Biết Gìn Giữ, Rú Chẳng Phụ Công Người
Trên những rú cát mênh mông của vùng cát Phong Điền (Thừa Thiên Huế) màu xanh đã trải dài. Sức sống mới ngày càng vươn xa. chợt hiểu và thấm thía hơn, khi con người quyết tâm giữ rú, thì rú chẳng phụ công người… Người người “giữ” rú…
Chúng tôi về các xã vùng cát huyện Phong Điền một ngày đầu năm mới 2014. Cái rét của ngày đầu năm, cũng không làm mất đi vẻ đẹp màu xanh của những chồi non và màu vàng rực của mai vàng, cúc pha lê, cúc 4 số và nhiều loại cây trồng khác trên các triền đồi rú cát.
Nhâm nhi chén trà nóng, ông Phạm Bá Thể, một trong những người sống lâu năm trong làng Phò Trạch (Phong Bình) nhớ lại: “Đúng tròn 700 năm, khi làng Phò Trạch còn là một ngôi làng cổ có tên tổng Phò Trạch thì trên độn cát kia, khu rừng dẻ đã xanh tươi um tùm.
Người ta truyền bảo nhau, vào thời các vua Nguyễn, để bảo vệ khu rừng khỏi bị tàn phá, dân làng đã cho dựng một cây nêu bằng tre trước bìa rừng; trên đó, treo cái giỏ có mấy sợi roi làm bằng tre. Dân làng xem cây nêu, những sợi roi tre như là một “mệnh lệnh” cấm tuyệt đối không ai được vào rừng dẻ để chặt phá. Đời này qua đời khác, nó trở thành lời thề giữ rừng của làng”.
Đi giữa bạt ngàn màu xanh của khu rừng dẻ, ông Nguyễn Ngọc Bách chia sẻ: Rú cát gắn liền với sự sinh tồn của cư dân trong làng. Rú cát cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt, nguồn lợi thủy sản để người dân “sinh tồn” trên cát trắng khô cằn, khắc nghiệt. Rú che chắn cho làng khỏi nạn cát bay, cát lấp, cát chồi, cát chảy; hạn chế lũ lụt, hạn hán. Trong chiến tranh, rú như một căn cứ địa cách mạng che chở người dân và bộ đội.
Trước đây, cuộc sống khó khăn, người dân trong làng thường vào rú lấy củi. Trải qua biến động khắc nghiệt của thời tiết, người dân nhận thức rằng, bảo vệ rú là bảo vệ cuộc sống của chính mình. Không một ai vào rú lấy củi, đốn cây, làm ảnh hưởng đến rú.
Những ngày đầu xuân, đi dọc theo những rú cát trải dài mênh mông, với màu xanh tít tắp các loại cây bản địa, cây trồng… một cảm giác thật khó tả. Thế mới biết, công sức và sự nỗ lực, cố gắng của người dân, của chính quyền địa phương trong việc giữ rú, giữ rừng trên những triền cát mới lớn đến nhường nào.
Để đối phó với kẻ gian đào trộm những cây lộc vừng mọc lẻ loi, dân làng Siêu Quần và Phò Trạch (Phong Bình) thành lập đội bảo vệ rừng cây lộc vừng, gồm toàn thanh niên trai tráng. “Rừng lộc vừng hàng trăm năm tuổi trở thành máu thịt, linh hồn của làng.
Những năm qua, chính quyền xã kiên quyết nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển cây lộc vừng; đồng thời, vận động người dân thực hiện theo hương ước của làng, nhằm bảo vệ rừng cây trước nạn “săn” cây cảnh”. Chủ tịch UBND xã Phong Bình Nguyễn Viết Âu trao đổi.
Người dân các xã vùng cát ví rú cát như lá phổi xanh của làng. Nhiều người dân nhớ lại; cũng đã có lúc làng trích lúa để trả công cho những người bảo vệ rú. Thế nhưng, đến bây giờ trả công không còn là chuyện lớn. Ý thức phải bảo vệ rừng cây, rú làng đã thấm sâu trong tiềm thức. Rú làng nhờ thế mới tồn tại xanh tốt đến ngày nay. Người dân vùng cát đã có thể yên tâm không còn phải đối phó với nạn cát bay, cát lấp, gây ảnh hưởng đến cuộc sống như trước nữa.
Vì sao những cánh rừng trên những rú cát kia ở Phong Bình, Điền Môn, Điền Hòa, Điền Hương… của huyện Phong Điền vẫn trụ vững trước thời gian và không ngừng đâm chồi, nẩy lộc?. Ông Ngô Văn Tá khẳng định: “Chính phong trào xây dựng làng văn hóa là “đòn bẩy” để người dân trong làng quyết tâm giữ rừng trên những rú cát.
Hương ước xây dựng làng văn hóa ra đời, với những điều khoản “nghiêm ngặt” được đặt ra để nhắc nhở cháu con về ý thức bảo vệ rừng. Đời trước làm, đời này phải làm theo như một trách nhiệm với tổ tiên, ông bà trong răn dạy con cháu về truyền thống giữ rừng tốt đẹp.
“Lệ làng không thể đem ra so với luật pháp nên chúng tôi không bắt bớ, không phạt tiền mà chỉ xử lý nội bộ, lấy giáo dục là chính. Nhưng người làng vi phạm cũng sẽ rất “rắc rối”. Chúng tôi sẽ tổ chức họp họ tộc, họp làng nêu tên người này ra để kiểm điểm. Nếu tái phạm nhiều sẽ bị dân làng chê cười, cách ly quan hệ”. Ông Tá nói thêm.
