Tây Xuân về đích nông thôn mới

Ðến nay, Tây Xuân đã về đích, được UBND tỉnh thưởng 1,5 tỉ đồng.
Xã Tây Xuân có diện tích tự nhiên 3.655 ha; toàn xã có 1.676 hộ dân với 6.155 nhân khẩu, sinh sống ở 3 thôn, gồm Phú An, Phú Hòa và thôn Đồng Sim (thuộc diện đặc biệt khó khăn, có trên 150 hộ đồng bào Bana sinh sống).
Mặc dù không được sự hỗ trợ nhiều từ các nguồn so với các xã điểm, nhưng hơn 3 năm qua, Tây Xuân đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức để thực hiện các tiêu chí NTM; đồng thời phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân theo phương châm “Dân biết-dân bàn-dân làm-dân hưởng lợi”, nên đến nay đã đạt được 19/19 tiêu chí.
Qua 3 năm XDNTM, Tây Xuân đã huy động trên 33 tỉ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó nguồn vốn đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp chiếm trên 23,67 tỉ đồng.
Nhân dân địa phương cũng đã tự nguyện hiến 6.965 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng, có nhiều hộ đã tự nguyện tháo dỡ tường rào, cổng ngõ, công trình phụ có giá trị trên 20 triệu đồng để mở rộng đường giao thông.
Một trong số những người đi đầu đóng góp XDNTM ở Tây Xuân là ông Võ Bách, ở xóm Hòa Tây, thôn Phú Hòa.
Bằng uy tín của mình, ông vận động bà con đóng góp 100 ngàn đồng/hộ, riêng gia đình ông đóng góp 5 triệu đồng xây dựng trụ sở xóm để bà con trong xóm có nơi hội họp.
Ông cũng đã tự nguyện hiến gần 700 m2 đất ruộng để làm sân chơi thể dục thể thao.
Hiện nay, sân chơi đã hoàn thành, chiều chiều rất đông thanh thiếu niên đến sân tập luyện, thi đấu giao hữu bóng đá, bóng chuyền.
Bên cạnh nguồn lực địa phương, TƯ, tỉnh và huyện cũng đã hỗ trợ cho xã trên 11,66 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, các trục đường chính nội đồng, trục chính đường thôn, xóm đã được trải bê tông nhựa và đúc bê tông xi măng 100%.
Xã cũng đã huy động nhân dân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công cộng, điện chiếu sáng dọc các tuyến đường nông thôn. Trường học các cấp đều được nâng cấp và xây dựng mới đạt chuẩn quốc gia.
Nhà văn hóa và khu thể thao xã được đầu tư xây dựng mới, đồng thời nâng cấp 3 nhà văn hóa thôn Phú An, Phú Hòa và Đồng Sim với tổng kinh phí trên 4 tỉ đồng.
Mục tiêu cốt lõi của phong trào XDNTM là nâng cao đời sống người dân.
Vì vậy, xã đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Về trồng trọt, xã xây dựng 2 mô hình trồng mía năng suất cao và cánh đồng mẫu lớn sản xuất mía.
Chuyển đổi 70 ha ruộng 3 vụ sang sản xuất 2 vụ/năm, sử dụng các giống lúa lai cho năng suất cao đã góp phần tăng năng suất, sản lượng lúa. Thực hiện có hiệu quả chương trình trồng rừng theo Dự án WB3.
Vận động người dân cải tạo 4 ha đất hoang hóa ở Phú An trở thành đất màu để sản xuất, tăng thu nhập; và cải tạo hơn 5.000 m2 đất hoang hóa để bà con thôn đặc biệt khó khăn Đồng Sim sản xuất lúa nước.
Về chăn nuôi, xã huy động và lồng ghép các chương trình phát triển sản xuất xây dựng 4 mô hình: nuôi bò sinh sản, nuôi gà công nghiệp, nuôi cá nước ngọt và chăn nuôi heo gia công.
Nhờ thực hiện tốt các mô hình phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đầu người ở Tây Xuân hiện đạt 29,5 triệu đồng/năm, tăng 7,75 triệu đồng so với năm 2011; tỉ lệ hộ nghèo còn 4,81%.
Môi trường là một trong những tiêu chí gặp nhiều khó khăn, nhưng để về đích đúng theo kế hoạch, xã đã triển khai thực hiện với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt. Đến nay, toàn xã có 1.704/1.781 hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, đạt tỉ lệ 95,7%.
Đặc biệt Tây Xuân là một trong những địa phương có nhiều cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công nhiều nhất huyện, xã đã và đang triển khai thực hiện việc xóa bỏ lò sản xuất gạch ngói bằng đất sét nung thủ công một cách nghiêm túc, đúng lộ trình của huyện đề ra.
Toàn xã có 46 lò gạch thủ công đã thực hiện tháo dỡ, 6 cơ sở đã chuyển đổi sản xuất theo công nghệ lò Hoffman; đến năm 2016 sẽ xóa toàn bộ lò gạch thủ công trên địa bàn.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã đều có hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường.
Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đều nằm cách biệt với nhà ở, chất thải chăn nuôi được thu gom xử lý bằng hầm biogas.
Bên cạnh đó, xã tổ chức thu gom rác thải tập trung về nơi quy định; định kỳ hàng tháng các tổ chức, đoàn thể và nhân dân quét dọn đường làng ngõ xóm, các khu công cộng, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Xã cũng tích cực phối hợp với huyện triển khai thực hiện dự án chôn lấp chất thải rắn của huyện với tổng vốn đầu tư trên 23 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đình Chương, Phó chủ tịch UBND xã Tây Xuân cho biết:
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Xuân sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tập trung chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống người dân...
Related news

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết việc xuất khẩu trái cây sang Mỹ không hề đơn giản. Trái cây Việt đủ điều kiện sang Mỹ phải vượt qua những rào cản kỹ thuật rất khắt khe được Bộ Nông nghiêp Mỹ đưa ra.

Cụ thể, trong tháng 8/2014 , khối lượng nhập khẩu phân bón các loại đạt 397 nghìn tấn với giá trị 118 triệu USD. Tính trong 8 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 2,57 triệu tấn, kim ngạch nhập khẩu đạt 806 triệu USD, giảm 12,4% về lượng và 28,6% về giá trị so với cùng kỳ 2013.

Trong trường hợp, các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khác có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật xác định và báo cáo Bộ NN&PTNN quyết định.

Cụ thể như cà chua 10.000 đồng/kg, bầu bí 8.000-10.000đồng/kg, khoai tây Đà Lạt 30.000đồng/kg. Các tiểu thương cho biết hiện nay khoai tây Đà Lạt đang có là trồng trái mùa, lượng hàng không có nhiều như trong mùa nên trên thị trường phần lớn là khoai tây Trung Quốc, giá khoảng 20.000 đồng/kg. Đặc biệt hành tây ở thị trường hiện nay là Trung Quốc giá 18.000-20.000đồng/kg, vì hàng Đà Lạt đã hết mùa.

Xuất khẩu (XK) hàng nông sản qua các cửa khẩu ở Lào Cai hiện đang gặp không ít khó khăn mặc dù các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp (DN) hoạt động.