Thêm Vốn Cho Nhà Nông Làm Ăn Lớn

Được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) TP.Hà Nội, nhiều hộ nông dân (ND) xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Hội ND xã Đồng Tháp cho biết: “Với mục đích chuyển đổi cây trồng có thu nhập thấp sang cây trồng thu nhập cao, năm 2013 Hội ND xã Đồng Tháp đã chuyển đổi 5ha đất canh tác sang trồng hoa đồng tiền”.
Hướng vào cây, con thu nhập cao
Chúng tôi tới thăm trang trại trồng hoa đồng tiền rộng hơn 1,5ha của gia đình anh Bùi Văn Khá. Anh cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa. Khi xã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi chuyển diện tích này sang trồng hoa đồng tiền”.
Lúc đầu, diện tích đất canh tác của gia đình anh Khá chỉ có hơn 0,5ha, anh thuê thêm 1ha đất của người dân địa phương để mở rộng sản xuất. Khi đã có tư liệu sản xuất rồi thì vốn là vấn đề nan giải đối với gia đình anh. Bởi lẽ, theo anh Khá, hoa đồng tiền thuộc dòng hoa chất lượng cao nên chi phí đầu tư mua cây giống rất tốn kém, đó là chưa kể đến chi phí thuốc trừ sâu và phân bón.
“Tháng 10.2013 tôi được Hội ND xã cho vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND thành phố, trong thời gian 3 năm. Có vốn tôi dùng để mua cây giống, phục vụ sản xuất trong gia đình” - anh Khá chia sẻ.
Nhờ chăm chỉ tích lũy kinh nghiệm, biết cách chăm sóc và phòng trừ bệnh kịp thời nên hoa của gia đình anh phát triển rất nhanh. Hoa đồng tiền từ khi trồng cho đến khi thu hoạch mất khoảng 4 tháng (vụ chính là từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau), mỗi lần thu hoạch anh thu từ 8.000-10.000 bông. Riêng vụ vừa rồi, anh Khá thu nhập gần 100 triệu đồng.
Không có ND chán ruộng
Ngoài cho ND vay vốn đầu tư trồng hoa đồng tiền, Quỹ HTND thành phố còn cho các hộ vay để nuôi gia súc. Chị Đỗ Thị Hải (thôn Tháp) chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi lợn tính đến nay đã được gần 20 năm, trước tôi chủ yếu nuôi lợn thịt. Năm 2003, tôi chuyển sang nuôi lợn giống”.
Theo chị Hải, chăm sóc lợn giống mất nhiều công sức hơn lợn thịt. Lợn từ khi đẻ đến khi xuất chuồng mất 3 tháng, trọng lượng trung bình 30kg/con, nhưng tính lợi nhuận lại đạt cao gấp 2 lần so với lợn thịt.
"Số tiền được Quỹ HTND cho vay tuy không nhiều, nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn, nó thực sự là nguồn động viên to lớn đối với người ND”.
Chị Đỗ Thị Hải
Ban đầu, do không có nhiều vốn nên chị Hải đầu tư hạn chế. Tháng 10.2013, được Quỹ HTND thành phố cho vay 10 triệu đồng, chị mua thêm 4 con lợn nái nuôi lấy giống, nâng tổng số đàn lợn lên hơn 30 con.
Ông Tuấn cho biết: “Hội ND xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn cho ND để phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Nguồn vốn 300 triệu đồng từ Quỹ HTND thành phố cho vay trung bình 10 triệu đồng/hộ đã mang lại hiệu quả trong sản xuất cho ND”.
Để vốn vay giúp ND sinh lời, Hội đã thành lập Ban điều hành Quỹ HTND. Cán bộ Ban điều hành thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc sử dụng vốn của ND, định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng gia đình.
“Nhu cầu về vốn của ND rất lớn, nên chúng tôi ưu tiên cho những hộ hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Nhờ đầu tư đúng hướng, thu nhập của nhiều hộ ND ngày một tăng, nên không xảy ra tình trạng ND bỏ ruộng nhiều ở một số địa phương. Mong muốn của hội viên ND trong xã được vay thêm vốn và thời gian vay dài hơn” - ông Tuấn thông tin.
Related news

Với nhiều hộ trồng cao su tiểu điền ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, ông Trần Viết Lượng- Giám đốc Doanh nghiệp Cao su Thanh Long (trụ sở ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) là một "bà đỡ" thực sự.

Ông Lò Văn Giảng người dân tộc Thái 66 tuổi bản Tạo Xen, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay do gia đình quá nghèo khó, ông luôn trăn trở làm sao để có thêm thu nhập giảm bớt khó khăn cho gia đình, sau nhiều năm suy nghĩ làm gì để có nguồn thu, ông quyết định làm trang trại vườn rừng nơi vùng đất tái định cư thị xã Mường Lay.

Ða số người nuôi tôm có trình độ kỹ thuật thấp, tôm giống không qua kiểm dịch còn cao, thả nuôi mật độ dày… là những lý do khiến cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở tỉnh Bình Định luôn trong tình trạng không bền vững vì dịch bệnh tôm nuôi. Ðây là kết quả nghiên cứu do Chi cục Thú y thực hiện.

Được đặc xá ra tù, Trần Văn Dương (SN 1965, xã Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh) lăn lộn học hỏi kinh nghiệm làm trang trại. Sau gần chục năm tích lũy kinh nghiệm anh về quê lập nghiệp, đến nay trang trại của anh có thu nhập tiền tỷ.

Hiện nay, các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành (Long An) thả hơn 3.400 ha tôm thẻ, tôm chân trắng; trong đó đã có 40% diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng chết. Nhiều hộ mới vừa thả con giống được 15 - 20 ngày, tôm bị sốc nước chết, nên tháo xả ra sông gây thiệt hại không nhỏ.