Thiếu Sân Phơi, Lò Sấy Lúa
Việc thu hoạch lúa của bà con đang gặp nhiều khó khăn do mưa nhiều, thiếu sân phơi, lò sấy nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch cũng như giá lúa.
Mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ, gặp phải mưa nhiều, đa số lò sấy quá tải, muốn sấy được lúa phải đợi nhiều ngày mới đến lượt, trong khi đó lúa đã ướt, không được phơi, sấy kịp thời nên nảy mầm. Trước tình thế này, người dân không còn cách nào khác buộc phải bán lúa tươi với giá thấp.
Bà Trần Thị Mỹ ngụ ấp 4 (xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy) cho biết: “Lúa đổ hết, không thu hoạch được bằng máy nên buộc phải cắt bằng tay. Vận chuyển đến lò sấy thì càng khó vì nhà ở xa, không có phương tiện nên tôi chấp nhận bán lúa tươi với giá 3.700 đ/kg, thấp hơn nhiều so với lúa khô”.
Ông Nguyễn Tấn Đạt ở ấp 1 (xã Vĩnh Trung) vừa cắt xong 0,7 ha lúa, cũng phải bán lúa ngay tại ruộng vì không có điều kiện phơi sấy. Với giá 3.600 đ/kg, tính ra 0,7 ha lúa ông chỉ lãi khoảng 3 triệu đ.
Ông Đạt cho biết: “Mới tuần trước thương lái đặt cọc 4.700 đ/kg, máy gặt đập liên hợp cũng đã hẹn ngày cắt. Ai dè mưa quá, chờ hoài sợ lên mộng nên phải cắt tay. Đi hỏi thăm thì mấy lò sấy đã đầy hết lúa, muốn sấy thì phải chờ thêm mấy ngày mới đến lượt, sợ lúa hư nên giá rẻ cũng phải bán”.
Ông Thạch Rươl, chủ lò sấy lúa tại ấp 5 (xã Vĩnh Trung) nói: “Nhà có 2 lò sấy với tổng công suất 30 tấn/mẻ. Vậy mà sấy không kịp vì vừa sấy lúa gia đình, lúa thu mua tạm trữ, sấy thuê cho bà con trong vùng”.
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có gần 450 lò sấy lúa, với công suất phổ biến từ 4 - 8 tấn/mẻ.
Phần lớn lò sấy hoạt động, phục vụ ở 2 vụ lúa hè thu và thu đông, vào thời điểm mưa nhiều. Trong số này chỉ có trên 50% số lò sấy được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công suất lớn hoạt động có hiệu quả, số còn lại công suất nhỏ, cũ kỹ, hoạt động cầm chừng, không hiệu quả.
Theo đề án cơ giới hóa sản xuất lúa tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012-2015, tỉnh sẽ cho nông dân vay ưu đãi lãi suất với nguồn vốn khoảng 20 tỷ đ, xây dựng mới khoảng 200 lò sấy, công suất từ 8 - 10 tấn/mẻ trở lên để phục vụ nhu cầu phơi sấy lúa trong dân. Tuy nhiên, việc triển khai đề án này cũng đang gặp khó, nhiều hộ ngại đầu tư vì kinh doanh loại hình này không lãi nhiều, khó thu hồi vốn.
Hơn nữa, từ trước đến nay nông dân có thói quen bán lúa tươi tại ruộng, trong khi thực tế có nhiều hộ đầu tư lò sấy điện hàng trăm triệu đồng nhưng thu hồi vốn chậm. Vì vây, việc khuyến khích nâng cấp, xây mới lò sấy mặc dù được vay vốn ưu đãi nhưng nhiều người vẫn ngại đầu tư.
Trong vụ thu đông này, nông dân Hậu Giang xuống giống trên 50.000 ha, đến thời điểm này bà con đã thu hoạch trên 1/3 diện tích, với năng suất bình quân 4,6 tấn/ha.
Hiện giá lúa cắt máy được thương lái thu mua tại ruộng ổn định ở mức từ 4.300 - 4.600 đ/kg; giá lúa cắt tay ở mức 3.800 - 4.000 đ/kg, tăng lên từ 200 - 400 đ/kg và sản lượng lúa được tiêu thụ khá nhanh. Tuy nhiên, điều mà nông dân lo ngại là gặp phải mưa dầm, lúa không phơi sấy được nên bị thương lái ép giá.
Related news
Trung Tâm Công Nghệ Sinh Học và Kĩ Thuật Di Truyền Quốc Gia Thái Lan (Biotec) tin rằng hội chứng tôm chết sớm (EMS), nguyên nhân của sự sụt giảm nguồn cung cấp tôm gần đây của Thái Lan, sẽ giảm trong năm nay, theo báo cáo của Bangkok Post
Ngày 4.6, ông Trần Hữu Phước - cán bộ khuyến ngư xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: Dịch bệnh phát sinh trên vùng nuôi ốc hương thương phẩm tập trung ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn khiến hơn 200 vạn con trong số 300 vạn con ốc hương do ngư dân vừa thả nuôi đã chết.
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, đến nay, nông dân các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đã sử dụng trên 1.915 ha mặt nước để nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Điều đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh tôm diễn biến khá phức tạp, hiện có 31,5 ha mặt nước nuôi tôm tại huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn đã bị dịch bệnh do virút đốm trắng và bệnh do môi trường gây hại. Đáng lo ngại là có một số vùng nuôi tôm đã xuất hiện hội chứng tôm chết sớm khiến cho người nuôi tôm lo lắng. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương khoanh vùng để xử lý dịch bệnh, nhằm khống chế và hạn chế dịch bệnh lây lan, đồng thời hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ tôm nuôi.
Tỉnh Tiền Giang đang thực hiện thí điểm mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, không tắm cho lợn suốt quá trình nuôi, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y Đồng Nai đã hướng dẫn và đề nghị cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 18 trang trại chăn nuôi trong tỉnh và tái đăng ký cho 46 trang trại. Hiện toàn tỉnh có 114 cơ sở chăn nuôi đã được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh, gồm 65 trang trại gà và 49 trang trại heo