Tập Trung Đầu Tư Vốn Vào Tam Nông

Thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên đã tập trung đầu tư cho “tam nông”, tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân trên địa bàn tỉnh có vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN
Trước đây, vì thiếu vốn nên gia đình bà Vương Thị Hấn ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) chỉ buôn bán gạo nhỏ lẻ, tiền lời không kiếm được là bao.
Từ ngày Agribank Phú Yên triển khai cho nông dân vay tín chấp, bà Hấn đã mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn, đồng thời bỏ thêm tiền nhà để đầu tư mua máy xay xát gạo, làm dịch vụ. Kinh doanh hiệu quả, đến hạn, bà Hấn trả hết nợ và tiếp tục vay mới bằng hình thức tín chấp theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP để mua lúa tích trữ, mua bò nghé về nuôi.
Bà Hấn cho biết: Người dân nông thôn rất chí thú làm ăn nhưng do thiếu vốn nên rất khó mở rộng sản xuất, kinh doanh. Việc Agribank Phú Yên cho nông dân vay không cần tài sản đảm bảo đã giúp chúng tôi dễ dàng tiếp cận vốn để triển khai các mô hình làm ăn mới, cải thiện đời sống gia đình.
Ông Lê Đệ ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) vay vốn từ Agribank Phú Yên để trồng rau và hoa. Làm ăn hiệu quả, ông được bà con và cán bộ ngân hàng tin tưởng chọn làm tổ trưởng tổ vay vốn của Hội Nông dân. Ông Đệ cho hay: Tổ vay vốn của tôi có 30 thành viên với dư nợ khoảng 760 triệu đồng. Hầu hết mọi người đều dùng vốn để sản xuất, chăn nuôi, hoạt động thương mại, dịch vụ vận tải…
Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích, đồng vốn phát huy hiệu quả nên nhiều hội viên trong tổ đã cải thiện được cuộc sống, làm giàu chính đáng. Một số người còn mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, được ngân hàng cung ứng vốn kịp thời nên ăn nên làm ra, được công nhận là nông dân sản xuất giỏi các cấp.
Theo Giám đốc Agribank Phú Yên Trần Minh Mẫn, nhờ triển khai tốt Nghị định 41 nên 4 năm qua, ngân hàng này đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống cho hàng trăm ngàn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. “Nghị định 41 ra đời đã giúp khơi thông tín dụng, tạo nhiều ưu đãi cho khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển, nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đa số người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn cũng từng bước đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại”, ông Mẫn nói.
DƯ NỢ LIÊN TỤC TĂNG
Cách đây 4 năm, khi bắt đầu thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ, Agribank Phú Yên đã ký thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để thành lập các tổ vay vốn và cho vay qua tổ. Từ đó đến nay, ngân hàng này đã giải ngân hơn 10.000 tỉ đồng cho hơn 80.800 lượt khách hàng vay vốn; trong đó có 71.428 cá nhân, hộ gia đình, 365 doanh nghiệp, còn lại là các hợp tác xã và tổ hợp tác.
Dư nợ cho vay theo nghị định này tăng từ 1.789 tỉ đồng (tháng 12/2010) lên 2.882 tỉ đồng (tháng 6/2014), hiện chiếm 83% tổng dư nợ của chi nhánh.
Theo ông Trần Văn Cư, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đến nay, thông qua thỏa thuận liên ngành với Agribank Phú Yên, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập gần 1.000 tổ vay vốn với gần 24.000 tổ viên tham gia, dư nợ đạt hơn 695,6 tỉ đồng. Đây là điều kiện thuận lợi giúp các hộ nông dân triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh mới.
“Hiện nhiều người dân sinh sống tại khu vực phường, thị trấn ở Phú Yên vẫn sản xuất nông nghiệp nhưng chưa thể vay vốn theo Nghị định 41. Vì vậy, Hội Nông dân Phú Yên kiến nghị ngân hàng nên mở rộng đối tượng vay sang khu vực thành thị có sản xuất nông nghiệp để nhiều người dân được hưởng lợi từ chính sách”, ông Cư nói.
Ông Trần Minh Mẫn cho biết: 4 năm qua, trong quá trình cho vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank Phú Yên đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng gặp không ít khó khăn.
Thời gian tới, ngân hàng tiếp tục nắm bắt nhu cầu và triển khai có hiệu quả Nghị định 41/2010/NĐ-CP, các chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt heo, gia cầm và cá tra, tôm; thực hiện cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản…
Agribank cũng sẽ đồng hành, tích cực đầu tư cho “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” bằng cách dành từ 50.000 đến 60.000 tỉ đồng khuyến khích các chi nhánh cho vay ngắn hạn đối với hộ sản xuất, cá nhân có nhu cầu vay mới và bổ sung vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Related news

Vinamilk và tỉnh Lâm Đồng vừa có thỏa thuận hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa tại đây với 2 - 3 trang trại, quy mô đàn lên tới 10.000 con.

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết sản phẩm mật ong của Bảo Lộc hiện đã được xuất bán sang thị trường nước ngoài. Theo đó, Công ty TNHH Phong Sơn (Bảo Lộc) là đơn vị đầu tiên và duy nhất của tỉnh - tính đến thời điểm hiện tại xuất khẩu mật ong chúa sang thị trường Mỹ. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu mật ong của công ty đạt hơn 1,6 triệu USD.

Từ nay đến cuối năm, Chi cục Thú y tỉnh An Giang phối hợp Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trạm Thú y 11 huyện, thị xã, thành phố quản lý chất lượng heo đực giống. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch 160 triệu đồng, từ nguồn phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2015.

Thông tin từ các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, do nguồn cung hạn chế đã khiến giá gà bán tại các trại chăn nuôi tăng khoảng 10 - 15% so với 2 tháng trước đó. Riêng gà ta bán tại trại cho thương lái đã tăng từ mức 60.000 đồng/kg lên 85.000 đồng/kg.

Những năm trước, gia đình bà Trần Thị Khiển ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thuộc diện hộ nghèo của phường. Được sự giúp đỡ của địa phương, giờ đây gia đình bà đã vươn lên thành hộ khá nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp.