Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Và Nhiệm Vụ Của Trung Tâm Khuyến Nông

Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Và Nhiệm Vụ Của Trung Tâm Khuyến Nông
Publish date: Wednesday. September 10th, 2014

Nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp những năm gần đây đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Do đó, ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Mục tiêu của đề án là phát triển nông nghiệp bền vững, hướng tới thực hiện phúc lợi xã hội cho nông dân và người tiêu dùng nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, chất lượng, thân thiện với môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho nông dân, bảo đảm an ninh lương thực - thực phẩm, ổn định xã hội.

Nội dung cơ bản của đề án chỉ tập trung vào làm những gì đem lại lợi nhuận nhất, giá trị nhất cho nông dân, dựa trên nền tảng khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhất và không ảnh hưởng đến phát triển lâu dài của sản xuất nông nghiệp, đi đôi với bảo vệ môi trường.

Cụ thể, cần tiến hành một cách quyết liệt và triệt để với những công việc sau: Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế như quy hoạch; xây dựng cơ sở hạ tầng; nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ; cung cấp thông tin, dịch vụ, phát triển thị trường. Nông dân giữ vai trò trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị.

Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh theo hình thức trang trại, gia trại, công nghệ cao… theo lợi thế từng địa phương và nhu cầu thị trường. Có sự liên kết hiệu quả giữa “4 nhà”, quan trọng nhất là nhà doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã đạt được những kết quả khả quan như: Bước đầu đã hình thành các vùng chuyên canh các loại cây, con là thế mạnh của tỉnh; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản - nhất là thực hiện các mô hình rau, quả chứng nhận VietGAP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có không ít khó khăn, tồn tại: Chuyển dịch cơ cấu từ trong nội bộ ngành thường theo biến động của thị trường và tình hình dịch bệnh nên không ổn định. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Diện tích sản xuất nhỏ, phân tán. Nông sản tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái.

Việc đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp còn chậm so với sản xuất. Nguyên nhân của tồn tại trên do phát triển thiên về chiều rộng, sản xuất phân tán, giá thành cao không ổn định, thói quen sản xuất chưa tính đến an toàn vệ sinh hực phẩm.

Chính vì vậy, tỉnh xác định mục tiêu chung của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tới là: Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng xác định sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư về khoa học - công nghệ, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao giá trị, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho nông dân; góp phần thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Về nhiệm vụ: Đối với trồng trọt tập trung vào 3 cây (cây ăn quả, cây lúa, cây màu); chăn nuôi tập trung vào 2 con (heo và bò); thủy sản tập trung vào 2 con (tôm, nghêu) và khai thác xa bờ.

Đối với Trung tâm Khuyến nông có nhiệm vụ là chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất theo hướng góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần xác định việc chuyển đổi dựa trên cơ sở nhu cầu của thị trường, điều kiện tự nhiên của từng vùng và quy hoạch của ngành; coi trọng chất lượng, phát triển theo chiều sâu và bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ; gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường; thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các nội dung trọng điểm cần triển khai thực hiện đó là:

Đối với trồng trọt: Khuyến khích phát triển bền vững các mô hình cây trồng chủ lực của tỉnh, gồm lúa chất lượng cao, 7 chủng loại cây ăn trái và rau; khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất gắn với thị trường.

Đối với cây lúa: Xây dựng cánh đồng mẫu lớn; nhân rộng mô hình “1 phải 5 giảm”, công nghệ sinh thái; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

Đối với cây ăn trái và rau màu: Chuyển đổi giống có năng suất, chất lượng; tăng cường ứng dụng công nghệ - sinh học trong sản xuất; đưa cây màu xuống chân ruộng.

Đối với chăn nuôi: Khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại; sản xuất hàng hóa, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi trên heo, gà cùng với phát triển công trình khí sinh học.

Đối với thủy sản: Đẩy mạnh nuôi các đối tượng có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, mở rộng diện tích nuôi thủy sản an toàn sinh học; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác; thúc đẩy sản xuất gắn với thị trường.

Các mô hình trình diễn khuyến nông đã thực hiện đạt hiệu quả cao như: Các mô hình đã được chứng nhận VietGAP (rau ở TX. Gò Công, thanh long ở Chợ Gạo, sầu riêng ở Cai Lậy); mô hình trồng các loại rau màu dưới chân ruộng, mô hình sản xuất lúa “1 phải 5 giảm” và trồng hoa sinh thái; ứng dụng dụng cụ sạ hàng, máy sấy lúa; cải thiện tầm vóc đàn bò bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, xây hầm biogas; mô hình tôm - lúa, cá - lúa; ứng dụng máy dò ngang, đèn tiết kiệm điện, lưới rê cá dưa trên tàu khai thác xa bờ.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình với những nội dung trên nhằm góp phần vào việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh nhà đạt kết quả cao hơn.


Related news

Thu nhập cao từ nuôi gà xương đen Thu nhập cao từ nuôi gà xương đen

Đó là mô hình chăn nuôi gà xương đen của gia đình chị Lý Thị Chấu, dân tộc Mông (Hà Giang), mỗi năm cho thu lãi trên 60 triệu đồng.

Wednesday. April 12th, 2017
Bí quyết làm giàu: Trồng sơ ri trên đất phèn Bí quyết làm giàu: Trồng sơ ri trên đất phèn

Từ khi chuyển qua trồng sơ ri trên đất phèn, hơn 100 hộ dân ở xã Mỹ Thuận (H.Bình Tân, Vĩnh Long) đã từng bước ổn định kinh tế, vươn lên khá giả.

Friday. April 14th, 2017
Nuôi dê nhốt chuồng thu nhập ổn định Nuôi dê nhốt chuồng thu nhập ổn định

Nhờ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng, gia đình anh Phan Trí Khái, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) có nguồn thu nhập ổn định hàng n

Friday. April 14th, 2017
Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá đĩa Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá đĩa

Đã có thú vui nuôi cá đĩa từ năm 1996 nhưng mãi năm 2006, anh Thái Văn Hiếu mới chính thức đầu tư nuôi loại cá này để kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Monday. April 17th, 2017
Nuôi Nuôi "chim khổng lồ" lãi 5 tỷ: Tiết lộ tuyệt chiêu nuôi chim

Chim khổng lồ - đà điểu là loài dễ nuôi. Để nuôi đà điểu như một nghề mang lại lợi nhuận cao là điều không dễ dàng cho những hộ nông dân thiếu thông tin

Monday. April 17th, 2017