Thành Công Với Mô Hình Nuôi Heo Rừng

Ở tuổi 30, Nguyễn Thanh Quang ở thị trấn Thạnh Mỹ huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã biết làm giàu ngay trên chính quê hương của mình bằng mô hình nuôi heo rừng.
“Ở Thạnh Mỹ, nói về mô hình sản xuất chăn nuôi, không ai qua mặt được anh Quang đâu” - ông Bùi Thế Anh, cán bộ Huyện Đoàn Nam Giang nói như vậy khi giới thiệu với chúng tôi về gương thanh niên làm kinh tế giỏi trên địa bàn. Theo ông Anh, cái được ở anh Quang là sự chăm chỉ, cần cù và hăng say trong lao động.
Chúng tôi gặp Quang khi anh vừa trở về sau chuyến thu mua thức ăn cho đàn heo. Công việc này khiến anh tất bật cả ngày, đến nỗi không còn đủ thời gian để làm những công việc khác. Mẹ Quang, bà Nguyễn Thị Thu cho hay, cả ngày anh ở trong trang trại, ít khi ra ngoài. Trang trại chỉ cách nhà chừng hơn 200m. Giữa khoảng rộng dưới tán cây rừng, những đàn heo kêu eng éc vì đói, như thể chúng vừa nhận ra chủ cùng bao cỏ tươi vác trên vai. Vừa cho đàn heo ăn, anh Quang vừa dùng que gỗ gãi nhẹ vào lưng, đàn heo ngoan ngoãn nằm sụp xuống đất. “Chế độ ăn cho heo cũng phải được nghiên cứu kỹ, luôn đúng giờ và thay đổi khẩu phần ăn mỗi ngày nên còn đâu thời gian mà đi chơi” - anh Quang giãi bày.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành điện, thay vì tìm việc làm như mấy người bạn, Quang lại nảy ra ý tưởng khá “điên rồ”: vay vốn để lập trang trại chăn nuôi heo rừng. “Lúc đầu, khi biết ý định của mình, ba mẹ đều phản đối vì học điện có liên quan chi đến chăn nuôi trang trại đâu. Thế là mình thuyết phục, rồi cuối cùng gia đình cũng gật đầu đồng ý” - Quang kể. Nhưng để làm được trang trại đâu phải dễ. Vốn thiếu, kinh nghiệm về mô hình chăn nuôi với Quang cũng khá mơ hồ. Vậy mà chẳng lâu sau, điều anh làm được khiến ai cũng ngỡ ngàng, thán phục. “Thời đó, để vay vốn ngân hàng khoản tiền 200 triệu đồng đâu phải dễ. Phải thuyết phục ba mẹ đồng ý cho thế chấp “sổ đỏ” cùng căn nhà” - Quang cho biết thêm. Và lứa heo đầu tiên Quang nuôi thử nghiệm chỉ 5 con giống, được mua về từ trại giống ở huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng). Quang bỏ tất cả công việc thường ngày, chú tâm nuôi đàn heo. Dù vậy, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, cộng thêm lứa heo đẻ đầu tiên lại trúng vào mùa mưa nên đàn heo con chết lần lượt khiến anh lo lắng. Không “đầu hàng”, Quang lại xin vay vốn từ chương trình dự án của Tỉnh Đoàn, tiếp tục mua thêm đàn heo giống, nuôi sinh sản và lấy thịt.
Vài năm trở lại đây, đàn heo rừng của Quang phát triển nhanh chóng, trở thành “địa chỉ đỏ” giúp phân phối heo giống cho người dân trong khu vực. Mỗi năm, anh xuất hơn 20 con heo bán lấy thịt, tiếp tục quay vòng và cung ứng cho người có nhu cầu phát triển nuôi heo giống. Quang cho biết, trung bình mỗi con heo giống có giá bán khoảng 3 triệu đồng. Hiện tổng đàn heo của Quang lên đến gần 60 con, trong đó một số con lớn đã được anh cho xuất chuồng bán lấy thịt. Từ việc nuôi heo rừng, mỗi năm anh thu về khoảng 100 triệu đồng, tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế trang trại. Ngoài ra, Quang còn trồng xen canh nhiều cây công nghiệp, cây ăn quả như xà cừ, keo lai, lòn bon, nhãn…, vừa tạo bóng mát cho trang trại vừa phát triển kinh tế gia đình.
Related news

Sau khi rớt giá thảm hại vào tháng 4.2015, giá hành tím giống tại Sóc Trăng đến nay lại tăng lên khá cao, báo hiệu một vụ hành mới sôi nổi. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ theo giải pháp thị trường chưa có nhiều chuyển biến, trong khi không thể trông chờ mãi vào cách giải cứu của các “hiệp sĩ”...

Từ miền Tây khăn gói lên mảnh đất Lâm Đồng lập nghiệp, nhờ chịu thương, chịu khó tìm tòi và biết áp dụng kỹ thuật trồng cam. Đến nay, anh Lê Hoàng Minh (35 tuổi, ở xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) đã có một vườn cam sành thu lãi khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.

Sen rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, sử dụng phân bón tương đối ít, sau khi trồng 1 năm thì thu hoạch (có thể thu hoạch kéo dài hơn 2 năm tùy điều kiện).

Ông Phan Văn Đon- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước cho biết, định hướng của các tỉnh Đông Nam Bộ hiện nay là tập trung đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình hiện đại, quy mô lớn. Và để đạt được mục tiêu này cần có một nguồn lực tài chính mạnh.

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gieo trồng rau cải trong nhà lưới, giúp cho xã viên HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội phấn khởi thu hoạch cải trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.