Thoát Nghèo Nhờ Chuối Ngự
Xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) được xem là “thủ phủ” của cây chuối ngự. Vài năm gần đây, cây chuối ngự được coi là cây “xóa đói giảm nghèo” của người dân ở địa phương.
Trong ký ức của người dân, Hành Tín Đông là một trong những vùng đất nghèo khó bởi những tàn phá khốc liệt của chiến tranh cùng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Giờ đây, vùng đất này đã thật sự thay da đổi thịt. Trong những thành quả đó, cây chuối ngự có sự góp sức quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân.
Cách đây dăm bảy năm, tình cờ, ông Nguyễn Thanh Sương, một lão nông ở thôn Nguyên Hòa đưa giống chuối ngự này về trồng thử. Chính sự tình cờ này lại là cơ duyên cho giống chuối ngự bén duyên ở vùng đất này.
Chuối ngự
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Châu, một nông dân trồng nhiều chuối ngự ở thôn Nguyên Hòa phấn khởi cho hay: “Chuối ngự thường trổ buồng 6-7 nải, với giá bán tại vườn là 20.000 đồng/nải thì mỗi buồng cũng được 120.000-140.000 đồng. Gia đình tôi trồng hơn 1 sào, một tháng chặt bán 2 lần vào ngày rằm và mùng 1, thu về từ 2 đến 3 triệu đồng, một năm kiếm trên 20 triệu đồng”.
Theo lão nông Nguyễn Tấn Phượng, chuối ngự có ba cái nhất: Giá bán cao nhất, thời gian sinh trưởng ngắn nhất và đẻ con cũng nhanh nhất. Nếu như chuối lùn, từ lúc trổ buồng đến thu hoạch từ 90-100 ngày thì chuối ngự chỉ mất 45 -50 ngày nên thời gian gối đầu rất nhanh. Bởi vậy, mà ông Phượng ví von: “Trồng vài sào chuối ngự là xóa đói, giảm nghèo nhanh thôi”.
Loại cây trồng này rất ưa đất phù sa ven sông, giàu chất dinh dưỡng, có đủ độ ẩm, đất thịt có pha sét, dễ thoát nước. Những điều kiện cần và đủ để chuối ngự phát triển thì vùng đất này có thừa.
Chuối ngự là loài quả có giá cao nhất trong các loại chuối. Song, giống chuối này có một nhược điểm là thân cao và giòn nên gặp gió lớn dễ bị gãy. Ðể ngăn ngừa gãy đổ, khi cây trổ buồng, bà con thường rong bớt lá và dùng tre buộc hình chữ x để chống những cây chuối cao, mang buồng chuối lớn.
Thông thường, người trồng chuối cũng cắt bỏ hoa đực chỉ để lại 7 nải/buồng tối đa. Khi chuối trổ buồng, người trồng chuối cẩn thận lấy những tấm áo cũ trùm lên buồng để tránh cho khỏi sương sa nắng gắt.
Khi chuối trổ buồng được 45 ngày, da quả chuối có hiện tượng lấm tấm, ngay lập tức, người trồng chuối hạ xuống bán cho thương lái để ủ, nếu để quá trên cây sẽ bị nứt vỏ. Chuối ngự quả nhỏ, vỏ mỏng, nuột nà, chuối chín ruột vàng ươm, ăn vào ngọt dịu, thơm nức mũi.
Với đặc tính nổi trội của mình, dù chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng rất nhiều thương lái đã đến các vườn chuối để đặt tiền cọc, bao tiêu sản phẩm. Đây là loại được người tiêu dùng rất ưa chuộng và bán chạy nhất.
Thấy hiệu quả, người người, nhà nhà trồng chuối. Chuối được trồng khắp ruộng vườn, đồi. Vườn chuối nọ nối tiếp vườn chuối kia. Không chỉ thu lời từ chuối ăn mà chuối con cũng mang về thu nhập đáng kể cho bà con nông dân. Một cây con giống được bán với giá 5.000 đồng. Nhờ nó mà kinh tế của người dân khá dần, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá như hộ anh Ngô Ðương, Lê Xuân Hòa…
Bởi thế về Hành Tín Đông hôm nay, bên những ruộng bắp, ruộng khoai, màu xanh mượt còn có những vườn chuối ngự sai quả. Những con đường bê tông, ngôi nhà khang trang ẩn hiện trong các vườn chuối ngự trĩu nặng. Năng suất, sản lượng ngày càng cao nên bà con mạnh dạn mở rộng diện tích. Có thể nói, Hành Tín Đông là nơi trồng chuối ngự nhiều nhất tỉnh.
Related news
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến 15/5/2015, tổng giá trị xuất khẩu (XK) cá tra đạt 544,8 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 4/6/2015, những quả vải thiều Việt Nam đầu tiên đã hiện diện trên thị trường Pháp. Chỉ sau 3 ngày, 500kg vải thiều đã được tiêu thụ hết tại Thủ đô Paris và vùng ngoại ô Ivry sur Seine.
Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, XĐGN là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội; những năm qua, Hội LHPN huyện Vị Xuyên luôn vận động chị em hội viên hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển KT – XH ở địa phương.
Trước sự thay đổi lớn do hội nhập cùng thị trường thế giới, để hàng hóa Việt Nam có thế đứng bền vững, nhiều ý kiến cho rằng phải sử dụng các rào cản với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Dựa trên lợi thế về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng và nguồn lực nông dân cần cù chịu khó, huyện Phụng Hiệp đã và đang quan tâm phát triển vườn cây ăn trái theo hướng bền vững, tăng năng suất, chất lượng. Theo đó, cây cam xoàn đã được huyện chọn để tập trung phát triển, nâng cao thu nhập cho địa phương.