Tạo Thế Đứng Vững Chắc Cho Cây Cà Phê Hướng Hóa
Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hiện có trên 4.800 ha cà phê chè catimor, trong đó có gần 4.500 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Với doanh thu bình quân hàng năm trên 300 tỷ đồng, cây cà phê đã mang đến cho người dân địa phương nhiều điều tốt đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Niềm tin vào một năm mới thắng lợi mới hiện rõ trên khuôn mặt nhiều người dân trồng cà phê ở huyện Hướng Hóa. Anh Nguyễn Khắc Sơn ở thôn Lương Lễ (Tân Hợp) vui vẻ cho biết, năm vừa qua, hơn 2 ha cà phê của gia đình anh vừa được mùa, vừa được giá nên nguồn thu rất cao.
Không chỉ tiếp tục tái đầu tư cho cây cà phê mà gia đình anh còn có điều kiện để sửa sang lại nhà cửa, mua sắm các phương tiện hiện đại phục vụ nhu cầu cuộc sống. “Cây cà phê đã trở thành cầu nối quan trọng đưa người dân ở huyện Hướng Hóa đi tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc”- lời nói của anh Sơn cũng chính là điều mà chúng tôi đang nghĩ về cây cà phê trên mảnh đất Hướng Hóa.
Chúng tôi tiếp tục hành trình đến các vùng chuyên canh để có thêm nhiều trải nghiệm thú vị về cây cà phê và sự đổi đời của người dân vùng đất này.
Hướng Phùng được xem là thủ phủ của cây cà phê catimor Hướng Hóa, đây là một trong những địa phương có diện tích cây cà phê nhiều nhất huyện. Toàn xã hiện có hơn 1.625 ha cà phê, sản lượng bình quân mỗi năm trên 7.000 tấn, doanh thu trên 65 tỷ đồng.
Nhiều người dân ở đây cho biết, vấn đề mấu chốt làm nên sự đổi thay nhanh chóng ở xã miền núi thuộc diện khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo rất cao này chính là hiệu quả sản xuất kinh doanh từ cây cà phê mang lại. Theo đó, các ngành nghề, dịch vụ “ăn theo” cây cà phê cũng bắt đầu phát triển mạnh.
Những năm qua, khi phong trào phát triển cây cà phê lên cao, nhiều người dân mạnh dạn đầu tư vốn liếng mua sắm xe ô tô vận tải, máy móc, thiết bị… để vận chuyển hàng hóa, hình thành các cơ sở thu mua, chế biến cà phê, cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu… Những ngành nghề, dịch vụ phát triển mạnh cũng đã tác động ngược trở lại đến việc mở rộng diện tích cây cà phê, nâng cao năng suất, sản lượng.
Ông Phan Thành Danh ở thôn Cổ Nhổi, cho biết, gia đình ông có 9 ha cà phê, 2 ha cao su, 1 ha hồ tiêu, 10 ha rừng và cơ sở chế biến cà phê với tổng doanh thu bình quân hàng năm 40 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi ròng 900 triệu đồng. “Những năm qua, cây cà phê đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo và cây làm giàu cho người dân.
Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, bên cạnh phát huy nội lực của mỗi người dân rất cần sự đồng hành, trợ lực nhiều hơn nữa từ chính quyền các cấp, tổ chức, đơn vị để người dân có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống về mọi mặt, làm thay đổi bộ mặt vùng quê theo hướng văn minh và giàu mạnh”, ông Danh cho biết.
Hiện nay, phần lớn diện tích cây cà phê ở Hướng Hóa đang nằm trong tình trạng “lão hóa” sau nhiều năm khai thác mà không được tái canh. Đây chính là điều trăn trở và lo ngại nhất đối với người trồng cà phê cũng như cán bộ quản lý trên địa bàn. Anh Hồ Quốc Trung, Phó Trưởng phòng NN&PTNN huyện Hướng Hóa chia sẻ: Một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất chính là năng suất cà phê xuống thấp, chất lượng bị giảm sút, do đó khó cạnh tranh về giá và thị trường tiêu thụ…
Nguyên nhân chính là có trên 50% các vườn cà phê đã bị già cỗi, giống cà phê bị thoái hóa do tạo giống qua nhiều thế hệ, nhiều vườn cây có tuổi thọ trên 20 - 24 năm, tức là vượt chu kỳ kinh doanh trên 10 năm mà vẫn không bị đốn bỏ, thay thế. Mặt khác, nhiều vườn cà phê không được đầu tư thâm canh đúng kỹ thuật, quá lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu do đó đất bị chai cứng, độ thẩm thấu kém, phát sinh nhiều sâu bệnh, đặc biệt là rệp sáp, tuyến trùng hại rễ, bệnh thối rễ khó chữa…
Với mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững của cây trồng chủ lực này, theo kế hoạch từ năm 2015 đến 2020, huyện Hướng Hóa sẽ tập trung đẩy mạnh việc tái canh khoảng 1.600 ha cà phê, đưa giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, canh tác theo hướng sinh thái bền vững để phục hồi chất lượng cũng như sản lượng cà phê trên địa bàn.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư khá lớn, thời gian kiến thiết cơ bản khá dài, nếu không có cách làm phù hợp theo dạng cuốn chiếu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như tâm lý người dân… Bên cạnh đó, khâu thu hoạch và bảo quản cà phê không đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cà phê.
