hỗ trợ việc xây dựng nhãn hiệu và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm măng tây xanh. Đặc biệt, hỗ trợ về nguồn vốn để nông dân đầu tư mở rộng diện tích, phát triển bền vững mô hình măng tây xanh. Đây chính là tiền đề quan trọng để Hồng Thái đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Related news
Dự án được thực hiện trong vòng 3 năm (2012-2014), với diện tích 2ha, do 30 hộ dân ở các xã: Quyết Thắng, Cao Ngạn và Lương sơn tham gia. Các hộ tham gia Dự án được hỗ trợ 60% giá giống, 40% giá vật tư, phân bón, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Ngày 30/9, tin từ Bộ NN-PTNT cho biết Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có ý kiến thống nhất với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi.
Khởi đầu từ một cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ, trang thiết bị thô sơ, đội ngũ lao động chỉ vài chục người, trải qua nhiều khó khăn, đến nay, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thủy sản Đắc Lộc đã khẳng định thương hiệu của mình. Hiện sản phẩm tôm giống của doanh nghiệp này được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là tiền đề để DNTN Thủy sản Đắc Lộc hội nhập quốc tế.
Theo các cơ quan hữu quan, vào thời điểm giữa tháng 9/2014, giá tôm sú giảm 8.000 đồng/kg xuống mức 248.000 đồng/kg (20 con/kg); giá tôm thẻ tăng 2.000 đồng/kg lên mức 133.000 đồng/kg (60 con/kg)... với giá này, nông dân vẫn có lợi nhuận.
Hiện Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang lấy ý kiến cho dự thảo Đề án Quản lý hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ khu vực ĐBSCL. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), về những nội dung của đề án.