Thế và thời mới của nông dân
Việt Nam với điều kiện khí hậu thuận lợi là lợi thế lớn trong sản xuất; đặc biệt hình ảnh người nông dân Việt Nam ngày càng được nâng cao, mang dáng dấp của thời đại.
Để hiểu rõ hơn “thế” và “thời” mới của nông dân, Trang Trại Việt đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, nhà khoa học.
Ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội NNPTNT Việt Nam: Thời cơ làm giàu của nông dân!
Từ xưa, vai trò của nông dân đã được khẳng định là rất quan trọng, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, nông dân có vai trò quyết định tới thắng lợi của cách mạng.
Khi bước sang thời kỳ đổi mới, nông dân tiếp tục là những người hi sinh, phải chắt chiu cho cuộc sống để thực hiện phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Dù nông dân cũng được quan tâm rất lớn của Nhà nước nhưng nhìn nhìn chung họ vẫn còn chịu quá nhiều thiệt thòi.
Thời và thế hiện nay của nông dân, đó là nông nghiệp vẫn được xác định là số 1 trong phát triển kinh tế ở nước ta và đối với nông dân đây chính là thời cơ để vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, hiện nay số hộ nghèo vẫn đa phần là nông dân, dù thu nhập bình quân của cả nước đã tăng lên 2.000 USD/đầu người, nhưng với nông dân vẫn chỉ ở mức 1.000 USD.
Họ vẫn phải chịu nhiều bất lợi, thiệt thòi và khổ nhất hiện nay vẫn là nông dân.
Hoa cúc nhà kính trồng ở xã Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội có năng suất chất lượng cao.
Để bước vào thời kỳ hội nhập của nền kinh tế, muốn ganh đua cần có thời gian.
Hiện lĩnh vực công nghiệp Việt Nam còn thua xa các nước trên thế giới, nhưng riêng lĩnh vực nông nghiệp chúng ta đã có sự vươn lên mạnh mẽ.
Một số mặt hàng như tôm, cá tra làm khuynh đảo thị trường Mỹ hay như gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su… cũng đang xếp ở tốp đầu thế giới về sản lượng song cái nông dân được hưởng thì vẫn còn quá ít.
Muốn nông dân vươn lên mạnh mẽ hơn trong thời kỳ hội nhập, theo tôi giải pháp và chính sách đã có nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là biến các giải pháp và chính sách đó thành thực tế.
Ngay như Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) của Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã xác định rất rõ cần đầu tư cho khu vực này nhưng khi triển khai thực hiện lại chưa tương xứng.
Do đó, vấn đề đặt ra là, cần phải đầu tư nguồn lực, chất xám, khoa học công nghệ, giải pháp, sát hơn, phù hợp với nông dân hơn để giúp được nông dân hưởng thụ những thành quả của nông nghiệp, thành quả của họ làm ra.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn:
Phải chuyên nghiệp hoá nông dân
Nông dân của Việt Nam có nhiều ưu điểm như chăm chỉ, cần cù, chịu khó, sáng tạo… sẵn sàng vươn lên mạnh mẽ khi có cơ hội.
Tuy nhiên, trong giai đoạn trước đây khi chưa hội nhập, đa phần người nông dân sản xuất với mục tiêu là “đủ no”, khi sản phẩm dư thừa mới mang đi bán.
Phần lớn nông dân đều thể hiện rõ đặc trưng bởi kinh tế tự cấp, tự túc, quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng hạn chế, năng lực khoa học công nghệ, khả năng gắn kết thị trường yếu…
Hiện nay, chuyển sang thời kỳ kinh tế thị trường với mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng, sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra đòi hỏi phải đạt các tiêu chuẩn và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng cần có những người nông dân chuyên nghiệp.
Ngoài tâm huyết, gắn bó với nông nghiệp, nông dân không chỉ biết tổ chức lại sản xuất, mà còn phải chuyên nghiệp trong vấn đề tìm kiếm thị trường, chuyên nghiệp trong kết nối với doanh nghiệp thì mới có thể tồn tại được ở trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Những người không tâm huyết, cần được chuyển đổi sang các khu vực công nghiệp và dịch vụ còn người không có khả năng lao động thì hưởng các chế độ an sinh xã hội, nhường lại ruộng đất cho những người có tâm huyết và chuyên nghiệp sản xuất theo quy mô lớn, liên kết lại với nhau, tận dụng thời cơ vươn lên trong thời kỳ hội nhập.
TS Lê Đăng Doanh:
Đào tạo nông dân thành công nhân làm nông nghiệp
Trong thời kỳ hội nhập ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, tôi cho rằng cơ hội của nông dân là rất lớn, nhưng để nắm bắt được thời cơ này nông dân cũng phải tự chuyển đổi mạnh mẽ.
Trước đây, nông dân thường sản xuất kiểu tự do, muốn dùng bao nhiêu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bao nhiêu phân bón, bao nhiêu kháng sinh…thì dùng.
Song đến nay, nhất thiết cần phải chuyển thành những công nhân làm nông nghiệp chuyên nghiệp, sản xuất theo đúng yêu cầu, theo đơn đặt hàng của các đơn vị, doanh nghiệp trong nước và cả nước ngoài khi ký hợp đồng thu mua sản phẩm của mình.
Muốn bán được hàng, nông dân phải sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo không có dư lượng thuốc BVTV, hoá chất… vượt quá dư lượng cho phép do đó người nông dân cần được đào tạo thực hiện đúng các “kỷ luật” của thị tường nếu không khi sản xuất ra sản phẩm sẽ không bán được hàng và câu chuyện “được mùa mất giá” sẽ vẫn tiếp tục xảy ra.
Không chỉ có sản xuất tốt, nông dân trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng cần phải cập nhật thông tin, kiến thức về thị trường, về khoa học công nghệ, có kỹ năng hiện đại, có công nghệ, quan hệ với đối tác của nông dân cả trong nước và quốc tế, có khả năng giao dịch, giữ uy tín và cam kết theo hợp đồng với đối tác…
Tôi được biết, hiện đã có một số doanh nghiệp đón đầu thời cơ, thuê đất lại của nông dân như ở Vĩnh Phúc để tổ chức sản xuất nông nghiệp và khi đó người nông dân sẽ trở thành những công nhân làm nông nghiệp chuyên nghiệp.
Related news
Trong năm 2013, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) phát triển mô hình trồng cây thanh long tập trung chủ yếu ở 2 xã: Minh Thanh, Thái Học, với 39 hộ tham gia, trên diện tích 7,68 ha.
Sản lượng tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng đầu năm tăng so với cùng kì nhưng giá lại thấp hơn nhiều so với thế giới.
Ông Trần Văn Hùng, nông dân xã Thuận Thới, cho biết: “Tôi có ba công ruộng nhưng nhiều năm liền không khá lên nổi. Thấy nhiều người chuyển sang trồng cam sành trúng lớn, lợi nhuận thu được gấp 10 lần trồng lúa nên tôi cũng bỏ lúa chạy theo cam sành”. Theo ông Hùng, mấy năm gần đây vào vụ nghịch giá cam loại 1 có lúc được thương lái mua tại ruộng 30.000-33.000 đồng/kg, giá bèo cũng từ 25.000 đồng/kg nên người trồng cam lãi lớn
Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh kinh tế của vùng ĐBSCL; song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề nuôi cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Sáng 26/4, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa và Sông Hinh thả gần 60kg cá giống (tương đương khoảng 12.500 con) vào hồ thủy điện Sông Ba Hạ nhằm tái tạo các loại cá giống nước ngọt tại địa phương, với các loại cá trê, lóc, chép, trắm cỏ, rô đồng…