Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Dê

Trước đây, đời sống của gia đình anh Trần Văn Lợi, ở làng Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh - Bình Định) rất khó khăn. Năm 2003, anh vay vốn mua 5 con dê, trị giá 10 triệu đồng về nuôi thử, một năm sau 4 con dê cái đẻ 16 dê con (một năm dê đẻ hai lứa, mỗi lứa hai con). Anh nghĩ, nếu nuôi khoảng 3-4 năm sau sẽ có một bầy dê để vừa bán dê thịt, vừa bán dê giống. Không như anh mong muốn, năm 2005, đàn dê bị bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bầy dê con chết hết, chỉ còn lại mấy con dê lớn. Không nản lòng, anh tiếp tục đầu tư làm chuồng trại, mua thuốc phun khử trùng, nghiên cứu sách, báo kỹ thuật nuôi dê theo mô hình ở miền xuôi, và đã thành công.
Năm 2008, phong trào nuôi dê được bà con ở địa phương hưởng ứng nhiều, anh bán 16 con dê giống được 70 triệu đồng và tiếp tục mua thêm 5 con dê bách thảo về nuôi. Giống dê này nhanh lớn, thời gian nuôi ít hơn. Năm 2009, anh bán 20 con dê giống được 150 triệu đồng, một phần trả nợ ngân hàng, một phần anh đầu tư trồng rừng (rừng keo của gia đình anh hiện nay được 14 ha). Hiện bầy dê của anh có 90 con, trị giá hơn 100 triệu đồng.
Không những làm giàu cho bản thân, anh Lợi còn vận động bà con trong làng chăn nuôi dê để thoát nghèo. Anh hỗ trợ dê giống cho bà con và chịu trách nhiệm khâu tiêu thụ sản phẩm theo giá thị trường hiện nay. Anh Đoàn Văn Tuấn, một người chăn nuôi dê ở làng Hà Lũy, xã Canh Thuận cho biết: “Anh Lợi là người rất nhiệt tình, anh giúp đỡ tôi tận tình trong khâu chọn con giống tốt, hướng dẫn tôi cách phòng bệnh cho dê và cách làm chuồng trại đúng kỹ thuật…”.
Theo anh Lợi, việc chăn nuôi dê không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải cố gắng tìm hiểu và nắm vững kỹ thuật nuôi, theo dõi dê hàng ngày; không nên chăn thả dê khỏi chuồng sớm quá trong ngày, dê dễ mắc bệnh tiêu chảy. Dê con từ một tuần đến ba tuần tuổi không nên thả theo bầy dễ bị lạc. Bà con cũng lưu ý là nên tránh đàn dê ra xa đàn chó. Anh Lợi cho biết sẽ phát triển đàn dê lên khoảng 300 con.
Related news

Thời gian qua, việc mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng không chỉ làm đa dạng mô hình sản xuất mà nó còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long.

Những ngày biển động, khi nhiều tàu đánh bắt nằm im gối bờ thì tàu đánh bắt cá chuồn, cá mập của ngư dân Nghĩa An (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) bắt đầu vào "mùa làm ăn". Công việc nguy hiểm, thời tiết không được thuận lợi, nhưng bù lại cho những nhọc nhằn là phiên biển "trúng đậm".

Bên cạnh mô hình luân canh tôm – lúa ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã khẳng định tính hiệu quả của vùng canh tác bền vững, thì mô hình luân canh tôm nước lợ với tôm càng xanh đã cho nông dân nguồn thu nhập đáng kể.

Cứ mỗi độ tháng 7 âm lịch, người dân các xã Đức Phong, Đức Minh (Mộ Đức - Quảng Ngãi) và Bình Hải, Bình Phú, Bình Hòa (Bình Sơn) lại bước vào vụ trồng nén. Năm nay do mưa lũ lớn nên giá củ nén tăng cao, giúp nông dân có thêm thu nhập.

Từ lâu, rau má trở thành cây trồng giúp người dân Quảng Thọ (Thừa Thiên Huế) thoát nghèo. Giờ đây, khi dự án “Sản xuất rau an toàn theo hướng Vietgap” được triển khai với hướng xây dựng “trà rau má” tiếp tục mở ra hướng đi mới cho kinh tế của địa phương này.