Do chưa có sự quản lý chặt chẽ, sự phát triển thiếu quy hoạch của nhiều điểm thu mua cà phê trên địa bàn nên đã xuất hiện tình trạng tranh mua tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến nhiều người dân không chấp hành quy trình thu hoạch (phải đạt tỷ lệ quả chín trên 90%), thu hoạch một cách ồ ạt hái cả quả chín xen lẫn quả còn xanh, chất lượng cà phê không đảm bảo đã ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu cà phê Hướng Hóa.
Thậm chí có một số hộ còn ngâm cà phê mới thu hoạch xuống các ao hồ để tăng trọng lượng trước khi bán cho các cơ sở chế biến đã làm chất lượng cà phê giảm sút đáng báo động.
Quyết tâm tạo thế đứng vững chắc cho cây cà phê cũng như khẳng định thương hiệu cà phê Hướng Hóa trên thị trường trong và ngoài nước, huyện Hướng Hóa đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp tích cực và bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan.
Để khắc phục tình trạng thiếu cây giống đạt tiêu chuẩn, hàng năm huyện trích ngân sách địa phương hơn 300 triệu đồng để trợ giá giống tái canh cho người dân. Chỉ đạo các ban, ngành và đơn vị liên quan phối hợp với Trung tâm khuyến nông tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT, kinh nghiệm về chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, tái canh cây cà phê già cỗi…
Đồng thời sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở thu mua, chế biến cà phê phù hợp với thực tế ở địa phương để đảm bảo ổn định thị trường nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo môi trường. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, chú trọng tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để tránh tình trạng chi phối, lũng đoạn thị trường của các cơ sở thu mua cà phê.
Thời gian qua, huyện Hướng Hóa cũng đã phối hợp với các cấp, ngành triển khai thực hiện các mô hình thí điểm đạt nhiều kết quả cao như: mô hình phục hồi cây cà phê già cỗi bằng phương pháp đốn đau, mô hình chăm sóc, thâm canh cây cà phê chè giống mới, mô hình bón phân Quế Lâm cho cây cà phê chè tại thị trấn Khe Sanh, xã Tân Hợp….
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng NN&PTNN huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến cà phê và người trồng cà phê được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, trong đó, áp dụng mức lãi suất ưu đãi đối với hộ dân vay vốn ngắn hạn từ 6 - 7%/năm, các doanh nghiệp thu mua, chế biến cà phê, mức lãi suất ưu đãi được áp dụng là 5 - 6%/tháng (những năm trước 11%).
Bên cạnh những giải pháp tích cực ở huyện Hướng Hóa, thiết nghĩ, các cơ quan, ban ngành cấp trên cần triển khai thêm nhiều biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho người dân về nguồn vốn, KHKT, ổn định thị trường, có chính sách khoanh nợ, hỗ trợ lãi suất, cho ứng trước cây giống, vật tư phân bón để người dân mạnh dạn đầu tư phát triển cây cà phê, không còn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu khi được mùa rớt giá.
Chú trọng chỉ đạo việc nâng cao năng lực cho các cơ sở chế biến cà phê đảm bảo chất lượng, môi trường, cung ứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn để tiếp tục khẳng định thương hiệu cà phê Hướng Hóa trên thị trường.
Related news
Trong năm 2013, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã thực hiện hiệu quả các mô hình điểm. Trong chương trình cánh đồng sản xuất tập trung, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai được 22 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, tổng diện tích 4.233 ha, với 2.977 hộ tham gia.
Ngày 24.2, tại xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên phối hợp với Công ty cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng, Công ty TNHH Kubota Việt Nam triển khai thí điểm mô hình sử dụng mạ khay, máy cấy lúa vụ xuân.
Như đời người “ba chìm bảy nổi”, vú sữa Lò Rèn đã trải qua những “thăng trầm” trên hành trình “rong ruổi”, “bén duyên” và phát triển để trở thành trái cây đặc sản gắn liền với địa danh Vĩnh Kim (Châu Thành - Tiền Giang).
Ông Năng chia sẻ, đây là loại cây ngắn ngày, cho thu hoạch nhanh, trồng kiểu lót bạc hạn chế cỏ mọc, đảm bảo độ ẩm cho cây. Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 8 tháng, thu trong thời gian 4 tháng, trồng cây cách cây 2 m, hàng cách hàng 2,5 m.
Giá trái thanh long hiện nay đang ở mức cao “kỷ lục”, chưa năm nào người dân chong đèn thanh long nhiều lần như hiện nay. Hộ chong ít nhất đến thời điểm này là 2 lần, còn nhiều thì lên đến 4 lần trên cùng một diện tích thanh long.