Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thanh Sơn Phát Triển Kinh Tế Trang Trại

Thanh Sơn Phát Triển Kinh Tế Trang Trại
Publish date: Wednesday. September 10th, 2014

Từ năm 2012 đến nay kinh tế trang trại của huyện Thanh Sơn đã có sự phát triển rõ nét, số trang trại, gia trại ngày càng tăng cả về số lượng và quy mô hoạt động.

Trang trại của hộ ông Nguyễn Đăng Thành ở khu Tân Tiến, thị trấn Thanh Sơn phát triển chăn nuôi lợn kết hợp trồng cây ăn quả, cây cảnh... cho thu nhập 400-500 triệu đồng/năm.

Anh Kiều Đức Mạnh- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Sơn cho biết: Trước năm 2010 trên địa bàn huyện mới có 4 trang trại đạt tiêu chí, nhưng đến thời điểm này đã tăng lên đạt 44 trang trại, gia trại các loại, trong đó có 18 trang trại đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận trang trại theo Thông tư số 27/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các trang trại trong huyện chủ yếu là chăn nuôi lợn kết hợp với trồng cây ăn quả, trồng chè, trồng cây lâm nghiệp và tận dụng mặt nước để nuôi thả cá..., quy mô từ vài ha đến vài chục ha. Hiện nay, số lượng trang trại tập trung nhiều ở các xã: Thục Luyện, Địch Quả, Thắng Sơn, Tinh Nhuệ... với nhiều loại hình đa dạng như: Trang trại chăn nuôi, trang trại lâm nghiệp, trang trại tổng hợp. Trong quá trình phát triển, một số trang trại mạnh dạn tìm hướng đi mới bằng hình thức liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, được doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.

Điển hình như trang trại của hộ ông Lê Đình Thưởng ở xã Lương Nha, ông Đỗ Giang Bân ở xã Thắng Sơn, ông Phan Khánh Cường ở xã Yên Sơn và một số hộ khác ở các xã: Thắng Sơn, Văn Miếu, Thạch Khoán... đã liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đầu tư nuôi lợn siêu nạc theo quy mô nuôi công nghiệp với tổng đàn từ 600- 1.200 con, doanh thu mỗi năm đạt từ 6-10 tỷ đồng/1 trang trại.

Trong quá trình liên kết sản xuất, phía công ty đảm nhiệm việc cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi hiện đại và bao tiêu sản phẩm, còn các trang trại tạo dựng cơ sở vật chất, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật.

Nhờ mối liên kết bền vững hai bên đều có lợi nên hàng năm sau khi trừ chi phí mỗi trang trại chăn nuôi có lợi nhuận trung bình từ 300- 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động.

Đến thăm trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Đăng Thành ở khu Tân Tiến, thị trấn Thanh Sơn- một trong những trang trại được hình thành từ khá sớm (trước năm 2000), lọt giữa không gian xanh rộng 3ha là khu chăn nuôi lợn theo mô hình bán công nghiệp với tổng đàn gần 500 con, trong đó có hơn 40 nái lợn sinh sản, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 100 tấn lợn thịt. Ngoài khu chăn nuôi lợn, ông Thành quy hoạch các khu chăn gà, trồng cây ăn quả, cây cảnh...

Với phương thức lấy ngắn nuôi dài, vài năm trở lại đây nguồn thu của trang trại đã cơ bản ổn định, sau khi trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập khoảng 400- 500 triệu đồng, ngoài ra còn tạo việc làm ổn định cho 3 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.  Để có được cơ ngơi như hiện tại vợ chồng ông Thành đã phải mất khá nhiều năm vất vả tạo dựng, thậm chí là mày mò trải nghiệm trong việc trồng trọt, chăn nuôi sao cho có hiệu quả.

Có thời điểm gia đình ông còn trồng hoa tươi: Cúc, hồng, đào..., đầu tư nuôi bò thịt, hươu nai... nhưng do đầu ra không ổn định nên từ năm 2008 trở lại đây, trang trại đã tập trung vào chăn nuôi lợn siêu nạc, gà thả vườn và các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thành cho biết: “Phát triển kinh tế trang trại là một hướng đi đúng, đã giúp gia đình chúng tôi vươn lên làm giàu. Song khó khăn lớn nhất vẫn là vốn, dù chăn nuôi hay trồng trọt thì đều đòi hỏi phải có vốn đầu tư trung và dài hạn. Nếu có nguồn vốn vay ưu đãi chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương”.

