Thử Nghiệm Với Những Loại Nấm Mới
Tại Đồng Tháp, sản phẩm nấm chủ lực là nấm rơm. Nhiều năm qua, nấm rơm đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, giúp nông dân tăng thu nhập. Với nhu cầu hiện tại của thị trường đối với các sản phẩm nấm mới (nấm bào ngư, nấm linh chi), hiện nhiều nông dân tiến tới trồng thử nghiệm các chủng loại này, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Trong năm 2010, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã hỗ trợ chuyển giao nghề trồng, chăm sóc nấm bào ngư và nấm linh chi cho các địa phương: Hồng Ngự, Tam Nông, Tháp Mười, thành phố Cao Lãnh...
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, bước đầu mô hình này mang lại nhiều hiệu quả, với 1.000m2 trồng khoảng 4.000 - 5.000 bịch phôi, trong 3 tháng cho lợi nhuận khoảng 15 - 20 triệu đồng. Đây được xem là nguồn thu nhập khá cao cho người nông dân, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị.
Anh Nguyễn Văn Bắt ở xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh bắt đầu trồng nấm bào ngư từ năm 2010 đến nay cho hay: “Trồng nấm bào ngư không quá khó, tuy nhiên việc chăm sóc là công đoạn quan trọng nhất nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng khi thu hoạch. Với 1.000 phôi nấm bào ngư có thể thu hoạch trên 500kg, với giá bán khoảng 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận thu về trên 4 triệu đồng”.
Riêng đối với mô hình trồng nấm linh chi cũng có nhiều kết quả tích cực. Chị Lê Thị Thủy - xã An Bình A, thị xã Hồng Ngự được Trạm Khuyến nông hỗ trợ 4.000 bịch phôi nấm trồng thử nghiệm. Trong 6 tháng thực hiện, với 2 lần thu hoạch, chị Thủy tính toán, trừ tất cả chi phí, lợi nhuận trên 12 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hiện nay, do đây là những chủng loại nấm mới chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến, nông dân chủ yếu bán trực tiếp ở các chợ và thương lái, nên cần phải có thời gian để thị trường tiếp nhận sản phẩm. Vì thế, cần có chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, quảng bá, tạo thương hiệu để sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng tốt hơn.
Do thị trường sản phẩm mới còn hẹp, trong khi nhiều người trồng một loại sẽ mất cân đối cung cầu, dẫn đến việc bị ép giá. Anh Bắt lo lắng: “Đây là vấn đề mà tôi đang trăn trở, với thị trường nhỏ mà bán cùng thời điểm sẽ diễn ra việc cạnh tranh không lành mạnh, cuối cùng chịu thiệt vẫn là người trồng.
Nếu có thể, nên có sự liên kết sản xuất trong việc trồng nấm, nhằm nắm bắt nhu cầu tiêu dùng để cung cấp nguồn sản phẩm tương ứng. Từ đó, giúp người nông dân quyết định giá trên chính sản phẩm của mình. Đồng thời, hy vọng các ngành hữu quan hỗ trợ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm”.
Mặc dù nguồn lợi kinh tế mang lại khá tốt, phù hợp cho nền nông nghiệp đô thị, nhưng chi phí đầu tư cho mô hình hiện vẫn khá lớn nên nông dân trồng nấm còn dè dặt. Ông Nguyễn Huấn - Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự cho hay: “Nhiều hộ được hỗ trợ phôi để thực hiện mô hình trình diễn thì tiếp tục trồng.
Tuy nhiên, khi chương trình kết thúc người dân cũng không mạnh dạn đầu tư thực hiện vì chi phí phục vụ sản xuất nấm linh chi rất lớn. Trong khi đó, đây là sản phẩm mới, chưa có thương hiệu nên chủ yếu bán tại địa phương, giá cả cũng không cao như những sản phẩm cùng loại đã có thương hiệu”...
Related news
"Khi Trung Quốc ngừng thu mua chắc chắn doanh nghiệp sẽ chết 100%, vì nếu không bị lệ thuộc cũng rơi vào tình trạng bị ép giá không có lãi"- Bầu Đức nói.
Gia đình anh Dương Văn Hòa ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung thu hoạch lúa xong lấy rơm ủ lấy nấm. Anh Hòa cho biết, vào thời điểm này, diện tích đất thu hẹp do lũ nên có rất ít người trồng nấm. Nhờ đó, nấm rơm bán được giá khá cao, từ 28.000-30.000 đồng/kg.
Sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm 2014 ước đạt 43.746 tấn, tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2013 (khai thác 22.705 tấn, tăng 6,52%; nuôi trồng 21.041 tấn, tăng 7,79%). Các cơ sở sản xuất, dịch vụ giống thủy sản đã sản xuất trên 170 triệu giống thủy sản và dịch vụ 120 triệu giống thủy sản.
Toàn tỉnh hiện còn gần 3.000ha lúa hè thu chưa thu hoạch và gần 30.000ha lúa thu đông đã xuống giống. Do đang vào cao điểm của mùa lũ nên nhiều diện tích lúa của tỉnh đang có nguy cơ thiệt hại. Hiện nay, nỗ lực bảo vệ lúa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương.
Trước đây phong trào nuôi sò huyết ở ấp Xẻo Lá A (xã Tân Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) chỉ mang tính nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất không cao, do dịch bệnh thường xuyên xảy ra.