Tăng cường quản lý tôm giống

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng nhìn nhận, hiện còn nhiều khó khăn do một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống chưa chấp hành tốt việc khai báo kiểm dịch trước khi xuất trại, không trình báo trạm kiểm dịch khi vận chuyển tôm giống nhập tỉnh. Chưa chấp hành tốt quy định của Nhà nước về xử lý tôm giống không đảm bảo chất lượng khi lưu thông trên thị trường, cũng như không thực hiện việc công bố tiêu chuẩn giống áp dụng cho cơ sở.
Nông dân thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân đang chăm sóc tôm nuôi.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các tỉnh tổ chức thu gom tôm giống không đảm bảo chất lượng từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đóng lại thương hiệu của cơ sở mình đi phân phối, cung cấp cho người nuôi tại Cà Mau, gây khó khăn cho công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc tôm giống nhập tỉnh. Còn tại Cà Mau, có cơ sở ươm dưỡng nhưng không đảm bảo điều kiện kinh doanh, vệ sinh thú y. Tôm giống có nguồn gốc không rõ ràng, thu gom từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với giá rẻ nên kích thích người nuôi tôm mua nhiều, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh và kéo dài, gây khó khăn cho ngành chức năng trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi.
Ðó là những vấn đề “nóng” được các ngành, các cấp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôm giống có uy tín tìm giải pháp khắc phục và đẩy lùi tôm giống kém chất lượng, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôm giống có chất lượng phát huy, đảm bảo cho người dân được tiếp cận con giống chất lượng.
Ông Dương Hùng, Công ty Tôm giống Dương Hùng, cho rằng, nếu nông dân nuôi không thành công thì doanh nghiệp sản xuất tôm giống cũng không thể hoạt động. Do đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôm giống cần cùng nhau hỗ trợ nông dân, liên kết và cung cấp tôm giống trực tiếp đến nông dân thông qua tổ hợp tác, HTX. Cần đưa kỹ sư xuống tập huấn kỹ thuật từ cách ươm nuôi đến chăm sóc, quản lý tôm trong suốt vụ nuôi.
Ông Châu Công Bằng cho biết thêm, để làm được điều đó, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống phải chủ động liên kết lại với nhau. Cùng với sự chỉ đạo của sở trong việc tăng cường quản lý thông qua việc kiểm tra, thanh tra của các bộ phận thú y mới khắc phục được tình trạng làm ăn gian dối, kinh doanh tôm giống kém chất lượng như đã qua.
Theo các giải pháp trên, một giải pháp khá quan trọng được hơn 20 doanh nghiệp sản xuất tôm giống trong và ngoài tỉnh thống nhất cao; đó là cùng xây dựng mô hình hỗ trợ nông dân trong tổ hợp tác, HTX từ con giống, kỹ thuật, có chính sách hỗ trợ nông dân trả chậm tiền con giống. Ðồng thời, những nơi doanh nghiệp chọn đầu tư, Chi cục Thú y tỉnh khảo sát đánh giá hiện trạng chọn mô hình, hướng dẫn nông dân; Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp với doanh nghiệp sản xuất, cung cấp tôm giống tổ chức tập huấn kỹ thuật gắn với hiện trường.
Với mô hình điểm trên, nông dân và doanh nghiệp đều được lợi thông qua sự liên kết. Ðồng thời, Chi cục Thú y sẽ chủ động liên kết với doanh nghiệp thu mua để tạo đầu ra, tạo thành chuỗi liên kết toàn diện. Từ đó tạo lòng tin cho người dân và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Sở NN&PTNT tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để người dân được tiếp cận mô hình nuôi tôm ngày càng bền vững hơn./.
Related news

Khai thác thủy sản theo mô hình tổ hợp tác ở Bến Tre đã được hình thành sơ khai từ trước những năm 2000, nhưng là tự phát từ các thành viên trong gia đình hay bạn bè thân thuộc khai thác cùng nghề, cùng ngư trường.

Cũng như nhiều người khác, hành trình làm giàu của chị Triệu Thị Liên, người Dao đỏ, ở thôn Nà Luồng, thị trấn Đông Khê (Thạch An - Cao Bằng) đã nếm trải không ít thất bại. Bây giờ, khi đã gặt hái thành công, chị đúc kết lại: “Muốn làm giàu, ngoài sự cần cù, chịu khó cần phải năng động, sáng tạo nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương”.

Đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng và hoàn thành cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) với tổng diện tích 830ha.

Với 15ha đồi rừng, 1ha ao thả cá cộng với 2 dãy chuồng nuôi lợn được áp dụng theo mô hình vườn-ao-chuồng-rừng (VACR), gia đình chị Văn Thị Xuân ở tổ 8A, thị trấn Yên Bình (Yên Bình - Yên Bái) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Từ chỉ vài gia đình, đến nay mô hình cá trê lai bể ở xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế đã phát triển lên con số hơn 200 hộ. Việc tự phát mở rộng sản xuất một cách ồ ạt đã khiến cho đầu ra của sản phẩm ngày càng khó khăn.