Thận Trọng Với Giá Lúa Gạo Tăng

Xuất khẩu gạo mấy tháng gần đây thuận lợi không chỉ do những yếu tố chủ quan, mà còn do sự cộng hưởng của những tác động tích cực của thị trường thế giới.
Về mặt chủ quan, đó là sự hội tụ của ba yếu tố: gạo xuất khẩu luôn tươi mới, giá xuất khẩu hợp lý và các thị trường gần tăng nhập khẩu.
Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận những tác động hỗ trợ tích cực từ phía các đối thủ cạnh tranh.
Thứ nhất, ngay sau khi chính phủ dân sự Thái Lan bị lật đổ, chính quyền quân sự đã có nhiều quyết định dẫn đến thắt chặt xuất khẩu, cho nên không chỉ đẩy giá gạo của Thái Lan tăng, mà còn thúc đẩy các quốc gia nhập khẩu gạo trong khu vực, đặc biệt là những quốc gia có nhu cầu cấp bách, đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu.
Cụ thể đó là việc hủy kết quả bán đấu giá 433.000 tấn gạo mà chính quyền bị lật đổ đã tiến hành vào phút chót. Tiếp theo, chính quyền quân sự đã nhanh chóng huy động các nguồn tài chính khác và thanh toán khoản nợ đọng 2,8 tỉ USD của nông dân.
Đặc biệt quan trọng là “đóng băng” hơn 1.800 kho gạo dự trữ của chính phủ để kiểm tra trong vòng ba tháng.
Thứ hai, những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung của Thái Lan chỉ là tạm thời, còn El Nino bao trùm Ấn Độ mới là điều quan ngại thật sự đối với các quốc gia nhập khẩu gạo.
Thực tế cho thấy Ấn Độ chính là tâm điểm của thế giới mỗi khi El Nino xuất hiện ở khu vực châu Á, bởi trong diện tích lúa khổng lồ nhất thế giới của mình có tới gần một nửa phụ thuộc vào nước mưa, mà vụ lúa hiện nay lại cung cấp hơn 90% tổng sản lượng lúa hằng năm của Ấn Độ.
Các số liệu thống kê cho thấy với El Nino năm 2002, sản lượng lúa của Ấn Độ “rơi tự do” 32,2 triệu tấn, còn năm El Nino trung bình 2009, nước này mất mùa 12,4 triệu tấn và năm El Nino nhẹ nhất 2012 cũng thất thu 5,3 triệu tấn...
Còn với El Nino hiện tại, trong nửa đầu tháng 6, diện tích gieo cấy của Ấn Độ “rơi tự do” 70%, giá gạo trong nước tăng vọt, Chính phủ Ấn Độ đã phải lập tức đẩy 5 triệu tấn gạo ra thị trường để hạ nhiệt, còn đến hết thượng tuần tháng 7, diện tích vẫn giảm 22% và cuối tháng 7 vẫn còn giảm 16%.
Rõ ràng, đây chính là lý do khiến giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong nhiều tháng qua liên tục bỏ xa giá của Thái Lan và Việt Nam. Không chỉ Ấn Độ, các quốc gia khác trong khu vực cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi El Nino.
Điều này có nghĩa các nguồn cung chủ yếu trên thị trường thế giới đã bị thắt chặt thúc đẩy các quốc gia có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu, cho nên giá gạo được đẩy lên.
Thế nhưng, xét hướng sắp tới tình hình đang diễn biến theo chiều ngược lại. Trong đó, với việc lượng mưa đang được cải thiện từ cuối tháng 7 đến nay, có thể nói hiện “quả bóng” tại tâm điểm El Nino đối với lúa gạo thế giới đã “xì hơi”.
Bởi lẽ, diện tích gieo cấy lúa của Ấn Độ tính đến ngày 8-8 chỉ còn giảm 2%, tức là có tới 7,1 triệu ha lúa được gieo cấy chỉ trong hai tuần lễ.
Bên cạnh triển vọng lúa gạo của Ấn Độ đã sáng trở lại, Thái Lan có xu hướng đẩy gạo dự trữ của mình ra thị trường, do đó khả năng giá gạo thế giới giảm sẽ rõ nét hơn.
Các số liệu thống kê của Thái Lan cho thấy nửa đầu năm nay nước này đã xuất khẩu gần 4,7 triệu tấn gạo, tăng 59,2%, còn tháng 7 ước đạt 900.000 tấn, cao kỷ lục từ tháng 8-2011 đến nay.
Đây chỉ là kết quả xuất khẩu trong điều kiện kho gạo dự trữ khổng lồ hiện đang được đánh giá ở mức 18 triệu tấn đã “đóng băng” từ tháng 5 đến nay.
Nói tóm lại, những động thái mới của thị trường gạo thế giới cho thấy rất có thể thời gian xuất khẩu gạo thuận lợi ngắn ngủi của chúng ta đã lùi lại ở phía sau.
Điều này cũng có nghĩa giá gạo xuất khẩu hiện nay buộc phải giảm và giá lúa cũng phải giảm theo, bởi nếu không, kịch bản giá cao, hàng ế hồi cuối năm 2011 và hệ quả tất yếu là “đại hạ giá” đầu năm 2012 để xả hàng sẽ tái hiện.
Related news

Bóc một họp trà líp ton giá vài chục nghìn đồng, nếu vào nhà hàng, chỉ cần nhúng một tép trà vào một bộ tách đẹp, thêm chút ít chanh đường, thế đã là một thức nhấm cao cấp với giá tương đối cao

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay trong 152 trại sản xuất cá bột có đàn cá bố mẹ mới chỉ có 5,2% trại sản xuất cá bố mẹ đã qua chọn lọc di truyền từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, trên 31% cơ sở sản xuất chọn mua cá bố mẹ từ nguồn cá tự nhiên.

Gần đây, phong trào nuôi cá lóc thương phẩm ở Bình Thuận phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đối với nghề nuôi cá lóc hiện nay, khó khăn lớn nhất là quản lý nguồn nước và nguồn thức ăn cá tạp tươi đảm bảo chất lượng và số lượng.

Theo tính toán của người dân, cứ 1 kg (khoảng 1 vạn con) ốc hương giống nuôi trong một lồng (diện tích 3x4 m), sau 5 tháng sẽ cho 80-100 kg ốc thương phẩm, chi phí tính gộp chưa đến 4,5 triệu đồng.

Nhằm phát huy tiềm năng kinh tế các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, năm 2010 được sự hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình dự án KNKN thuộc Trung tâm KNKN Quốc gia, Trung tâm KNKN Bạc Liêu đã triển khai mô hình “ Nuôi cua công nghiệp” trên địa bàn 2 huyện Hòa Bình, Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu