Thị Trường Giống Cây Trồng Vừa Thiếu, Vứa Khó Kiểm Soát Chất Lượng
Hiện nay, đang là giai đoạn cao điểm xuống giống các loại cây trồng dài ngày nhưng nguồn giống cung ứng cho người dân đang thiếu hụt và trên thực tế vẫn còn tình trạng các cơ sở kinh doanh một số giống cây trồng theo kiểu thời vụ khiến cho thị trường rất khó kiểm soát.
Theo quan sát, ở một số vùng còn quỹ đất sản xuất lớn đối với các loại cây lâu năm như Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song, Đắk R’lấp… thì thị trường cây giống luôn sôi động với sự tấp nập của những chiếc xe tải vận chuyển giống đến cơ sở kinh doanh và người dân đi mua giống về trồng…
Cơ sở ươm giống của ông Nguyễn Văn Minh ở xã Nam Đà (Krông Nô) sử dụng giống cà phê đầu dòng TR4 để ươm cung ứng cho người dân địa phương
Ông Nguyễn Văn Thành, một người dân ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) cho biết: “Mỗi lần đi mua cây giống, người bán chỉ giới thiệu về xuất xứ ở các tỉnh, viện nổi tiếng chứ không nói rõ mặt hàng đó đã được cơ quan chức năng kiểm định, công bố chất lượng hay chưa nên tôi rất băn khoăn trước mỗi lần lựa chọn mua cây giống cho mình”.
Nỗi lo lắng trên của nông dân không phải là không có cơ sở, bởi chỉ cần điểm sơ qua các địa phương nằm trên các trục đường “cửa ngõ” sang các tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Lâm Đồng thì có không ít hộ dân mở vườn ươm cây trồng, còn nguồn giống chủ yếu nhập về tự do không qua kiểm tra, kiểm định chất lượng của ngành chức năng.
Tại một số địa phương khác, để có cây giống, người dân đều phải “tự túc” hoặc mua tại các vườn ươm tự phát, vườn ươm “chui” không đăng ký giấy phép kinh doanh… Điều này ẩn chứa nguy cơ năng suất cây trồng giảm trong tương lai, khi họ sử dụng các loại cây giống chưa được cơ quan chuyên môn kiểm định chất lượng.
Theo Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên thì quy trình sản xuất đúng kỹ thuật quyết định lớn đến chất lượng, năng suất cây giống. Để có một cây giống đạt yêu cầu (bảo đảm các chỉ số về chiều cao, đường kính thân, số cặp cành tính theo ngày tuổi, lá xanh tốt, không có hiện tượng sâu bệnh…) đến tay người tiêu dùng thì quy trình này phải trải qua nhiều công đoạn khắt khe.
Chẳng hạn như với cây ghép thì việc chọn gốc, chồi đạt chất lượng, khi ghép và chăm sóc phải đúng quy trình kỹ thuật, còn muốn cây mầm sinh trưởng đòi hỏi cần được đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cấy, ghép và quan trọng nhất là việc xây dựng được các vườn cây đầu dòng…
Trong khi đó, với những cơ sở sản xuất kinh doanh tự phát, nhỏ lẻ thì không phải cơ sở nào cũng có điều kiện để đầu tư, bảo đảm các yêu cầu trên.
Về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cho rằng đối với các cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, làm ăn chân chính thì luôn phải chịu áp lực cạnh tranh về giá với các cơ sở làm ăn dối trá, bởi họ không phải đầu tư nhiều để bảo đảm chất lượng giống nên giá bán ra rẻ hơn.
Còn về nguồn cung giống đảm bảo chất lượng thì theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 12,4% số hộ áp dụng công nghệ ghép cải tạo giống xấu bằng các giống mới như TR4, TR5... cho năng suất cao, chất lượng cà phê nhân tốt. Trung bình 1 ha cà phê nếu ghép thay giống mới thì khi bước vào kinh doanh, năng suất tăng bình quân từ 5-7 tạ/ha.
Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, việc tiếp cận giống cà phê mới của nông dân vẫn còn hạn chế, hiện chỉ có khoảng 2% nông dân Đắk Nông mua giống mới tại Viện và các cơ quan sản xuất giống đảm bảo chất lượng để tái canh hoặc trồng mới. Vì vậy, hiện vẫn còn khá nhiều hộ dân phải mua nguồn giống bán trôi nổi trên thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh thì trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, qua đó, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh nắm rõ các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực kinh doanh, mua bán cây giống.
Bên cạnh đó, để kiểm soát tình trạng các trại ươm giống cà phê phát triển ồ ạt, không kiểm soát được chất lượng cây giống, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con không mua, đưa vào gieo trồng các loại giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh thiệt hại về sau. Bà con nên đọc kỹ các thông tin ghi trên bao bì, nhãn mác và chủ động đề nghị được xem hóa đơn, nguồn gốc của cây giống trước khi chọn mua.
Related news
Lúa tái sinh, lúa chét, lúa gie… tùy theo cách gọi của từng địa phương, nhưng đều có đặc điểm chung là tận dụng ruộng đã thu hoạch vụ trước, chăm sóc để cây lúa tái sinh, sau khoảng 40-45 ngày thì thu hoạch. Tuy năng suất không cao bằng lúa chính vụ, nhưng với khoảng thời gian ngắn, lại không phải đầu tư giống, công gieo cấy, mỗi sào chỉ bón ít phân là cho thu hoạch.
Như đã thành thông lệ, cứ vào những ngày cuối tuần, du khách trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn lại nô nức kéo lên tham quan nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Mẫu Sơn (DLMS).
Mấy ngày gần đây, thương lái từ các tỉnh phía Bắc vào Đồng Nai lùng mua heo mỡ có cân nặng từ 110 kg/con trở lên, kéo giá heo hơi tăng theo.
Theo thống kê của ngành lâm nghiệp tỉnh, năm 2010, Lào Cai có 7.785 ha sắn, đến cuối năm 2012 diện tích tăng lên là 9.305 ha sắn và trong năm 2013, con số này được đánh giá là tương đương.
Nằm trong hợp phần B của Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ, liên minh sản xuất cà phê bền vững Chư Prông (Gia Lai) giữa Tổ hợp tác gồm 100 hộ nông dân các xã Ia Phìn, Ia Băng, Ia Kly và thị trấn Chư Prông được triển khai thực hiện năm 2010.