Tây Giang Sử Dụng Bón Phân Dúi Trong Sản Xuất Lúa Nước

Xã Lăng (Tây Giang) đã thực hiện thành công mô hình sản xuất lúa có bón phân dúi, giúp bà con Cơ Tu đạt năng suất, sản lượng cao hơn.
Mô hình sản xuất lúa có bón phân dúi được Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Tây Giang triển khai thực hiện tại 3 thôn Pơ’ning, A Rớt, Nal (xã Lăng) với 103 hộ đồng bào Cơ Tu tham gia trên tổng diện tích 10ha.
Kết quả hội thảo đầu bờ đánh giá mô hình sản xuất lúa sử dụng phân dúi sâu vừa qua được tổ chức tại địa phương cho thấy, năng suất lúa trồng có bón phân dúi sâu đạt cao hơn so với ruộng bón phân rải theo kiểu truyền thống, số bông trên khóm và số hạt chắc trên bông nhiều hơn, số hạt lép ít lại, năng suất đạt trung bình khoảng 38 tạ/ha. Thành công từ mô hình sản xuất lúa có bón phân dúi khiến cho bà con tham gia mô hình rất phấn khởi.
Chị Bhnướch Thị Yếu, thôn A Rớt, xã Lăng cho biết: “Theo cách làm truyền thống của chúng tôi thì năng suất thấp hơn, bông lúa cũng ngắn hơn, có nhiều hạt lép. Từ khi huyện triển khai thực hiện sản xuất có bón phân dúi, sau một thời gian gieo mạ, cấy, cây lúa phát triển tốt và bắt đầu ra bông.
Bón phân đơn giản, năng suất lại cao hơn trước kia; năm vừa rồi lúa trúng mùa, bà con trong thôn ai nấy đều vui mừng. Mình muốn trong năm tới sẽ được huyện tiếp tục hỗ trợ phân bón tiếp tục bón cho cây lúa để năng suất được cao hơn nữa”.
Phân dúi thực chất là một loại phân chậm tan sử dụng các chất phụ gia có khả năng giữ phân lâu hơn, làm cho phân tan từ từ, vừa đủ cho cây hút, vừa có đủ dinh dưỡng mà không bị ngộ độc, không bị mất mát do bị rửa trôi hay bốc hơi.
Khi bón phân thúc cho lúa, thay vì bón vãi như trước đây, viên phân được dúi sâu trong bùn. Theo cách bón này, dinh dưỡng trong viên phân tan từ từ theo nhu cầu của cây lúa theo từng thời kỳ nên vừa tiết kiệm được cả công, vật tư mà hiệu quả lại cao hơn nhiều.
Ông Bh’ríu Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Lăng cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, thực tế cho thấy cây lúa phát triển tốt hơn gấp 2 lần cách trồng truyền thống. Các công đoạn kỹ thuật gieo, cấy, chăm sóc đơn giản, công sức bỏ ra ít hơn nhưng lại cho năng suất cao hơn đã khuyến khích bà con tiếp tục ứng dụng và phát triển cách làm này trong vụ sản xuất tới.
Đặc biệt, nhiều bà con Cơ Tu ở các vùng khác đến tham dự hội thảo cũng cho rằng, đây là mô hình cần được nhân rộng. Trong thời gian tới, các hộ dân có diện tích lúa nước sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sử dụng phân dúi dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, khuyến nông huyện”.
Mô hình sản xuất lúa có bón phân dúi đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của bà con trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xóa dần kiểu canh tác cũ. Qua đây, góp phần từng bước hiện đại hóa việc đưa các kỹ thuật, khoa học tiến bộ, đặc biệt là đối với bà con đồng bào thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.
Related news

Ngày 27.6, UBND huyện Đạ Tẻh cho biết đã có văn bản đề nghị tỉnh UBND tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ thêm 2,8 tỷ đồng để tiếp tục trồng 150ha cao su theo đề án trồng mới 300ha cao su trong cả năm của tỉnh Lâm Đồng tại địa bàn huyện Đạ Tẻh.

Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức Hội thảo “Nông dân bàn cách làm giàu” với phần thuyết trình của chuyên gia Nguyễn Lân Hùng và 150 đại biểu tham dự.

KTĐT - Theo Sở NN&PTNT, tính đến ngày 21/6, toàn thành phố đã thu hoạch được 89.320ha lúa Xuân, đạt 88% tổng diện tích cấy.

Chị Bòng cho biết, thu nhập hàng năm của gia đình chị sau khi trừ chi phí vẫn còn 800 triệu đồng...Là người tiên phong trong việc chuyển đổi mô hình sinh kế mới của người dân vùng cát trắng xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, chị Hồ Thị Bòng, thôn Đông Hải, xã Quảng Ngạn đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Đặc biệt tại các chợ nội thành Hà Nội giá rau tăng đột biến như rau cải ăn lá từ 10.000- 12.000đ/kg lên 15.000- 20.000đ/kg, dưa chuột bao tử từ 3.500đ/kg lên 8.500đ/kg, cà chua từ 6.000đ/kg lên 12.000-15.000đ/kg, rau muống từ 2.000đ/mớ lên 4.000- 5.000đ/mớ; giá rau thu mua tại ruộng cũng tăng như bí xanh tăng 2.000đ/kg, cà pháo tăng 10.000đ/kg