Được biết việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Thanh Sơn hiện nay khá thuận lợi, các chủ trang trại được các cấp chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ chế chính sách. Tuy nhiên, số lượng trang trại có hiệu quả kinh tế cao chưa nhiều. Hầu hết các trang trại, gia trại trên địa bàn mang tính tự phát.

Bên cạnh đó, trình độ quản lý, chuyên môn của các chủ trang trại còn hạn chế, phần lớn chủ trang trại vẫn quen với mô hình sản xuất nhỏ, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế chủ yếu theo kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường hạn chế. Trong khi đó có không ít trang trại còn gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư.

Theo anh Kiều Đức Mạnh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện: Một trang trại nếu đầu tư vào lợn theo mô hình chăn nuôi công nghiệp tối thiểu cũng phải có 500- 600 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu để xây dựng cơ sở vật chất: Chuồng trại, hệ thống làm mát, sưởi ấm, xử lý chất thải chăn nuôi… do đó không phải chủ trang trại nào cũng làm được.

Một khó khăn nữa trong phát triển kinh tế trang trại là vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm, ngoài những trang trại liên doanh liên kết với doanh nghiệp còn lại đa số tự tìm đầu ra, sản phẩm chủ yếu bán cho tư thương nên thường bị ép giá.

Trước hết để giúp các trang trại tháo gỡ một phần khó khăn, huyện Thanh Sơn đã đẩy mạnh việc hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; lồng ghép các nguồn vốn vay phát triển sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư số 27 để các chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển sản xuất và thuận lợi trong việc vay vốn; khuyến khích liên doanh liên kết với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm…


Related news

Bưởi da xanh khá hiếm nguồn cung Bưởi da xanh khá hiếm nguồn cung

Theo nhà vườn trồng bưởi da xanh ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), thì hiện nay do đang là mùa nghịch nên năng suất thu hoạch chỉ đạt khoảng một nửa so với vụ thuận, khoảng 10 - 12 tấn/ha, nhưng bù lại giá đang ở mức cao từ 42.000 - 46.000 đồng/kg và luôn rất hút hàng.

Wednesday. May 20th, 2015
Cơ hội nào cho trái nhãn? Cơ hội nào cho trái nhãn?

Cuối năm 2014 vừa qua, những lô nhãn đầu tiên có xuất xứ từ ĐBSCL được cấp mã số đi Mỹ. Cánh cửa thị trường khó tính bậc nhất này đã mở, nhưng làm thế nào để tận dụng hết cơ hội khi nhiều vườn nhãn đang đối mặt dịch chổi rồng?

Wednesday. May 20th, 2015
Phòng bệnh Phytophthora trên cây có múi Phòng bệnh Phytophthora trên cây có múi

Cây có múi (cam, quýt, bưởi…) cho giá trị kinh tế cao nên được trồng phổ biến tại Việt Nam, tuy nhiên, loài cây này khó bảo vệ các loại bệnh tấn công từ rễ, thân, lá, trái. Trong các loại dịch hại trên cây có múi thì nấm Phytophthora spp. là rất độc hại. Khi vườn cây bị loài nấm này tấn công sẽ làm giảm năng suất, có khả năng gây chết cây và cả vườn cây. TS. Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam có những khuyến cáo cách phòng trị cho vườn cây có múi.

Wednesday. May 20th, 2015
Dừa tươi hút hàng, giá tăng Dừa tươi hút hàng, giá tăng

Những tuần gần đây giá bán lẻ dừa tươi trên thị trường tiếp tục tăng thêm khoảng 1.000 - 2.000 đồng/trái so với trước. Tại nhiều điểm kinh doanh dừa tươi ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, các loại dừa tươi ngon (nước ngọt, cơm dừa vừa ăn…) có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/trái; dừa non, dừa có trái nhỏ, giá phổ biến 7.000 - 9.000 đồng/trái.

Wednesday. May 20th, 2015
Vừa thả nuôi, tôm đã chết la liệt Vừa thả nuôi, tôm đã chết la liệt

Mới vào vụ chưa được 1 tháng, hàng trăm ha tôm thẻ, sú ở 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã chết hàng loạt, nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay.

Thursday. May 21st, 2015