Rú “nuôi” dân…
Trong những cánh rừng dẻ, rừng cây lộc vừng, rừng tràm, keo tai tượng… xanh tốt trên các rú cát, giờ xuất hiện không ít trang trại. Những năm gần đây, kinh tế trang trại giúp nông dân vùng cát ở Phong Điền đỡ chật vật hơn. Không giàu, nhưng nhiều hộ đủ ăn, từ khó khăn vươn lên khá giả.
“Lấy ngắn, nuôi dài” là phương châm mà nhiều người làm kinh tế trang trại đã và đang làm. “Được chính quyền tiếp sức, tui huy động cả gia đình lên độn cát, đắp đê chống cát bay, rồi đào mương dẫn nước để cải tạo đất cát thành đất sản xuất”. Ông Đoàn Văn Dưng, xã Phong Hòa nhớ lại. Giờ vợ chồng ông Đoàn Văn Dưng đã xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại, với tổng số heo hiện có là 60 con.
Mỗi năm, gia đình ông xuất chuồng khoảng từ 14 đến 15 tấn heo thịt, thu về gần 800 triệu đồng. Riêng khu rừng tràm, keo với 8 ha, mỗi đợt thu hoạch thu lãi được 100 triệu đồng; ao cá rộng 0,3 ha với nhiều loại cá có giá trị cao như cá trê, cá rô phi. Tổng thu nhập mỗi năm từ kinh tế trang trại của gia đình ông lên tới gần 900 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hữu Nhân, xã Phong Chương hồi tưởng: “Quê tui cát trắng giờ đã chuyển màu xanh. Màu xanh của những loại cây trồng trên cát. Cây giữ cát giữ làng, cát nuôi cây, nuôi người. Biết vậy, nhưng tui cứ trăn trở, tại sao mình không phát huy lợi thế của những rú cát mênh mông để phát triển kinh tế trang trại. Nghĩ thế, một mô hình kinh tế trang trại VACR (vườn – ao – chuồng – rừng) ra đời ở vùng Trằm Thiềm trên ý tưởng đó”. Ngoài chăn nuôi, 30 ha cây keo lưỡi liềm giờ đã phủ xanh trên khắp vùng cát Trằm Thiềm. Đó là lý do để UBND xã Phong Chương tin tưởng cử ông làm trưởng nhóm hỗ trợ trồng rừng.
Có rú giữ rừng là có tất cả. Làng quyết tâm giữ rú, giữ rừng; rừng cũng chẳng phụ công. Chính rú và rừng đã “trả công” con người bằng màu xanh của cây trái, với những mùa vụ, cây trồng bội thu. Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Nguyễn Đại Vui đã không quá khi nói rằng: “Chương trình 661 đã tiếp thêm sức mạnh và mang lại màu xanh hy vọng cho không ít các làng quê trên vùng cát trắng Phong Điền. Bên cạnh các loại cây xương rồng, tràm, chổi, mua, sim, chạc chìu, dứa dại... thì cây tràm hoa vàng đã không ngừng mọc lên trên những trảng cát mênh mông”.
Ngay như ở Điền Môn, đã rất linh hoạt khi kết hợp mô hình gắn kết rừng ven biển với việc phát triển kinh tế dưới tán, bằng việc phân đất rừng cho người dân tự chăm sóc quản lý. Cùng với hương ước giữ rừng, Đảng ủy, chính quyền, nhân dân trong xã đã phân công cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách từng khu vực trồng rừng để giám sát, theo dõi sự phát triển của cây. “Bây giờ, địa phương chúng tôi đã có thể yên tâm không còn phải đối phó với nạn cát bay, cát lấp ảnh hưởng đến đời sống của người dân như trước nữa”. Chủ tịch UBND xã Điền Môn, ông Phạm Do nói như khoe.
Huyền thoại giữ rừng, giữ rú cát bằng hương ước thêm một lần nữa khẳng định: “Chính sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của người dân là yếu tố quyết định thành công”. “Còn rừng là còn của, mất rừng là… mất tất cả”, người dân vùng cát đã nhắn gửi với chúng tôi như thế trước một năm mới đầy niềm tin…
Related news
Đa dạng hóa đối tượng nuôi nhằm tăng thêm giá trị kinh tế cho nông hộ và ngành Thủy sản là một hướng đi đúng, nhưng xét trên phương diện nuôi để xuất khẩu, trong thời gian dài, An Giang chỉ “độc nhất” có con cá tra, trong khi các loại thủy sản khác có tiềm năng rất lớn.
Từ năm 2000 đến nay, nuôi nghêu thương phẩm đã giúp người dân Phú Hải có thu nhập ổn định, đời sống ngày một khấm khá. Tuy nhiên, người nuôi nghêu ở đây vẫn còn không ít nỗi băn khoăn, lo lắng…
Chứng nhận nhóm mở ra hướng đi mới cho các hộ nuôi thủy sản nhỏ đạt được các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế. Tuy nhiên, để áp dụng và mở rộng mô hình đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều công việc và vượt qua không ít thách thức.
Được thiết kế theo hệ thống khép kín, khí gas sau khi qua điều áp dẫn thẳng vào bếp gas, có van khoá an toàn nên không bị rò rỉ và không có mùi hôi.
Là một người nông dân cần mẫn, ông Nguyễn Văn Tám ở miền quê nghèo Lâm Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) đã biến một vùng đất hoang, khô cằn sỏi đá thành một trang trại chăn nuôi có quy mô lớn và cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.